(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 15/3, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Văn Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này vừa thực hiện thành công gắp dị vật đường thở rất khó vì quá trình thực hiện nội soi bệnh nhân đã ngưng thở 4 lần.
- Thành công lấy dị vật kẹt van hồi manh tràng cho bệnh nhân 53 tuổi
- Bệnh nhi 8 tuổi đứt dây thần kinh, teo chân do bác sĩ để sót dị vật
- Hệ lụy khi cấy dị vật vào “chỗ kín”
Cụ thể, vào ngày 14/3, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận bệnh nhân P.T.O (sinh năm 1963, ngụ tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) được chuyển đến trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, đặt nội khí quản với chẩn đoán ban đầu là hóc dị vật đường thở.
Theo người nhà bệnh nhân, ngày 13/3, bệnh nhân đang ăn mãng cầu (na) thì bị sặc và trở nên tím tái. Qua nội soi, các bác sỹ xác định một hạt mãng cầu nằm trong phổi của bệnh nhân.
Hạt mãng cầu cùng hạt hồng xiêm được các bác sỹ đánh giá là 2 dị vật “khó chịu” nhất vì nó tròn và rất trơn, rất khó để gắp ra. Nguy hiểm hơn, với bệnh nhân này, một bên phổi đã xẹp hoàn toàn do mắc bệnh lao phổi từ 20 năm trước.
Do các lần cấp cứu trước đó, bệnh nhân đã được nội soi gắp dị vật 2 lần nhưng không thành công khiến bệnh nhân suy hô hấp, phù phổi. “Mổ banh phổi để lấy dị vật sẽ nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân nên chúng tôi quyết định tiếp tục nội soi một lần nữa”, bác sỹ Trần Văn Trường nhận định.
Bác sỹ Phạm Thị Vân Thanh, Khoa Nội Soi - người trực tiếp thực hiện ca nội soi cho biết: Ca này vô cùng khó vì khi đó bệnh nhân đã phải đặt nội khí quản, khi thực hiện nội soi phải đặt ống qua đường nội khí quản đó trong khi bệnh nhân chỉ còn 1 bên phổi, khả năng hô hấp và trữ ô-xy trong phổi chỉ còn một nửa.
Trong quá trình nội soi (khoảng 30 phút), bệnh nhân đã có 4 lần ngừng thở, tụt huyết áp khiến các bác sỹ phải dừng phẫu thuật để hồi sức. Tuy nhiên, rất may mắn, dị vật đã được lấy ra, bệnh nhân có bị suy hô hấp nhưng sau khi được chăm sóc đặc biệt, hiện sức khỏe đã tạm ổn và đang được tiếp tục theo dõi thêm.
TTXVN
Tags