Giá dầu thế giới giảm trong phiên 6/9 do những lo ngại về triển vọng lãi suất tăng thêm và các biện pháp phong tỏa COVID-19 làm suy yếu nhu cầu nhiên liệu đã quay trở lại, “xóa sạch” mức tăng trong hai ngày trước đó nhờ mục tiêu cắt giảm sản lượng đầu tiên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, kể từ năm 2020.
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 2,92 USD/thùng (3%) xuống 92,83 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao dịch ở mức 86,88 USD/thùng.
Tamas Varga của công ty dịch vụ dầu khí PVM Oil (Vương quốc Anh) cho biết sau thông tin từ OPEC+, sự chú ý của thị trường tạm thời chuyển sang những lo ngại về kinh tế và lạm phát, trong đó hai yếu tố liên quan là việc đóng cửa để ngăn chặn dịch COVID-19 kéo dài ở Trung Quốc và quyết định về lãi suất của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 8/9.
Trung Quốc đã nới lỏng một số hạn chế liên quan đến COVID-19, nhưng mở rộng phạm vi phong tỏa ở Thành Đô, điều này làm tăng thêm lo ngại rằng lạm phát cao và lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất mạnh khi nhóm họp vào ngày 8/9 tới.
Đồng USD đã mạnh lên, tăng khoảng 0,6% nhờ số liệu về lĩnh vực dịch vụ của Mỹ tốt hơn dự kiến, cũng gây sức ép lên giá dầu. Thông tin về hoạt động của lĩnh vực dịch vụ làm dấy lên kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất, điều có thể gây ra suy thoái và làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Phil Flynn, một nhà phân tích của công ty tư vấn đầu tư Price Futures ở Chicago (Mỹ) cho biết về cơ bản, những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường hiện nay là nguồn cung thắt chặt và lo ngại về sự suy giảm kinh tế có thể xảy ra trong tương lai.
- Giá dầu thế giới chốt phiên giảm hơn 5%
- Giá dầu châu Á đi xuống do lo ngại về chính sách tăng lãi suất
- Giá dầu thế giới tăng trong tuần qua
Bob Yawger, Giám đốc bộ phận các hợp đồng tương lai tại công ty chứng khoán Mizuho Securities (Nhật Bản), nhận định những dấu hiệu về khả năng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân của Iran với các cường quốc thế giới ít tác động đến thị trường dầu hơn là động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Ngày 5/9, OPEC+ đã quyết định cắt giảm mục tiêu sản lượng tháng 10 xuống 100.000 thùng/ngày. Giá dầu đã tăng trước và sau khi quyết định này được đưa ra.
Do kỳ nghỉ Lễ Lao động, báo cáo hàng tuần về dự trữ xăng dầu Mỹ của Viện Xăng Dầu Mỹ (API) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ được công bố vào ngày 7/9 và 8/9, muộn hơn một ngày so với thường lệ.
Minh Hằng (Theo Reuters)
Tags