Giá dầu thế giới giảm hơn 1% trong phiên 12/5, ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp trong bối cảnh thị trường cân bằng giữa lo ngại về nguồn cung với những quan ngại mới về tình hình kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc.
Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 81 xu (1,1%) xuống 74,17 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 83 xu Mỹ (1,2%) xuống 70,04 USD/thùng. Giá hai loại dầu chủ chốt này đều giảm khoảng 1,5% so với tuần trước.
Trước đó trong phiên đầu tuần 8/5, giá dầu thế giới đã ghi nhận mức tăng hơn 2%, khi lo ngại về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái giảm bớt và một số nhà giao dịch nhận định đà giảm giá vừa qua của “vàng đen” là quá mức. Phiên này, giá dầu Brent tăng 1,71 USD (tương đương 2,3%) và khép phiên ở mức 77,01 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng tăng 1,82 USD (2,6%) lên 73,16 USD/thùng.
Đà tăng này tiếp tục được duy trì trong phiên 9/5 khi thị trường đang đánh giá kế hoạch bổ sung dầu vào kho dự trữ khẩn cấp của Chính phủ Mỹ nhu cầu được dự đoán sẽ tăng lên theo mùa.
Tuy nhiên, thị trường “vàng đen” bắt đầu đảo chiều từ phiên 10/5, sau khi số liệu lạm phát củng cố đồn đoán Fed có thể tăng lãi suất cao hơn nữa. Chốt phiên này, giá dầu Brent giảm 1,03 USD (1,3%) xuống 76,41 USD/thùng. Còn giá dầu WTI giảm 1,15 USD (1,6%) xuống 72,56 USD/thùng.
Đến phiên 11/5, giá dầu thế giới giảm khoảng 2% xuống mức thấp của một tuần do những bất đồng về trần nợ của Mỹ làm dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế tại nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này. Trong khi đó, lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng và số liệu kinh tế yếu của Trung Quốc cũng gây sức ép lên thị trường. Khép phiên này, giá dầu Brent giảm 1,43 USD (1,9%) xuống 74,98 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 1,69 USD (2,3%) xuống 70,87 USD/thùng.
Đồng USD đã duy trì đà tăng so với đồng euro trong phiên 12/5 và hướng tới mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 2/2023, do những bất ổn xung quanh trần nợ và chính sách tiền tệ của Mỹ đã thúc đẩy nhà đầu tư chuyển hướng sang các tài sản an toàn. Đồng bạc xanh mạnh lên khiến dầu được giao dịch bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn cho những người mua nắm giữ đồng tiền tệ khác.
John Kilduff, đối tác tại công ty quản lý tài sản Again Capital LLC ở New York (Mỹ), cho biết việc thiếu niềm tin vào nền kinh tế khiến nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn như đồng USD, song cũng gây ra sự bi quan về nhu cầu dầu mỏ.
Ngày càng có nhiều người quan ngại Mỹ, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, sẽ rơi vào suy thoái, khi các cuộc đàm phán về trần nợ của Chính phủ Mỹ bị hoãn lại và lo ngại về một ngân hàng khu vực khác đang bị khủng hoảng gia tăng.
Thống đốc Fed Michelle Bowman ngày 12/5 cho biết Fed có thể sẽ cần tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát vẫn ở mức cao, đồng thời cho biết số liệu về sức ép giá cả đang giảm bớt trong tháng này không đủ thuyết phục.
Trong khi đó, số liệu giá tiêu dùng tháng 4/2023 của Trung Quốc đã tăng với tốc độ chậm hơn so với tháng 3/2023, không đạt kỳ vọng. Tình trạng này gây ra những nghi ngờ về khả năng đà phục hồi tại nước này, sau các hạn chế liên quan đến COVID-19, sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết trong tuần này, số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần một năm, do số giàn khoan khí đốt giảm mạnh nhất trong một tuần kể từ tháng 2/2016. Số giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ đã giảm 2 giàn xuống còn 586 giàn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Hayan Abdel-Ghani ngày 12/5 bày tỏ quan điểm rằng ông không kỳ vọng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, sẽ quyết định cắt giảm sản lượng hơn nữa trong cuộc họp tiếp theo tại Vienna (Áo) ngày 4/6 dù cho thị trường nhận được một số dự báo nguồn cung thâm hụt vào nửa cuối năm nay.
Tags