Các gia đình đã bắt đầu lên kế hoạch đón Tết, đặc biệt trong câu chuyện tài chính.
Dự tính sắm Tết 40 triệu đồng, gần gấp đôi mức chi tiêu hàng tháng
Gia đình Huệ Nguyễn (27 tuổi) gồm 3 thành viên đang sinh sống tại Hà Đông, Hà Nội. Đối với Huệ Nguyễn, Tết là dịp gia đình cô phát sinh rất nhiều khoản. Theo ước tính hiện tại, cô sẽ chi khoảng 40 triệu đồng trong Tết năm nay, tăng gần gấp đôi so với mức phí sinh hoạt hàng tháng.
“Trong ngày Tết, gia đình mình thường biếu ông bà nội và ngoại, mỗi bên 5 triệu. Bên cạnh đó, do năm nay ăn Tết Nguyên đán ở quê ngoại nên mình sẽ đưa thêm ông bà 2 triệu tiền sắm sửa mua đồ ăn. Tết Dương Lịch, nhà mình sẽ về quê nội ăn Tết”.
Huệ Nguyễn chia sẻ rằng bản thân khá sợ Tết do lấy chồng xa. Năm đầu tiên ăn Tết ở nhà chồng, chỉ riêng khoản mừng tuổi bên nội và gửi tiền mừng tuổi về quê ngoại đã hơn 10 triệu đồng.
“Mình biết tiền mừng tuổi là một lời chúc may mắn dịp đầu năm cho ông bà, cha mẹ và các cháu nhỏ. Song, lúc đó chưa có con, không có khoản thu về, mình nói vui là bị “lỗ tiền mừng tuổi”. Mình hay nói với chồng cả năm đi làm kiếm tiền, đến Tết tiền như bốc hơi. Vài ngày Tết mà chi tiêu hết cả tiền thưởng, chẳng để dành ra được đồng nào. Coi như cả năm chỉ đi làm ăn lương cứng, tiêu hết thưởng”.
Cô cũng cho rằng lần đón Tết đầu tiên sau khi lấy chồng là năm chi tiêu lãng phí nhất, sắm rất nhiều bánh kẹo, thực phẩm, chi “mạnh tay” cho tiền mừng tuổi. Điều này dẫn đến hết tháng Giêng mới ăn hết bánh kẹo, đồ ăn ngày Tết phải trữ đông trong tủ lạnh. Và đây cũng là cái Tết vợ chồng cô tiêu hết tiền thưởng.
Đến nay, Huệ Nguyễn đã lập gia đình 3 năm, các khoản chi tiêu Tết của gia đình phát sinh rất nhiều do có thêm con nhỏ. Chi phí đi lại, quà cáp biếu 2 bên cũng tỉ lệ thuận tăng theo từng năm. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm mỗi năm, Huệ Nguyễn học cách thay đổi cách chi tiêu để tiết kiệm hơn, hợp lý nhất có thể. Không cần quá xa hoa, chỉ cần phù hợp với mức thu nhập của 2 vợ chồng mà vẫn có Tết thật vui vẻ, đầy đủ tươm tất. Để Tết vẫn là “Tết”, không còn sự sợ hãi khi Tết đến xuân về của những người mẹ, người vợ khi gánh vác trách nhiệm chi tiêu, sắm sửa.
Huệ Nguyễn -.Ảnh: NVCC
Loạt bí kíp sắm Tết tiết kiệm hơn
Qua 2 cái Tết chi tiêu quá tay, năm nay Huệ Nguyễn đã “bỏ túi” một số kinh nghiệm vàng trong sắm Tết. Đầu tiên, chỉ mua đúng thứ bản thân thật sự cần, tuyệt đối không mua thừa. Lên danh sách sản phẩm chi tiết và cụ thể trước khi đi sắm Tết, ưu tiên sắp xếp đồ quan trọng lên trước. Hơn thế nữa, dự trù số tiền, giá cả để không bị vượt quá ngân sách.
Tranh thủ săn sale khi có chương trình giảm giá trước Tết cũng là cách để tiết kiệm hơn. Tuỳ từng mặt hàng, từng siêu thị lại có những đợt giảm giá khác nhau, Huệ Nguyễn sẽ sắm dần đồ Tết từ trước đó.
Trong khía cạnh quần áo của bố mẹ, cô hạn chế không sắm sửa quá nhiều. “Trong năm, mình cũng đã mua đồ đông, đồ mặc ấm rồi. Quần áo cho bé cũng vậy. Mình sắm cho bé 3 bộ quần áo mới và 1 chiếc áo khoác mới vì đã mua khá nhiều đồ cho bé từ trước đó”.
Huệ Nguyễn cũng áp dụng phương án “tăng xin, giảm mua, tận dụng đồ có sẵn” triệt để. Quà Tết được biếu hay cho như quần áo mới, đồ ăn, hoa quả, bánh kẹo, bia rượu,... cũng đỡ đi một phần chi phí phát sinh. Hạn chế ăn hàng quán, tiệc tùng, thay vào đó cô rủ mọi người về nhà tự nấu nướng, ăn uống. Như vậy vừa vui vẻ thân mật lại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp cuối năm, tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, hoa hay rau củ quả, thực phẩm ngày Tết cần sử dụng, cô cũng mua khá ít, vì gia đình về quê ăn Tết không ở lại Hà Nội. Huệ Nguyễn cố gắng ra chợ đầu mối để mua được giá rẻ hơn so với chợ dân sinh.
“Trước kia chưa có gia đình, mình mua sắm rất thoải mái cho bản thân, có lúc sắm 3,4 cái váy, túi xách giày dép mới cho Tết. Còn giờ khi đã có gia đình, mình thường tự lên danh sách đồ cần mua, khoản cần chi”. Sự cần thiết và tính hợp lý là tiêu chí để cô cân nhắc trước khi chi tiền.
Theo Huệ Nguyễn, một số người vẫn giữ quan điểm “Đói muốn chết ba ngày Tết vẫn no”, dẫn đến việc nhiều người mua sắm chi tiêu rất nhiều, không thể tránh khỏi việc lãng phí, thừa thãi. Cô cho rằng dù sắm Tết cũng chỉ nên mua những đồ cần thiết, chi tiêu hợp lý. “Hãy đơn giản hoá cái Tết sao cho chi tiêu tiết kiệm, mua sắm vừa phải, đỡ áp lực cho tài chính chi tiêu khi mua sắm cuối năm”.
Tags