(Thethaovanhoa.vn) - Mạnh dạn gọi tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp là “tân hiệp sĩ” của Sài Gòn - Chợ Lớn năm xưa vì những đóng góp quan trọng của anh - vừa in 3 cuốn sách về hai địa danh này. Vào lúc 9h ngày 22/7 tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP.HCM) diễn ra buổi giao lưu với Nguyễn Đức Hiệp về công việc nghiên cứu Sài Gòn - Chợ Lớn và các cuốn sách.
Buổi giao lưu do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức, với khách mời là ông Tim Doling (người Anh) và ông Daniel Caune (người Pháp), với phần dẫn chương trình của tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu. Các cuốn sách của Nguyễn Đức Hiệp vừa phát hành tại Việt Nam là: Sài Gòn - Chợ Lớn qua những tư liệu quý trước 1945 (quý 1/2016), Sài Gòn - Chợ Lớn, ký ức đô thị và con người (2016), Sài Gòn - Chợ Lớn, thể thao và báo chí trước 1945 (2015).
1. Đọc tựa đề và xem mục lục các sách này có thể thấy mối quan tâm rất rõ ràng của Nguyễn Đức Hiệp. Ví dụ trong cuốn đầu tiên, anh ngược về Sài Gòn - Chợ Lớn từ thời tiền sử cho đến năm 1945. Lâu nay nhiều người cứ nghĩ và nói “Sài Gòn 300 năm”, nhưng thật ra nó khá lâu đời, nơi mà các dấu vết - các dấu ấn xưa tạo dựng nền tảng nên thành phố này. Nếu chịu khó quan sát, các dấu ấn xưa đó vẫn còn hiện diện.
Ngày hôm nay chúng ta nói về việc nhiễm/ngập mặn của đồng bằng sông Cửu Long - vựa gạo chính của Việt Nam. Trong cuốn đầu tiên, Nguyễn Đức Hiệp đã khảo sát rất khoa học về sự hình thành kỹ nghệ lúa gạo ở Sài Gòn - Chợ Lớn; về việc chiếm ưu thế của người Hoa trong nền kinh tế lúa gạo đầu thế kỷ 20.
Đây không chỉ là sử liệu, mà còn gián tiếp tiên đoán, cảnh báo về những thách thức của một nền nông nghiệp trước bối cảnh giao thương về kinh tế và công nghiệp, dịch vụ. Cũng trong sách này có bài so sánh lý thú và đầy thời sự về kinh tế lúa gạo thời Pháp thuộc với ngày nay.
Trong cuốn Sài Gòn - Chợ Lớn, ký ức đô thị và con người, Nguyễn Đức Hiệp dành nhiều công phu cho các con đường và con người cụ thể. Các khảo cứu của anh về đường Catinat (tức Đồng Khởi ngày nay), về đại lộ Charner (Nguyễn Huệ), đại lộ Bonard (Lê Lợi), thương xá Tax…, về tổng đốc Phương, bá hộ Xường, Quách Đàm, Tạ Mã Điền, Trương Văn Bền… có thể nói là khó có người làm được như vậy.
Chỉ qua các số liệu chi tiết, sinh động về một con đường như Catinat đầu thế kỷ 20, người đọc đã có thể hình dung về sự phát triển, sự phồn thịnh của một đô thị.
Gọi Nguyễn Đức Hiệp là “tân hiệp sĩ” không chỉ vì đóng góp, mà còn vì cách nghiên cứu có nhiều nét mới mẻ. Nhìn vào lượng tài liệu tham khảo phong phú bằng tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa và cả hình chụp, cũng như phương pháp quy nạp rõ ràng, nên nó dễ mang lại niềm tin cho người đọc.
Trong khi nhiều người khác thích diễn dịch, tán chuyện, suy diễn… thì Nguyễn Đức Hiệp gần như “tuyệt giao” với các điều đó. Những tồn nghi với anh luôn là những câu hỏi gợi mở để độc giả cùng tìm hiểu, quy ngẫm và cùng tìm câu trả lời.
2. “Tân hiệp sĩ” cũng đến từ sự khác biệt với công việc chuyên sâu mà Nguyễn Đức Hiệp đang làm toàn thời gian. Anh hiện là chuyên gia đầu ngành về khí quyển ở Bộ Môi trường và Di sản thuộc tiểu bang New South Wales, Úc.
Gần 20 năm nay, anh liên tục về Việt Nam để nghiên cứu, diễn thuyết trong vấn đề môi trường sống, về biến đổi khí hậu. Việc anh xuất bản bộ ba sách về Sài Gòn - Chợ Lớn, tuy không bất ngờ, nhưng lại là một dấu ấn mới trong việc nghiên cứu về hai địa danh quan trọng bậc nhất này. Anh tâm sự, khái niệm về môi trường sống với anh luôn bao gồm các di sản văn hóa - xã hội.
Nhìn ở khía cạnh này, Nguyễn Đức Hiệp còn dành nhiều công phu với các đề tài về Lâm Ấp - Champa, đồ gốm Việt, người Minh Hương - người Hoa ở Nam bộ, giao thương Singapore - Sài Gòn - Hong Kong trước năm 1945, hát bội, đờn ca tài tử và cải lương… Trong tương lai gần, việc Nguyễn Đức Hiệp công bố thêm một số tác phẩm thuộc mảng này cũng là điều không còn bất ngờ, nhưng chắc chắn được độc giả chờ đợi.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Tags