(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày đầu tiên bắt tay vào công việc của mình, chuyên gia người Nhật Yusuke Adachi đã trả lời báo chí Việt Nam về trách nhiệm của bản thân trên cương vị GĐKT đầy hào hứng: “Tham vọng của tôi là giúp bóng đá Việt Nam vượt qua Nhật Bản, vượt qua Hàn Quốc, trở thành số 1 châu Á, bởi vì Việt Nam có tiềm năng trở thành số 1 tại châu Á và có thể nằm trong top 8 thế giới”.
Chia sẻ cùng báo chí, truyền thông trong nước, ông Yusuke Adachi cho biết bản thân đang rất hào hứng để bắt đầu công việc của mình. Đồng thời, tân GĐKT người Nhật Bản khẳng định, ông sẽ vận dụng những kinh nghiệm của bản thân để phát triển bóng đá trẻ tại Việt Nam.
Ông Yusuke Adachi cho hay: “Nếu muốn phát triển tốt bóng đá từ nền móng đào tạo trẻ, chúng ta cần những cầu thủ giỏi, để có được những cầu thủ giỏi, chúng ta cần những HLV tốt, một môi trường bóng đá tốt, một hệ thống tốt".
Từ kỳ vọng của GĐKT Yusuke Adachi
Nói về những chia sẻ đó của GĐKT Yusuke Adachi, chuyên gia Đoàn Minh Xương nhìn nhận: “Có thể có nhiều góc nhìn đa chiều, những đánh giá khác biệt hay ngẫm ngợi khác nhau về những phát biểu của ông Adachi với trách nhiệm, cũng như công việc của ông ấy với bóng đá nước nhà.
Người lạc quan sẽ dựa vào đó để hy vọng về những đột phá trong công việc, còn với những ý kiến trái ngược sẽ có phần dè dặt với những mục tiêu như thế. Tôi thì nhìn nhận trên khía cạnh hiệu quả công việc cũng như chúng ta có tạo ra được môi trường thuận lợi nhất cho ông ấy làm việc hiệu quả hay không.
Chúng ta có thể hiểu được những phát biểu mạnh dạn của ông Adachi trên cương vị của mình ở chỗ có thể ông ấy đủ tự tin vào bản thân, hay nói cách khác, tính cách của người Nhật Bản, Hàn Quốc luôn được thể hiện như thế.
Có nghĩa họ vẫn khiêm tốn khi nói về mình nhưng luôn tỏ ra nhiệt huyết, đầy hứng khởi và tạo ra được năng lượng khi nói về công việc hay bắt tay vào thực hiện công việc. Tính cách sôi nổi này, không chỉ thể hiện trong địa hạt bóng đá mà còn cả những lĩnh vực khác như kinh tế hay văn hóa, xã hội.
Nói cách khác, có thể những gì chính bản thân vị GĐKT này đưa ra hay chặng đường phát triển của chúng ta còn rất lâu, rất khó khăn mới có thể đi đến những cái đích như thế nhưng khi ông Adachi phát biểu như vậy, cũng có thể hiểu rằng ông ấy muốn tạo ra được chất xúc tác, có thêm động lực để thực hiện công việc, hoàn thành nhiệm vụ của mình”.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương đánh giá: “Thực tế nhìn nhận thì có thể thấy rằng kinh nghiệm dày dạn trong công tác đào tạo bóng đá, nhất là bóng đá trẻ, là một lợi thế nhất định của ông Adachi nếu chúng ta tận dụng khả năng này trong việc đào tạo trẻ cho lộ trình phát triển ở giai đoạn mới.
Cùng với đó, nhờ thời gian 15 năm đảm nhiệm công việc giảng dạy cho các khóa đào tạo HLV từ sơ cấp cho đến chuyên nghiệp do Liên đoàn bóng đá Nhật Bản cũng như thời gian làm nhiệm vụ tại các giải đấu lớn, ông Yusuke Adachi được kỳ vọng sẽ giúp bóng đá trẻ Việt Nam phát triển như chính mong muốn của ông ấy.
Do đó, không chỉ nói suông hay đưa ra những đề cập đến vấn đề như thế trên lý thuyết mà bản thân ông Adachi phải hiểu được rằng cái nền căn bản của công tác đào tạo trẻ của chúng ta hiện nay như thế nào trên tất cả phương diện khác nhau để có được cái nhìn toàn diện cùng giải pháp phù hợp.
Có thể hiểu được rằng qua phát biểu của mình với báo chí Việt Nam, ông Adachi kỳ vọng bóng đá Việt Nam sẽ phát triển vươn tầm châu Á trong thời gian đến dựa vào việc có được sản phẩm là những cầu thủ xuất sắc, nổi trội trên cái nền đào tạo trẻ.
Chúng ta thấy rằng, định hướng đào tạo trẻ là ổn định và cũng căn cơ nhất để có điều kiện phát triển mạnh, bền vững trong tương lai, nhưng không phải cứ muốn là được hay giữa lý thuyết và thực tế khác nhau nhiều cũng như cần khai thác trên nhiều yếu tố liên quan nữa”.
Đến bức tranh tổng thể của bóng đá nước nhà
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho biết: “VFF đã xác định lộ trình phát triển trên nền tảng đào tạo trẻ (về cả cầu thủ lẫn người làm công tác ươm mầm tài năng) và khi hợp tác cùng GĐKT Yusuke Adachi cũng là muốn kết nối để phát huy yếu tố này.
Có thể thấy rằng trong thời gian qua, bóng đá trẻ ở ta có những bước nhảy vọt tốt, cho ra sản phẩm chất lượng nhưng rõ ràng chừng đó chưa đủ hay nói cách khác, mọi thứ vẫn chỉ như chu kỳ lên xuống chứ chưa ở trạng thái căn cơ nhất.
Không chỉ một vài trung tâm hay đôi chỗ địa phương làm được bóng đá trẻ như thế là ổn, là đủ đầy. Rộng ra nữa, bóng đá cộng đồng, phong trào thế nào, bóng đá học đường ra sao cùng với đó kế hoạch để khơi dậy nguồn lực này trên những giải pháp cụ thể để kết nối và phát triển. Nói cách khác đấy là kế hoạch dài hạn chứ không phải tủn mủn hay thiếu tính căn cơ như lâu nay”.
Đánh giá tổng thể vấn đề dang đặt ra, ông Đoàn Minh Xương nhìn nhận: “Chúng ta có thể hiểu, chia sẻ và đồng cảm với những gì GĐKT Yusuke Adachi hào hứng khi bắt tay vào công việc như thế, nhưng cũng phải chỉ ra được bối cảnh thực tế về bóng đá nước nhà để chuyên gia này không ngộ nhận, hiểu được thực tại và đừng chệch hướng khi thực hiện công việc của mình.
VFF cùng các bên liên quan ngoài việc tạo dựng cho ông ấy những điều kiện làm việc tốt nhất còn cần những kết nối, sẻ chia và tương tác để tạo ra những thuận lợi trong công việc.
Có nghĩa là, ngoài trách nhiệm trên công vị của mình, ông Adachi còn cần có cái nhìn tổng thể, bao quát về tất cả các khía cạnh, phương diện, nền tảng của bóng đá Việt Nam. Cụ thể, hiện nay chúng ta đang có gì, thiếu gì và cần gì hay nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, dữ liệu, nguyên liệu của chúng ta ra sao để làm nền phát triển.
Lý do là bởi muốn phát triển hay làm việc được hiệu quả nhất, vị GĐKT người Nhật Bản ngoài phẩm chất hay nhiệt huyết của mình còn cần phải tường tận được bức tranh chung của bóng đá nước nhà mới đáp ứng đủ đầy tiêu chí để triển khai công việc một cách chỉn chu, chuyên nghiệp nhất”.
Vai trò của vị trí GĐKT luôn được nhìn nhận hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến lộ trình tổ chức, định hướng, hay triển khai, vận hành của cả nền bóng đá của bất cứ quốc gia nào. GĐKT giống như một kiến trúc sư trưởng, có trách nhiệm hoạch định chiến lược, công tác đào tạo, định hướng xây dựng, phát triển của một đội bóng, một nền bóng đá. Nói nôm na, đây được coi như tổng công trình sư tạo ra bản thiết kế để các bên liên quan thực hiện công việc xây dựng, phát triển. Với riêng vị tân GĐKT của VFF, ông Yusuke Adachi, thì trách nhiệm của vị chuyên gia này không chỉ nằm riêng ở mảng định hướng, vạch ra chiến lược đào tạo bóng trẻ đơn thuần. Trên công việc của mình cũng như yêu cầu đặt ra từ VFF, ông Adachi còn phải hỗ trợ, tham vấn cho VFF về những khía cạnh chuyên môn của các đội tuyển bóng đá nam, nữ quốc gia hay đội U23. Bên cạnh đó, hỗ trợ một cách cụ thể nhất để nâng cao chất lượng đào tạo bóng đá trẻ của các CLB ở lĩnh vực đào tạo đội ngũ HLV về phát triển bóng đá trẻ nhằm nâng cao chất lượng và bảo đảm nguồn lực bóng đá, đáp ứng trình độ phát triển của bóng đá châu lục và tiếp cận bóng đá thế giới. |
Trần Tuấn (thực hiện)
Tags