(TT&VH) - Bây giờ các cây bút U30 xuất hiện ồ ạt, in sách ào ào nhưng liệu có mấy người còn được độc giả nhớ tên nếu lùi thêm 20 năm nữa?! Vậy mà khi chưa đầy 30 tuổi, Lại Văn Long đã khiến văn đàn “nổi sóng” với truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện. Truyện ngắn này sau 20 năm vẫn còn được tìm đọc và được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Lại Văn Long sau “cú sốc” Kẻ sát nhân lương thiện đã lặng im biến mất khỏi văn đàn như một làn gió nhẹ. Nhiều người trong văn giới đồn đoán rằng tài năng văn chương của Lại Văn Long chỉ có vậy, kiểu như có nhà thơ chỉ làm được vài câu thơ hay nhiều lắm là một bài thơ, nhà văn chỉ viết được một truyện ngắn rồi “tắt lịm”.
Thế nhưng, sau 20 năm im hơi lặng tiếng, Lại Văn Long đã trở lại đàng hoàng với tiểu thuyết Thạch đế (NXB Văn học 2009) và mới đây là tập truyện Thủy cơ dày 330 trang, gồm 12 truyện ngắn và 2 truyện vừa được NXB Quân đội Nhân dân ấn hành. Các tác phẩm của Lại Văn Long tạo được sự chú ý trong giới cầm bút vì tất cả đều được nhà văn sáng tác dựa trên nền tảng triết học.
|
* “Con vua thì lại làm vua…”
Năm 1991, Lại Văn Long xuất hiện trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam với bốn truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện, Chuyện kể từ thung lũng, Thế gian biến cải và Mây xưa. Bạn đọc và những nhà phê bình văn học khi ấy đã chú ý đến Lại Văn Long. Ngay sau đó báo Văn nghệ - tờ báo uy tín bậc nhất về văn học lúc bấy giờ - trao giải Nhất cho truyện Kẻ sát nhân lương thiện trong cuộc thi truyện ngắn năm 1990 - 1991.
Truyện này gây tranh luận trên báo đài khá nhiều và nhanh chóng được chuyển thể thành kịch bản sân khấu do Nhà hát Tuổi trẻ, đoàn kịch nói Thanh Hóa dàn dựng… Với Kẻ sát nhân lương thiện, Lại Văn Long đi tìm câu trả lời rằng có thật ở cuộc đời này “con vua thì lại làm vua” hay không?
Ngược lại với Kẻ sát nhân lương thiện, truyện Thế gian biến cải với câu mở đầu: “Con vua không biết làm vua/ Con sãi ở chùa hỗn chúa lấn ngôi”. Truyện được viết theo bút pháp châm biếm gây những tiếng cười chua xót đối với một vị trí thức là giáo sư. Một nửa đời vị giáo sư này sống nhởn nhơ với đầy đủ đặc quyền đặc lợi nhờ vào cơ chế bao cấp. Để rồi nửa đời sau phải lao vào kiếm tiền như điên dại trong cơ chế mở cửa. Lại Văn Long đặt ra vấn đề ở Kẻ sát nhân lương thiện với tiếng súng chát chúa khép lại một bi kịch và trả lời vấn đề ở Thế gian biến cải bằng một bi kịch khác.
Trở lại với Kẻ sát nhân lương thiện. Truyện này được in trong nhiều tập truyện ngắn, được dịch ra tiếng Pháp, Nhật, Trung Quốc và được nhắc đến trong nhiều đề tài nghiên cứu, phê bình văn học… Nhưng thật nghịch lý khi tác giả Lại Văn Long lại không hề in một cuốn sách riêng nào cho đến 20 năm sau. Trong khi đó, những tên tuổi từng đoạt giải cao của báo Văn nghệ thì ra sách ầm ầm.
Lại Văn Long tiết lộ rằng anh lo làm báo mưu sinh nên không muốn xuất hiện với tư cách người viết văn, tuy nhiên anh chưa bao giờ từ bỏ việc viết văn.
Năm 2009, Lại Văn Long xuất hiện trở lại với tiểu thuyết Thạch đế, đây là tiểu thuyết “trộn lẫn giữa triết học, lịch sử và văn học” nên khá kén độc giả. Nhưng Thạch đế vẫn được khá nhiều báo đài trong nước giới thiệu, phỏng vấn tác giả vì Lại Văn Long đã “làm mới” mối quan hệ giữa Thạch Sanh - Lý Thông so với chuyện cổ tích.
Tập truyện ngắn Thủy cơ |
Có thể nói, từ Kẻ sát nhân lương thiện đến Thạch đế và bây giờ là Thủy cơ, Lại Văn Long vẫn luôn trung thành với lối viết “văn, sử, triết bất phân”. Anh đã dẫn dắt các câu chuyện theo lối “luận đề” nhằm tìm ra câu trả lời cuối cùng chứ không chịu dừng lại ở hiện tượng.
Tuy nhiên, là một nhà báo lâu năm, Lại Văn Long không chỉ đắm chìm vào “sử, triết” khi viết truyện, anh còn tìm thấy các chất liệu khác trong chính cuộc đời đang tiếp diễn.
Truyện Thủy cơ - được dùng đặt tên cho cuốn sách thứ hai của anh - kể về cuộc đời một mỹ nữ miền Tây. Vì muốn giúp gia đình thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu cô đã trải qua không biết bao nhiêu cơ cực. Số phận của cô gắn liền với những mặt trái của xã hội, như: chạy chức chạy quyền, mê tín dị đoan, liên minh giữa tội phạm với một số cán bộ thực thi pháp luật, hiện thực trần trụi trong các chốn ăn chơi…
Trong vũng bùn của cuộc đời vũ nữ, cô khắc khoải yêu thầm một sĩ quan cảnh sát để rồi phải chán chường, tuyệt vọng khi biết anh ta biến chất đồng lõa với tội ác. Nhưng số phận cũng đã mỉm cười với cô gái đẹp chịu nhiều truân chuyên này. Chuyện càng bất ngờ hơn khi cô đang là doanh nhân thành đạt, gặp lại thần tượng ngày xưa của mình - nay đã mất tất cả, đang muốn làm lại cuộc đời trên đất Tây Nguyên.
Hỏi Lại Văn Long, anh có lấy nguyên mẫu nào ngoài đời để viết Thủy cơ? Ông nhà văn sinh năm Giáp Thìn (1964) cười nheo mắt: “Mình viết truyện mà. Ngoài đời còn khủng khiếp hơn”.