(Thethaovanhoa.vn) - Đầu tháng 8 vừa qua, cùng với nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa và nhà nghiên cứu Trịnh Sinh, nhiếp ảnh gia Lê Bích đã hoàn thành cuốn sách Dòng tranh dân gian Đông Hồ. Bản thân anh cũng là người đã có nhiều năm tìm hiểu và thực hiện hàng ngàn bức ảnh về thể loại tranh này.
Trước đó, như Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã đưa tin trong số báo ngày 16/8, tranh Đông Hồ đang được xây dựng hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản thế giới trong thời gian tới.
Trò chuyện, Lê Bích cho biết:
- Đề tài làng nghề, cụ thể hơn là làng nghề thủ công truyền thống được tôi khai thác từ năm 2005. Đây là một kho tàng nghệ thuật, tri thức cũng như là cách thức mưu sinh của người Việt từ bao đời nay và khai thác bao nhiêu đi nữa vẫn là chưa đủ.
Riêng với tranh Đông Hồ, tôi đã tìm hiểu về thể loại này và đến làng Đông Hồ chụp ảnh tư liệu từ năm 2005. Ý tưởng ban đầu về sách tranh Đông Hồ là do Giám đốc Bảo tàng gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa khởi xướng. Tiếp theo thành công của cuốn sách “Dòng Tranh dân gian Kim Hoàng” từng thực hiện trước đó, tôi, Phó giáo sư Trịnh Sinh và Thu Hòa tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và thế mạnh của từng cá nhân để thành một nhóm nghiên cứu.
Nhìn chung, cả 3 chúng tôi có chung tình yêu với văn hóa di sản Việt Nam. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân đều có những điểm ưu việt riêng. Đơn cử, tôi là phóng viên ảnh nên phần ảnh tư liệu của sách khá phong phú. Sách dầy 232 trang có tới 517 ảnh, giúp người xem tiếp cận với chúng như một cuốn phim quay chậm.
*Vậy trong quá trình thực hiện, các anh có gặp những khó khăn gì?
- Tư liệu về tranh Đông Hồ hiện còn ít, đồng thời niên đại tranh Đông Hồ hiện chưa xác định được. Bên cạnh đó, dấu tích về làng Đông Hồ cũ nằm sát bờ sông Đuống không còn nhiều. Làng Đông Hồ hiện giờ được chuyển từ ngoài sông vào trong đê năm 1917, và chỉ còn một số cụ cao niên nhớ lại các chuyện cũ trong ký ức.
Thêm vào đó, tổng hợp mẫu tranh Đông Hồ không nằm trong 1 gia đình mà rải rác ở 3 gia đình. Nhiều mẫu đã không còn làm nữa, nên việc sưu tầm và chụp ảnh lại khá khó khăn. Thật ra, các tranh Đông Hồ xưa đều có tên và ý nghĩa sâu xa, nhưng khi chúng tôi phỏng vấn các nghệ nhân thì đa phần họ nhớ không hết, giải thích nôm na, mang tính dân gian.
Nhìn chung, từ lúc có ý tưởng đền khi sách hoàn thiện, chúng tôi mất khoảng 3 năm. Riêng việc biên tập, chỉnh sửa bản thảo ban đầu cũng phải mất tới 6 tháng. Chúng tôi đã mang bản thảo tới rất nhiều họa sỹ, nhà nghiên cứu mỹ thật, chuyên gia Hán Nôm, thư pháp gia, chuyên gia khảo cứu bia, nhà ngôn ngữ học, họa sỹ thiết kế... để bổ sung tri thức, cũng như tìm kiếm một hình thức đẹp cho cuốn sách.
*Anh có thể nói riêng về các bức ảnh của mình trong cuốn sách này?
- 517 bức ảnh trong sách được chọn ra từ khoảng 2000 bức ảnh tôi đã chụp. Ảnh trong sách chia ra 3 đề tài chính: Làng Đông Hồ (Tư liệu cổ về làng, đình, chùa, miếu, lễ hội và nghề vàng mã); Tranh trổ giấy và tranh đồ thế (quy trình, nghệ nhân và hiện vật); Tranh Đông Hồ bao gồm: Hiện vật lịch sử nghề tranh, chân dung nhân chứng, nghệ nhân hiện đang làm nghề, quy trình làm tranh, làm màu, in tranh, tô màu, làm giấy, đục ván in… và gần 300 bức tranh Đông Hồ từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, có một số bức tranh được công bố lần đầu tiên.
* Nhìn lại quá trình thực hiện ngần ấy bức ảnh, anh có thể chia sẻ một số câu chuyện thú vị với mình?
- Có 2 loại tranh Đông Hồ hiện không còn bán trên thị trường là tranh trổ giấy và tranh đồ thế. Việc tìm tư liệu và chụp ảnh khá khó khăn. Thật may chúng tôi tìm được nghệ nhân tranh trổ giấy Nguyễn Đăng Giáp và mộc bản cổ tranh đồ thế của cố nghệ nhân Trần Nhật Tấn. Đó là những tư liệu quý lần đầu tiên được công bố.
Bên cạnh đó, công đoạn làm bột điệp của tranh Đông Hồ không phải lúc nào cũng thực hiện. Bởi thông thường, một gia đình nghệ nhân làm loại bột này một lần là đủ dùng cho 3 đến 5 năm. Bởi vậy, tôi phải đợi đúng dịp để có thể chụp và ghi lại.
Ngoài ra, việc chụp ảnh còn phải hiểu bản chất của sự việc mới chụp ra được tấm hình minh họa dễ hiểu. Ví như kỹ thuật “cản” màu của tranh Đông Hồ. Tôi phải dùng tới 6 bức ảnh để lột tả kỹ thuật. Hoặc kỹ thuật đục ván in trên gỗ thị, tôi cũng phải chụp từng cái ve, nét đục, tư thế đục… để thấy rõ công phu của kỹ thuật. Tôi cũng chụp được nghề làm chổi “thét”, đó là một loại chổi thông để quét bột điệp làm nền tranh. Giờ duy nhất chỉ còn 1 nghệ nhân làm và có nguy cơ thất truyền.
Cuối cùng, thú vị nhất, trong quá trình chụp ảnh, tôi tìm lại được nhiều tư liệu quý về nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguyễn Đăng Sần. Tôi như được thấy lại toàn bộ sự nghiệp và công sức của ông trong việc bảo tồn, phát triển dòng tranh này.
*Cuối cùng, sau những gì đã thực hiện, ấn tượng của anh về dòng tranh Đông Hồ là gì?
- Giá trị đặc biệt nhất của tranh Đông Hồ là tính giáo dục và sự nhân văn sâu sắc. Mỗi bức tranh là một thông điệp từ tiền nhân để lại nhắm hướng con người tới chân, thiện mỹ. Thật độc đáo khi những thông điệp đó sau mấy thể kỷ vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự.
Ngoài ra, phải nói thêm: việc lưu trữ tranh Đông Hồ của các nghệ nhân hiện chưa được thực hiện bài bản và có quy trình khoa học, đặc biệt là chưa có đầu mối chung hoặc cở sở dữ liệu thổng hợp. Có nhiều mẫu tranh cổ bị thất lạc, đến mức, từng có một số chuyên gia Pháp mang tặng cho làng Đông Hồ một số mẫu tranh hiện còn lưu giữ bên Pháp. Nhìn chung, nếu được UNESCO công nhận, đó sẽ là một cú hích rất quan trọng cho dòng tranh này.
*Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện.
Nhiếp ảnh gia Lê Bích sinh năm 1972, có 13 năm cầm máy. Anh từng tổ chức triển lãm cá nhân và có một số giải thưởng về nhiếp ảnh. |
(còn nữa)
Cúc Đường
Tags