(Thethaovanhoa.vn) - Được Xuân Diệu ví như "Bertolt Brecht của Việt Nam", thơ Đỗ Trung Lai lạ ở chỗ nảy nở từ trực cảm mạnh mẽ, phát lộ lên câu chữ với nhiều tầng nghĩa nhưng lại ẩn hiện dưới những hình ảnh thường ngày. Từ đường thơ cho đến đời thơ của Đỗ Trung Lai là một sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa “vốn học” và “vốn đi” như cách nói của Saadi - một nhà thơ, nhà tư tưởng vĩ đại của Ba Tư trung cổ.
Tiếp theo bài Nhà thơ Đỗ Trung Lai: “Phải rất sâu sắc mới có thể viết cho trẻ con”, chuyên mục kỳ này sẽ giới thiệu chân dung cuộc đời và những quan niệm sáng tác của tác giả Nếu trái đất thiếu trẻ con.
“Mộng văn chương từ bé”
Người đời vẫn thường bảo nhau rằng “Thơ như người”. Ấy vậy mà, riêng với trường hợp của nhà thơ Đỗ Trung Lai dường như lại có sự khang khác. Tác giả của những vần thơ lãng mạn, bay bổng, hào hoa đến độ diễm lệ, tinh tế như “Sao giời lọt qua mắt lưới/ Rơi đầy xuống cả mặt sông” trong Đêm sông Cầu ở ngoài đời lại hiện lên với một chân dung mộc mạc, chân chất đậm chất “nhà binh” với ngôn từ gần gũi, phóng khoáng, chân tình tựa như đã quen từ rất lâu.
Nhà thơ Đỗ Trung Lai sinh ra trong một gia đình nhà Nho có truyền thống hiếu học. Bởi lẽ đó, tuổi thơ của ông được đắm mình trong những áng Đường thi từ thuở lọt lòng. Ông kể: “Bố tôi là nhà Nho, ông thường ru tôi ngủ bằng thơ Đường từ bé, cứ như thể tẩm vào người tôi” để độ “lúc chưa đi học, tôi đã thuộc lòng thơ Đường”. Cho đến năm học lớp 1 khi được bố hỏi: “Lớn lên con làm gì?”. Cậu bé Đỗ Trung Lai ngây thơ đáp: “Lớn lên con thành Tố Hữu”. Thế mới thấy, cái khao khát theo nghiệp thi phú, văn chương nghệ thuật của nhà thơ Đỗ Trung Lai đã được nhen nhóm từ trong gia đình từ thuở còn là một đứa trẻ ngây thơ, trong sáng. Cho đến bây giờ ngồi ngẫm ngợi lại, nhà thơ vẫn chắc nịch khẳng định: “Tôi là thằng có mộng văn chương từ bé”.
Như một lẽ dĩ nhiên, yêu thơ ca ắt ước muốn học ngành văn học, theo đuổi con đường văn chương nghệ thuật. Thế nhưng đời người vốn trớ trêu. Ngả rẽ bất ngờ xảy đến với nhà thơ Đỗ Trung Lai khi ông được phân vào khoa Vật lý Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (khóa 1968 - 1972) sau khi tốt nghiệp phổ thông. Nguyện vọng đổi ngành học không thành công nhưng tình yêu với văn chương nghệ thuật thì vẫn luôn “hừng hực” càng khiến quyết tâm đeo đuổi việc học văn của nhà thơ lớn hơn bao giờ hết.
Ông kể: “Mọi người tưởng tôi học vật lý, thực ra 4 năm đó tôi vẫn học văn. Trong 4 năm ấy tôi mua toàn bộ giáo trình văn học của Đại học Tổng học Văn và Đại học Sư phạm - khoa Văn để đọc, tôi đọc chỉ 1 năm và tự học, học gồm cả 2 ngành”.
Tốt nghiệp đại học, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ thông tin hữu tuyến của Sư đoàn 338, đóng quân ở Khu 4 thuộc địa phận tỉnh Lạng Sơn. Đến năm 1974, ông xuất ngũ, trở về giảng dạy môn vật lý tại Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng, vừa dạy học vừa làm báo, làm thơ. 8 năm sau ông được điều động về làm phóng viên báo Quân đội nhân dân. Tại đây, nhà thơ Đỗ Trung Lai như có cơ hội sống với sự nghiệp sáng tác văn chương thi phú của mình một cách thỏa chí trong suốt 15 năm.
Đường thơ của Đỗ Trung Lai quả thực lắm gian nan và khổ ải, chẳng bằng phẳng, êm ái như nhiều người. Ngay cả dấu mốc khởi đầu nghiệp viết cùng lắm nỗi truân chuyên. Tác phẩm đầu tay của nhà thơ Đỗ Trung Lai là kịch thơ 5 màn nói về phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên chống Mỹ cuối những năm 60 của thế kỷ trước. Sau khi hoàn tất bản thảo hơn 60 trang, ông mang tác phẩm kịch thơ của mình đến gõ cửa nhiều tạp chí để giới thiệu.
Thế nhưng thứ mà nhà thơ Đỗ Trung Lai nhận được chỉ là những cái lắc đầu với lời từ chối: “Cả nước giờ có mỗi một người đọc kịch thơ là Lưu Trọng Lư”. Chính từ lời từ chối như đã mách nước cho nhà thơ Đỗ Trung Lai phải đến tìm ai để có được cơ hội cuối cùng. Đó chính là “ông hoàng” kịch thơ Lưu Trọng Lưu.
Nhà thơ Đỗ Trung Lai nhớ lại: “Đến nhà Lưu Trọng Lư gõ cửa, tôi kính cẩn gửi bản thảo và xin phép ra về. 3 ngày sau quay lại, tôi rất cảm động. Ông ấy (nhà thơ Lưu Trọng Lư) đứng trong cửa, hé cửa thấy tôi, ông ra, đưa cả 2 tay bắt tay tôi, ông nói nguyên văn: “Rất nhiều người đưa kịch thơ cho tôi đọc, nhưng mà không phải nhà thơ họ không làm kịch thơ được, và kịch của anh làm tôi rất thích, mời anh vào nhà”. Khi ấy, bà vợ ông bưng một cái mâm đồng trên đó có một bát phở để ông ăn sáng trước khi đi họp, ông xua tay bảo: “Bà cất đi, hôm nay tôi bỏ họp, tôi cũng không ăn”. Thế rồi 2 bác cháu tiếp cả buổi sáng.
Nhà thơ Lưu Trọng Lư cho rằng màn 5 kịch tính còn yếu, hơi đuối nên bảo: “Cậu về sửa khoảng 1 tuần rồi mang lại đây. Tôi hứa với cậu tôi sẽ đăng toàn bộ trên tạp chí Sân khấu, ra tôi sẽ tìm đoàn diễn. Thế nhưng sau đó đợi cả tháng không thấy gì”.
Trớ trêu thay! Tạp chí Sân khấu có sự thay đổi, những dự định của nhà thơ Lưu Trọng Lư không thực hiện được.
Trong cái rủi lại có cái may, giữa lúc bế tắc nhất, một người bạn của nhà thơ Đỗ Trung Lai đã dẫn đến gặp thi sĩ Phạm Tiến Duật. Trong cuộc gặp, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã đưa ra một lời thách đố: “Làm dài hay cũng khó, làm ngắn hay cũng khó. Cái thơ dài này là được rồi, anh lướt qua anh đã thích rồi, nhưng mà anh đố chú làm được thơ ngắn”.
Với cá tính không chịu khuất phục của mình, chỉ sau 1 tuần, bài thơ Đêm sông Cầu ra đời, cũng là tác phẩm tạo ra dấu ấn sáng tác đặc sắc trong thơ Đỗ Trung Lai. Về sự ra đời của bài thơ đặc biệt này, nhà thơ Đỗ Trung Lai trần tình: “Đúng 1 tuần sau, từ Lạng Sơn về trên chuyến tàu chợ, dưới ánh đèn tù mù, chúi vào một góc, gần như viết mò, xé bao thuốc lấy tờ giấy để viết ra bài thơ Đêm sông Cầu, nhớ ông Duật thách, về phải có, nên phải viết. Khi mang về tuần sau, lập tức đăng trên trang nhất của báo Văn nghệ có phần minh của họa sĩ - nhạc sĩ Văn Cao”.
Đêm sông Cầu sau này đã mang lại Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 1994 cho nhà thơ Đỗ Trung Lai. (Nhạc sĩ Phan Lạc Hoa đã phổ nhạc bài thơ thành ca khúc Tình yêu bên dòng sông quan họ).Đây cũng là bài thơ đánh dấu sự nghiệp sáng tác đoản thi (thơ ngắn) của nhà thơ. Từ đó cho đến nay, tác giả của Đêm sông Cầu đã sở hữu khối “tài sản” gần 20 tập thơ lớn nhỏ từ thơ ngắn, truyện thơ, thơ dịch cho đến trường ca.
Đến nay, ở vào độ tuổi 70, người ta vẫn cho là “cái tuổi xưa nay hiếm” thế nhưng với nhà thơ Đỗ Trung Lai, đây lại là thời điểm ông cảm thấy bút lực mình sung sức nhất, là thời điểm mà “vốn sống” và “vốn đi” của ông đã hòa quyện nhuần nhuyễn lại với nhau chỉ chờ ngôn từ trực trào ra khỏi ngòi bút. Mượn lời Saadi - một vĩ nhân phương Đông - từng nói: “Nếu tôi sống được 90 tuổi, 30 năm đầu tôi dùng để học, 30 năm tiếp theo tôi dùng để đi và 30 năm cuối cùng tôi mới viết”. Nhà thơ Đỗ Trung Lai nhấn mạnh: “Cái vốn học tức học vấn, cái vốn đi là vốn sống, chữ nghĩa với vốn sống nó nhuần nhuyễn như thế nào trong người thì đến khi nó mới thành ra một thi sĩ. Bây giờ phải định nghĩa thi sĩ là gì?”. “Thi sĩ không phải là người có thể viết ra những câu thơ, thi sĩ là người không thể không viết ra những câu thơ...” - nhà thơ Đỗ Trung Lai nhấn mạnh.
Thật vậy! Thơ chuyển từ tác giả ra trang giấy khi “không thể không viết ra” thì hẵng viết. “Khi mà trong lòng không có thơ thật, thì đừng ép mình làm thơ làm gì...”. Chính cá tính thơ khảng khái đó khiến những áng thơ của Đỗ Trung Lai luôn thấm đẫm chất đời đan lồng cả những cảm xúc chân thật của tình cảm xuất phát từ cảnh thực, việc thực, người thực. Bởi thế mà đọc thơ Đỗ Trung Lai dễ thấy: “Hình ảnh thơ từ đời thực mà ra, nhìn thấy cái thi vị ở trong cái thực, chứ không phải cố tình thi vị hóa” - nhà thơ chia sẻ.
“Yêu thơ Đường mà không biết mặt chữ”
Thấm đẫm Đường thi từ nhỏ, được bố ru ngủ bằng chữ Hán, thơ Đường có lẽ cái cốt cách của một nhà Nho chân chính đã ngấm sâu vào trong con người của nhà thơ Đỗ Trung Lai. Bởi thế mà khi đang ngồi ở ghế Phó Tổng biên tập thường trực báo Tiếng nói Việt Nam, năm 2006, nhà thơ Đỗ Trung Lai xin về hưu trước thời hạn 4 năm để dành trọn vẹn thời gian nghiên cứu và dịch Đường thi.
Hiếm ai có một tình yêu với Đường thi nhiều và sâu sắc như nhà thơ Đỗ Trung Lai. Ông luôn coi việc nghiên cứu và dịch thơ Đường là công việc quan trọng của đời mình, là việc lớn ngang ngửa với việc làm thơ. Bởi lẽ, ông cho rằng: “Thơ Đường là một trong những nền thơ vĩ đại nhất thế giới. Tôi học thơ Đường là có mục đích của tôi, tôi muốn dịch thơ cổ điển, thơ chữ Hán của Việt Nam. Tôi bỏ 8 năm ra để dịch thơ Đường, 3 năm 3 quyển: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, sau đó 5 năm là quyển 100 nhà thơ Đường”.
Dành hơn 13 năm để nghiên cứu và dịch thơ Đường, có đến nay “gia sản” thơ dịch của nhà thơ Đỗ Trung Lai thú thực mà nói không phải ai cũng có khả năng theo kịp. Thế nhưng với ông đó chỉ là những kết quả phái sinh. Điều cốt yếu nhất mà nhà thơ mong muốn khi dịch và xuất bản các tập thơ dịch đó chính là để “truyền bá Đường thi đến với bạn đọc không có Hán học, nhất là giới trẻ, không hiểu được, không biết được cái vẻ đẹp của thơ Đường quả thực là một thiệt thòi lớn, bởi thơ Đường quá đẹp, quá hay”. Điều này được nhà thơ Đỗ Trung Lai nghiệm lại từ chính cuộc đời mình khi ông được nhen nhóm tình yêu với thơ Đường ngay từ nhỏ nhưng lại bị “đứt mạch” Hán học, vì buộc phải học tiếng Nga.
- Nhà thơ Đỗ Trung Lai: 'Phải rất sâu sắc mới có thể viết cho trẻ con'
- Gặp lại tác giả được đưa vào SGK: Đỗ Trung Lai - 'Cả thế giới quàng khăn quàng đỏ'
- Cái đỉnh Đường thi và thơ dịch của Đỗ Trung Lai
Hiểu được điều này mới thấy sự kỳ công trong quá trình dịch thơ Đường của nhà thơ Đỗ Trung Lai suốt hơn 10 năm qua. Để có thể dịch được thơ, ông phải tra từng mặt chữ trong từ điển ứng với tình cảnh thơ ra sao để chọn ra được nghĩa hay nhất, phù hợp nhất với ngữ cảnh dịch. Nhà thơ Đỗ Trung Lai kể, dịch bài thơ Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị, ông đã phải vứt bỏ 32 bản nháp vì bản dịch trước đó đã quá hay, quá xuất sắc. Qua đây mới thấy được sự công phu và tâm huyết của nhà thơ như thế nào đối với quá trình thực hiện nghiên cứu và dịch thơ Đường. Nói về chất lượng của các bản dịch thơ Đường trước đó, nhà thơ Đỗ Trung Lai chỉ rõ đại đa số các bản dịch bởi những nhà Nho giỏi chữ nghĩa nhưng lại không phải thi sĩ nên rất dễ khiến các tuyệt tác Đường thi bị dịch sai, mất đi cái hay, cái đẹp của một nền thơ vĩ đại bậc nhất thế giới.
Không dừng lại ở những tập thơ dịch đã xuất bản, nhà thơ Đỗ Trung Lai vẫn ngày ngày miệt mài thực hiện công việc dịch thơ chữ Hán của các tác giả Việt Nam như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn… trước đó, ông đã xuất bản tập thơ đầu tiên dịch thơ chữ Hán của tác giả Việt Nam đó chính là tập Trúc Lâm tam tổ thi, thơ của 3 vị tổ thiền phái Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang.
Cho đến nay khi ngồi lại nhìn về những gì mình làm được trong quá trình nghiên cứu và dịch Đường thi, nhà thơ Đỗ Trung Lai vẫn khiêm tốn, chưa thực sự hài lòng so với tham vọng và tiềm năng của bản thân. Ông luôn tâm niệm rằng: “Khi anh yêu thơ Đường, hiển nhiên anh yêu cái gì nhất thì cái tinh hoa của nó chui vào người anh nhiều nhất, tẩm vào anh nhiều nhất”.
(Còn tiếp)
Công Bắc
Tags