(Thethaovanhoa.vn) - …Ông bạn tôi đã nhắn như thế sau khi chứng kiến bàn thua thứ 3 của ĐTVN trước Iraq. Theo cậu ấy, người chỉ dám nhận mình là thủ môn nghiệp dư chơi cho đội bóng của công ty, thì thủ thành của chúng ta đã đứng sai vị trí ở tình huống chết người ấy. Nhưng rồi cậu lẩm bẩm, “Ừ, nhưng lấy gì đảm bảo rằng De Gea sẽ cản phá được cú sút phạt thần sầu ấy?”.
Xem trực tiếp Asian Cup tại đây:
https://vtv.vn/vtv6/truyen-hinh-truc-tuyen.htm
https://www.vtvgiaitri.vn/xem-tivi-truc-tuyen/vtv6
Lịch thi đấu và trực tiếp Asian Cup hôm nay, 11/1:
18h00: Úc vs Palestine (trực tiếp VTV6, VTV5)
20h30: Philippines vs Trung Quốc (trực tiếp VTV6, VTV5)
23h00: Hàn Quốc vs Kyrgyzstan (trực tiếp VTV6, VTV5)
1. Cuộc tranh luận ầm ỹ liên quan đến bàn thua ở phút đá chính cuối cùng ở trận đầu Asian Cup 2019 của ĐTVN đã xoay quanh 2 câu hỏi chính: Văn Lâm đã đứng sai vị trí hay là Ali Adnan của Iraq đá phạt quá hay? Mạng xã hội, báo mạng và báo giấy đã đẩy cuộc tranh luận ấy đến chỗ dường như không có điểm dừng, và trở thành một phần bất tận của những câu chuyện liên quan đến bóng đá, sau mỗi trận đấu, mỗi nhân vật, thậm chí mỗi đường bóng, chi tiết. Trong những câu chuyện như thế, trớ trêu thay, có cả De Gea. Thủ thành của M.U là một trong những thủ môn hay nhất thế giới hiện tại, và người ta đã quen với việc anh là người hùng. Thành ra, sau những lần hãn hữu mắc sai lầm, anh cũng bị đưa ra mổ xẻ, thậm chí chỉ trích.
Trong thời đại mà thế giới mạng xâm nhập vào phòng ngủ của từng gia đình, bóng đá bỗng nhiên trở thành một nỗi ám ảnh lớn với tất cả. Và nỗi ám ảnh ấy có thể lan tỏa tới chính những nhân vật có “can dự” vào các tình huống tranh cãi. Liệu Văn Lâm có thể bằng cách nào đó không để bị ảnh hưởng bởi những bàn thua ở trận gặp Iraq không, nhất là bàn thua quyết định, một khi những người nhân danh hâm mộ đã vào tận “nhà” anh trên Facebook để chỉ trích, thậm chí chửi bới anh không ra gì? Không ai biết, chỉ thời gian mới trả lời.
2. Nhưng không ít thủ môn đã bị coi là tội đồ, bị quét sạch vào lịch sử, và không thoát khỏi sự ám ảnh vì những lời chỉ trích. Karius của Liverpool là một ví dụ điển hình, do sai lầm của anh ở trận chung kết Champions League 2018. Thủ môn Ulreich của Bayern Munich là một ví dụ nữa, sau sai lầm chết người của anh trong trận đấu với Real Madrid ở hành trình vô địch của đội bóng Tây Ban Nha năm ấy. Karius và Ulreich được thông cảm, có thể được tha thứ sau khi năm tháng qua đi, nhưng quên lãng thì không.
Trong những năm tháng qua, đã có biết bao nhiêu thủ môn trở thành tâm điểm chú ý chỉ vì một vài pha bóng “có vấn đề” ảnh hưởng đến thành tích của toàn đội. Ngay cả khi họ muốn chôn giấu những kỉ niệm buồn từ những sai lầm của mình trên sân cỏ thì điều đó cũng gần như không tưởng trong thế giới 4.0 này, khi người ta có thể tìm thấy họ chỉ bằng vài cú click chuột, và tên họ hiện ra trên những dòng tìm kiếm của Google hay YouTube. Không gì có thể bị lãng quên bởi người đời trong thời đại này, và trở thành cầu thủ nói chung và thủ môn nói riêng, là trở thành một đối tượng triền miên chịu áp lực không chỉ trên sân, mà còn ở ngoài đời, trong dư luận.
3. Chính Buffon, trong một cuộc trả lời phỏng vấn cách đây nhiều năm, sau sai lầm hiếm hoi trong một trận đấu của Juve, đã thừa nhận rằng, “người hâm mộ và giới truyền thông bây giờ đã quên mất khả năng tha thứ. Họ nhớ rất dai. Họ không quên và thỉnh thoảng họ lại xới lên. Áp lực với chúng tôi vô cùng lớn”.
Bóng đá trở nên sống động và đi vào cuộc sống của tất cả mọi người vì rất nhiều cung bậc cảm xúc của nó, từ những thăng hoa vì chiến thắng cho đến nỗi buồn thất bại, và cả những sai lầm cá nhân, hoặc những tranh cãi kéo dài tưởng như không bao giờ kết thúc. Người hâm mộ cãi nhau vì bóng đá, giới truyền thông phân tích, mổ xẻ và cũng sống nhờ bóng đá. Và họ chẳng cần biết những nhân vật chính trong đó sống chết thế nào sau những rắc rối…
Anh Ngọc
Tags