(Thethaovanhoa.vn) - Trịnh Lữ - Ghi chép là cuốn sách vừa được công ty truyền thông Sống và NXB Hồng Đức phát hành, gắn với những trang viết của dịch giả Trịnh Lữ, người từng được biết tới trong vai trò dịch giả của những cuốn sách lớn như Cuộc đời của Pi, Hội họa Trung Hoa, Utopia, Rừng Na Uy, Con nhân mã ở trong vườn, Đại gia Gatsby...
Dịch giả Trịnh Lữ tên thật là Trịnh Hữu Tuấn (sinh năm 1948), là con trai của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Ông từng là biên tập viên tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó sang Mỹ từ đầu những năm 1990 làm việc cho các tổ chức quốc tế. Bên cạnh vai trò dịch giả, Trịnh Lữ còn là tác giả của nhiều đầu sách tiếng Anh và có một số triển lãm cá nhân trong lĩnh vực hội họa.
Vốn sống, và suy ngẫm về tất cả những gì từng trải qua, là cơ duyên để hình thành Ghi chép với 2 phần: “Chuyện đời” và “Chuyện nghệ thuật, chữ nghĩa”. Ở đó, nếu “Chuyện đời” chứa đựng những câu chuyện về gia đình, công việc của một người lớn lên, làm việc ở Hà Nội suốt thời bao cấp cho đến khi đất nước bắt đầu mở cửa và sớm hội nhập quốc tế thì “Chuyện nghệ thuật, chữ nghĩa” là những suy nghĩ, đúc kết từ việc vẽ, dịch, viết của chính tác giả cũng như từ những gì ông được đọc. Ngoài ra, sách còn đính kèm 12 bức tranh sen in màu, như một ghi chép bằng hội họa của Trịnh Lữ, được ông vẽ trong suốt năm 2020 khi dịch Covid-19 diễn ra.
“Cuốn sách chứa đựng những suy nghĩ, những mong muốn có thể không thực hiện được, những điều đến mà không hề trong dự định… Tất cả những điều đó làm cho cuộc đời mình đỡ cô đơn hơn” - dịch giả chia sẻ - “Tôi mong mỗi ghi chép này là một lần tôi được tâm sự với bạn đọc, mỗi lần mỗi nơi, lúc này lúc khác, mỗi lần một chuyện, tình cờ, chả toan tính gì. Lời thật, ý thiện, thì chuyện gì cũng có thể khiến mình yên lòng, yêu đời và hứng khởi hơn”.
Cúc Đường