- “Chuyên gia tài chính” sàn B.O, nhà đầu tư BĐS khoe kiếm 500 triệu/tháng trên TikTok: Làm ít mà muốn có ăn, thì chỉ là ăn cú lừa!
- Trend mới trên TikTok: Người trẻ hô hào và chỉ dẫn nhau cách cai nghiện TikTok vì biết ai cũng bị lao vào cám dỗ “lướt mãi không ngừng”
- Chuyên gia tài chính vạch trần lời khuyên tiền bạc lan truyền trên TikTok: Tệ hại nhất là bỏ việc đi đầu tư và “chỉ người lười biếng mới nghèo”
Một nửa Gen Z đã mua hàng sau khi nhìn thấy một sản phẩm trên TikTok.
Bạn không cần phải là một người đam mê sử dụng mạng xã hội để biết rằng TikTok đang “thao túng” toàn cầu. Nền tảng này không chỉ thu hút hơn 1 tỷ người dùng, tạo ra đủ mọi xu hướng mà còn đang thay thế cả sàn thương mại điện tử. Bạn sẽ không còn thấy ngạc nhiên với chính mình khi 2 giờ sáng lướt TikTok và “lỡ tay” đặt mua những thứ như bom tắm, dụng cụ pha chế cocktail hay gấu bông mà mình vốn không hề cần.
Có lẽ đã qua rồi cái thời người người nhà nhà mua sắm trên Facebook hay sàn thương mại điện tử. TikTok trở thành mảnh đất màu mỡ mới mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua, đặc biệt khi tỷ lệ tương tác trên TikTok cao hơn trên cả YouTube và Instagram. Theo thống kê, những người có ảnh hưởng trên YouTube có tỷ lệ tương tác trung bình là 1,63% và 3,86% trên Instagram. Trên TikTok, con số này là 17,96%.
TikTok thay đổi cách người trẻ mua sắm
TikTok ra đời vào năm 2017 là kết quả của sự hợp nhất giữa Musical.ly và Douyin. Kể từ đó, nền tảng này đã phát triển đến mức độ phổ biến khổng lồ, đặc biệt là trong suốt đại dịch Covid-19 khi tất cả chúng ta đều ở nhà mà không có nhiều việc phải làm.
TikTok đã tạo ra những ngôi sao của riêng mình, những người có hàng triệu người theo dõi và lượt xem nội dung của họ. Ví dụ như hot TikToker Addison Rae. Forbes đã ước tính rằng Addison kiếm được 8,5 triệu đô la trong một năm hoàn toàn nhờ sự nổi tiếng trên TikTok của cô ấy.
Các ngôi sao TikTok thường kiếm được thu nhập khủng thông qua các thương hiệu tài trợ, tuy nhiên một số cũng phát hành sản phẩm của riêng họ.
Ngày nay, hầu như mọi mạng xã hội phổ biến đều có yếu tố thương mại xã hội hiệu quả, giúp đưa người dùng trực tiếp đến điểm mua sản phẩm. Nền tảng truyền thông xã hội đầu tiên bổ sung các tính năng thương mại xã hội là Facebook và một cách tự nhiên, những nền tảng khác cũng làm theo.
Không có gì ngạc nhiên, nhóm người dùng dễ bị “sa chân” vào việc mất tiền khi lướt TikTok nhất là giới trẻ. 44% khách hàng Gen Z đã mua sản phẩm dựa trên đề xuất từ người có ảnh hưởng khi so sánh với các nhóm tuổi còn lại.
Theo nghiên cứu của Student Beans, một nửa số người mua sắm Gen Z đã mua hàng sau khi nhìn thấy một sản phẩm trên TikTok.
4 trên 5 người mua sắm Gen Z hiện đang sử dụng ứng dụng này cho hầu hết các khía cạnh trong đời sống của họ, bao gồm cả đọc tin tức và tìm cảm hứng cho trang phục hoặc tìm kiếm thương hiệu mới.
Sức mạnh thương mại ngày càng tăng của TikTok có thể thấy rõ khi các hashtag như #TikTokMadeMeBuyIt (TikTok khiến tôi mua nó) đã thu hút khoảng 9,5 tỷ lượt xem.
Khoảng 40% người mua sắm ở Mỹ theo dõi các thương hiệu trên TikTok và 54% đã phát hiện ra một thương hiệu mới trên ứng dụng và sau đó họ đã mua hàng.
Vì sao chốt đơn trên TikTok lại “cuốn” đến thế?
Logan Senseng, 24 tuổi đến từ Iola, một thị trấn nhỏ cách Thành phố Kansas (Mỹ) cho biết: “Mạng xã hội cung cấp khả năng tiếp xúc với rất nhiều sản phẩm mà chúng tôi sẽ không bao giờ biết được. Bạn có thể thấy những gì đang thịnh hành ở những nơi khác và những thứ rất hữu ích hoặc thiết thực mà không hề được bán ở cửa hàng, siêu thị truyền thống nơi mình ở”.
Bobby Stephens, một nhân viên tại Deloitte chuyên nghiên cứu lĩnh vực bán lẻ và sản phẩm tiêu dùng cho biết các nền tảng như TikTok cho phép trải nghiệm mua sắm liền mạch. Người xem liên tục bị thu hút bởi các video đánh giá sản phẩm, video đập hộp sinh động và hấp dẫn.
Sự nổi lên của mua sắm qua TikTok cũng là một trong nhiều cách mà người tiêu dùng thay đổi thói quen mua hàng của họ khi đối mặt với lạm phát. Mọi người giờ đây mua sắm tiết kiệm hơn, tìm kiếm những món hời, so sánh giá cả, lấy phiếu giảm giá. Một mặt hàng được bán trên TikTok nhiều khả năng rẻ hơn món đồ y hệt bày bán ở siêu thị vì không phải chi trả phí mặt bằng. Tất nhiên, chúng ta khó có thể bàn luận về chất lượng của sản phẩm.
Livestream bán hàng trên TikTok đang thống trị thị trường
Tính năng Mua sắm trực tiếp (TikTok Live Shopping) trong ứng dụng là “đòn đả kích” lớn nhất của gã khổng lồ truyền thông xã hội cho các sàn thương mại điện tử. Nó đang thay đổi cách người tiêu dùng trẻ tuổi mua sắm.
Các thương hiệu hiện đều đua nhau tích hợp các sản phẩm từ Cửa hàng TikTok của họ vào các buổi phát trực tiếp. Ben Waterhouse, Trưởng phòng Tiếp thị Kỹ thuật số tại doanh nghiệp tư vấn The Pull Agency cho biết: “TikTok Live Shopping là trung tâm thương mại mới dành cho Gen Z. Từ nghiên cứu của mình, chúng tôi biết rằng Gen Z có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi các bài đánh giá hơn bất kỳ thế hệ nào khác và tính năng mua sắm trực tiếp khai thác điều này rất tốt vì nó gieo mầm cho sự cấp bách, thúc đẩy doanh số bán hàng vì thời gian luôn trông có vẻ không còn nhiều. Thêm vào đó, nó siêu tiện lợi. Họ có thể xem, khám phá, nghiên cứu và mua tất cả sản phẩm ở một nơi”.
Theo báo cáo của công ty phần mềm Sprout Social, với 22% tổng số người dùng TikTok ở Mỹ thuộc thế hệ Gen Z (từ 20 đến 29 tuổi), đây có thể là công cụ bán hàng quan trọng nhất để tiếp cận thị trường trẻ hơn trong tương lai.
TikTok Live Shopping là một công cụ đơn giản nhưng mạnh mẽ. Nó vẫn sử dụng một phương pháp bán hàng kiểu cũ nhưng làm cho nó trở nên thú vị hơn với nhiều kiểu nội dung đa dạng hơn. Nhưng sau tất cả, yếu tố khiến nó trở nên phổ biến nhất vẫn chỉ đơn giản đến từ nền tảng số lượng người dùng quá khổng lồ.
Nguồn: Forbes, The Washington Post
Tags