Chuỗi series podcast Gen Z Khôn(G) Lớn đã mang đến những câu chuyện, góc nhìn mới về một thế hệ bản lĩnh, không ngừng trải nghiệm để trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính mình.
Gen Z Khôn(G) Lớn, chuỗi podcast gồm 7 tập về những câu chuyện xoay quanh Gen Z nhận nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Với sự dẫn dắt của host Khánh Vy, người nghe có thể tìm được câu trả lời cho những vấn đề về cá tính, lối sống, cách định hình bản thân của Gen Z trên hành trình trưởng thành.
Mỗi tập của Gen Z Khôn(G) Lớn là một khách mời khác nhau. Họ có thể là Gen Z, Gen Y, làm việc trong nhiều lĩnh vực với mức độ trải nghiệm cuộc sống đa dạng. Cũng chính bởi vậy mà mỗi tập podcast lại mang đến nhiều nội dung thú vị, những câu chuyện bên lề hay ho và bất ngờ cho người nghe.
Gen Z có thích nổi tiếng?
Đối với gen Z, việc tìm ra chính mình không phải là điều dễ dàng. Thực tế có rất nhiều bạn trẻ phải bỏ ra rất nhiều thời gian, đánh vật với cuộc sống chỉ để tìm kiếm đáp án cho câu hỏi “Tôi là ai”. Tuy nhiên, cũng có nhiều người khá may mắn khi đã hiểu mình muốn gì, cần gì ngay từ lúc bắt đầu.
Theo Khánh Vy, việc xây dựng hình ảnh như thế nào là tùy thuộc vào bản thân mình, như phải là bản thân mình trước đã. Mình phải tự công nhận mình trước khi tìm kiếm sự công nhận từ người khác, sau tất cả chính là giá trị bạn mang đến cho người khác. “Dù mình làm cái gì đi nữa thì: thứ nhất miễn là mình kiếm được tiền, lo lắng được vấn đề tài chính. Thứ 2, mình có thể mang lại giá trị cho người khác”, cô nói.
Còn với Wren Evans - tân bình đình đám Vpop hiểu được cái “chất” của mình vì vốn dĩ là như vậy kể từ khi bắt đầu. Theo Wren Evans, mỗi người sinh ra đều có một tư chất khác nhau, không ai giống ai, anh chàng là một người chất nhưng ngoài kia, cũng có rất nhiều người chất như vậy.
Việc trở nên nổi tiếng cũng như làm dâu trăm họ, có người yêu thích sẽ có người ghét. Thay vì bị ảnh hưởng bởi những điều tiêu cực hay cứ sống mãi trong sự ngưỡng mộ của người khác thì hãy biết rút ra bài học từ nó. “Việc nổi tiếng không phải qua một đêm là nổi tiếng, mà kể cả qua một đêm nổi tiếng mình cũng còn nhiều hành trình sau đó để xây dựng hình ảnh, duy trì sự nổi tiếng đấy”, Ninh Tito chia sẻ.
Việc xây dựng hình ảnh chính là điều cần thiết để nhiều người tìm đến. Thế nhưng, nếu những điều bạn muốn người khác biết được xây dựng một cách lung linh, không có thật thì về lâu về dài người xem sẽ dễ dàng nhận biết và tự động rời bỏ bạn.
Gen Z có những nỗi sợ tâm lý không phải ai cũng biết
Thường được biết đến là thế hệ năng động, dám xông pha nhưng trên thực tế, Gen Z cũng gặp không ít khó khăn về vấn đề tâm lý.
Áp lực vô hình (peer pressure) là thứ ảnh hưởng rất nhiều đến sự trưởng thành của các bạn trẻ. Nhất là với Gen Z sống và lớn lên trong thời đại 4.0, nơi MXH phát triển, chỉ phô diễn những mặt tốt đẹp, lung linh. Đôi khi ta lấy nó làm động lực, nhưng đôi khi mọi thứ lại trở thành những áp lực tiêu cực, khiến ta tự ti và không yêu bản thân đúng cách.
Với Gen Z còn ngồi trên ghế nhà trường, nó đến từ áp lực học tập phải đạt được thành tích cao. Với người trưởng thành, áp lực đến từ việc ai cũng kỳ vọng mình phải luôn đúng.
Đạt được thành tích cao trong cuộc thi sắc đẹp, ngoại hình của chủ nhân vương miện không tránh khỏi những khen chê trái chiều. Với Hoa hậu Ngọc Hân, cô cũng nhận vô vàn những lời bình phẩm về ngoại hình. Người đẹp chia sẻ, ngày nhỏ đương nhiên có những lúc tự ti về bộ phận không hoàn hảo trên gương mặt, rằng chiếc mũi không đẹp, đôi mắt không to. Nhưng biết chắt lọc, lắng nghe ý kiến của mọi người đó cũng là điều khiến bản thân cô tốt lên. “Nếu mình không tin là mình đẹp, mình không yêu thương bản thân mình thì ai sẽ yêu mình đây. Mình phải yêu thương bản thân mình số 1”, Hoa hậu Ngọc Hân chia sẻ.
Thành Vinh (sinh năm 2000) - admin hàng loạt page/group dành cho gen Z với hơn 500k - 1 triệu lượt theo dõi cũng có nhiều tâm sự khi đối mặt với căn bệnh rối loạn lo âu và trầm cảm. Vinh thường có suy nghĩ ngại làm phiền, rằng ai cũng có mối lo riêng, vậy thời gian đâu mà họ dành cho người khác. Việc thu mình vào vỏ bọc, không “thải” ra những điều tiêu cực dễ dàng khiến cậu rời vào hố đen tâm lý. Thay vì chữa lành, Vinh có xu hướng tìm kiếm lý do, tự gặm nhấm nỗi buồn.
Ninh Tito - nhà sáng tạo nội dung trong lĩnh vực F&B cho biết việc làm sáng tạo nội dung là hành trình khám phá bản thân và tự tin hơn với chính mình. Nhưng khi bắt đầu, anh thường xuyên lo lắng khi nhận được vô số câu hỏi quan ngại về công việc mình làm. Tương tự các bạn trẻ bây giờ, muốn làm mới mình nhưng thường xuyên lo nghĩ về các vấn đề xung quanh. “Các bạn hãy động viên mình bằng chính những thành quả mình tự thấy. Đôi khi chúng ta không được người khác công nhận đâu và họ không nhìn mình được một cách rõ ràng. Nhưng nếu có cơ hội thì hãy tự vỗ tay cổ vũ cho chính mình”, anh Ninh chia sẻ.
MC Khánh Vy cũng bật mí cô nàng từng có cùng lúc 2 ước mơ là làm ca sĩ và dẫn chương trình. Đã từng thử cả hai và gặp nhiều ý kiến trái chiều nhưng sau thất bại Vy nhận ra rằng, mình vẫn đam mê và quyết tâm gắn bó với nghề MC. “Trước đây mình từng mặc cảm khi học dở một môn học. Nhưng nghĩ lại, mình vẫn có thế mạnh khác. Sau này mình mới thấy, kỹ năng mềm, những kiến thức mình liên tục trau dồi từ người khác cực kỳ quan trọng hơn”, Khánh Vy trải lòng.
Làm thế nào để tìm ra giá trị và không bị đánh mất mình?
Gen Z được sinh ra trong thời điểm xã hội cởi mở, người người nhà nhà sử dụng MXH nên ai cũng có thể tìm kiếm được mảnh đất màu mỡ để tự do phát triển. Điều đáng quan tâm là họ biết mình làm gì, muốn gì và tìm thấy được giá trị nào trong cuộc sống, chứ không phải là đề cao vấn đề tiền bạc.
Theo Hoa hậu Ngọc Hân, so với thế hệ ngày trước, các bạn trẻ hiện nay được tiếp xúc với nhiều thứ mới lạ, dễ dàng tiếp thu kiến thức, các bạn thừa sự độc lập và quyết đoán. Vì vậy, Gen Z nên chịu khó va vấp lăn lộn thậm chí đi làm, đi làm ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. “Mình bắt đầu đi làm, có đồng tiền ngay từ lúc nhỏ. Nhờ đó mà mình học được rất nhiều kiến thức từ trường đời. Tất cả kỹ năng mềm khi mình va vấp, giao tiếp ngoài xã hội là vốn sống để mình có nền tảng sau này”, cô chia sẻ.
Theo Thành Vinh, tích cực là sự vui vẻ và hạnh phúc, là trong trạng thái được quan tâm che chở, chính mình bảo vệ được mình. Điều quan trọng nhất, để mang lại sự an yên cho tâm hồn cần dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, quan tâm đến những người mình trân trọng, ghi nhận và được ghi nhận những điều tốt đẹp.
Một trong cách giúp vượt qua gian đoạn khủng hoảng trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân, xây dựng nội dung đó là biết chọn lọc ý kiến của khán giả, học cách bỏ ngoài tai những lời không hay. “Các bạn hãy xác định tư tưởng của mình. Khán giả góp ý cái gì chân thành thì có thể lắng nghe. Bình luận chê bai tiêu cực thì cứ cho nó qua, chắc gì người ta có sự cố gắng như mình”, Ninh Tito gợi ý cách vượt qua khó khăn trong nghề.
Còn với chị Hà Lưu (co-founder của Cooked Marketing School) cho rằng người trẻ đặc biệt là thế hệ Z nên làm tất cả mọi thứ có thể, cứ vượt ra khỏi vùng an toàn vì đến một thời điểm bản thân sẽ không còn không gian, thời gian để tự do vượt lên nữa. Đến lúc đấy mới tính đến ước mơ lâu dài. "Những lúc gặp chướng ngại vật, có những thất bại khiến bạn muốn sửa nhưng cũng có nhưng thất bại làm bạn muốn từ bỏ. Từ việc đó có thể suy ra, thời điểm bạn bất chấp khó khăn mà chiến đấu là thời điểm bạn biết mình muốn và đam mê cái gì", chị chia sẻ.
Theo CEO UNICORP Bảo Hoàng: “Luôn tích cực với những điều sắp đến dù nó tích cực hay không tích cực, tốt hay không tốt; luôn có một bài học nào đó được rút ra và luôn có tâm thế tiến lên phía trước; luôn đón nhận mọi thứ với sự khiêm nhường để học được nhiều hơn và tiến xa hơn”.
Ai cũng có những mặt yếu đuối khi đối mặt với mọi thứ trong cuộc sống. Chỉ cần bạn ngồi lại và cho mình một khoảng lặng, tạm dừng thời gian để lắng nghe cảm xúc của bản thân là gì. Kể cả cảm xúc có buồn thì hãy ôm ấp, bảo vệ nó như một người bạn tới rồi sẽ đi. Để đến lúc nào đó mọi người sẵn sàng nói “Có” khi được hỏi “Bạn có hạnh phúc không?”.
Tạm kết
Qua toàn bộ series podcast Gen Z Khôn(G) Lớn, chúng ta đã có thể hiểu rõ hơn về những người thuộc thế hệ này từ góc nhìn của những khách mời. Cuộc sống là một hành trình dài, trên hành trình vô tận đó ta có thể vấp ngã, có thể đau thương vì đánh mất bản thân mình hay loay hoay với câu hỏi “Tôi là ai?”, nhưng có lẽ, chỉ cần sự tin tưởng và nỗ lực không ngừng, kiên định với mục tiêu mà mình đặt ra thì nhất định, chúng ta sẽ tìm thấy chính mình.
Hãy tìm kiếm chất riêng, tự định vị bản thân để biết mình hợp với cái gì và mang đến được giá trị gì cho người xem. Đừng quá áp lực trong việc tạo dựng thành công. Bạn làm càng nhiều, trải nghiệm nhiều mới biết cái gì hợp với mình và mình nên đi con đường tương lai như thế nào.
Tags