(Thethaovanhoa.vn) - "Đặt cạnh những đóng góp trước Tổ quốc và nhân dân của bao con người, bao thế hệ, chúng tôi chỉ là một hạt cát". Ở tuổi 86, bà Thúy Băng, phu nhân của cố nhạc sĩ Văn Cao, xúc động chia sẻ trong buổi lễ hiến tặng ca khúc Tiến quân ca tại Nhà Quốc hội vào chiều qua 15/7.
- Hiến tặng 'Tiến quân ca': Hoàn thành tâm nguyện lúc sinh thời của Văn Cao
- 70 năm hành khúc 'Tiến quân ca': Một phần hồn không thể thay thế
Tài sản vô giá của dân tộc
Văn bản hiến tặng Tiến quân ca có đầy đủ chữ ký của bà Nghiêm Thúy Băng và 5 người con cố nhạc sĩ Văn Cao (1923 – 1995). Theo đó, toàn bộ phần nhạc và lời của ca khúc này được gia đình hiến tặng cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam, theo ý nguyện của tác giả lúc sinh thời.
Sau nghi thức tiếp nhận, quyết định truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao và trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho bà Thúy Băng (có công giữ gìn các tác phẩm của cố nhạc sĩ Văn Cao) đã được công bố.
Chia sẻ với gia đình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: việc Tiến quân ca gắn với những sự kiện lịch sử như ngày 19/8 và 2/9/1945, đồng thời được Quốc hội chính thức chọn làm Quốc ca Việt Nam kể từ năm 1946 là vinh dự to lớn mà chưa một tác phẩm âm nhạc Việt Nam nào có được."Tiến quân ca đã và sẽ mãi mãi là tài sản chung của dân tộc Việt Nam đúng như tâm nguyện lúc sinh thời của cố nhạc sĩ Văn Cao" -Chủ tịch Quốc hội nhận xét.
Chia sẻ với báo giới tại lễ hiến tặng, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhắc tới những tư liệu lịch sử về Đại hội Tân Trào chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám. Theo đó, sau một số cân nhắc, Hồ Chủ tịch đã chọn Tiến quân ca làm Quốc ca, biểu trưng quan trọng của một quốc gia độc lập.
"Đương nhiên, những ca khúc như Diệt phát xít (Nguyễn Đình Thi) hay như một tác phẩm khác của chính Nam Cao - Chiến sĩ Việt Nam- cũng rất được nhân dân yêu mến và tôn vinh" – ông Quốc nhận xét. "Nhưng, với sự lựa chọn Tiến quân ca, tôi nghĩ rằng ca khúc này đã thể hiện được tất cả sức mạnh của nhân dân, với hạt nhân là những chiến sĩ Việt Minh khi đó. Để rồi, trong ngày 19/8/1945, Tiến quân ca trở thành tiếng kèn xung trận để bắt đầu cuộc cách mạng của toàn dân tộc".
Sự chân thành cần thiết
"Cha tôi viết Tiến quân ca năm 21 tuổi. Trong những ghi chép để lại, khi nghe hàng vạn quần chúng cùng hát vang ca khúc này tại Quảng trường Nhà hát Lớn trong ngày 19/8/1945, ông hiểu rằng, một cách tự nhiên, Tiến quân ca đã thuộc về và phải thuộc về nhân dân, thuộc về Tổ quốc" – ông Văn Thao, con trưởng của nhạc sĩ Văn Cao, phát biểu tại buổi lễ - "Bởi vậy, niềm vinh dự hôm nay không chỉ của riêng gia đình chúng tôi, mà cũng là niềm vui của nhân dân, những người sẽ tiếp tục gìn giữ Tiến quân ca sau này".
"Bây giờ, tôi có thể dùng "trọn vẹn" để nói về câu chuyện của Tiến quân ca. Sau 21 năm kể từ khi qua đời, tâm nguyện của chồng tôi đã trở thành hiện thực" – bà Thúy Băng chia sẻ thêm - "Đặt cạnh những đóng góp trước Tổ quốc và nhân dân của bao con người, bao thế hệ, đóng góp của chúng tôi chỉ là một hạt cát. Bởi, từ lời dẫn gọi của bản Tiến quân ca, trong quá khứ, hàng triệu cá nhân ưu tú cũng đã đóng góp cho tự do, cho Tổ quốc và nhân dân những thứ quý giá nhất: tuổi trẻ và cả cuộc sống của mình".
"Xã hội hiện đại đặt ra những vấn đề tất yếu về bản quyền, kể cả với một ca khúc rất đặc biệt như Quốc ca. Các nước trên thế giới đã từng chọn giải quyết vấn đề này theo tập quán và nền tảng pháp luật của họ" – Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận xét về cách ứng xử của gia đình cố nhạc sĩ - "Còn gia đình tác giả Tiến quân ca đã chọn cách hiến tặng cho Nhà nước, để rồi đến lượt chúng ta lại thấy ông được tôn vinh bằng tấm Huân chương Hồ Chí Minh cao quý. Đó là một cái kết rất đẹp, rất Việt Nam".
"Bởi vậy, chúng ta hãy lấy sự chân thành để đáp lại sự chân thành" – nhà sử học này nói thêm.
Như lời ông, sự chân thành cần có trước thịnh tình của tác giả Quốc ca Việt Nam không phải điều gì cao xa, mà đơn giản là ý thức công dân của mỗi cá nhân trước ca khúc này. Trong vài năm qua, bản thân ông Quốc đã nhiều lần lên tiếng về một thực tế: tại các sự kiện quan trọng, nhiều quan khách vẫn "ỷ lại" vào phần nhạc nền Quốc ca được phát để chỉ mấp máy môi, hoặc thậm chí là... im lặng!
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Tags