(Thethaovanhoa.vn) - “Rồi chết rồi đó”; “nó đập đá mà”; “sâu quá, chịu không nổi đâu”… Đó là những lời bình luận của hàng chục người trên bờ khi chứng kiến cảnh thanh niên tên G. (sinh năm 1992) chết chìm tại hồ Hàm Nghi (Phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).
Đoạn clip gần 9 phút về vụ việc sau đó được phát tán trên mạng gây phẫn nộ. Người thanh niên ấy đã chết trước sự chứng kiến, bình luận thản nhiên của đồng loại đang đứng trên bờ. Người thanh niên đã chết trong lúc những chiếc smartphone chĩa vào cánh tay chới với giữa con nước để…quay clip.Người thanh niên ấy đã chết bởi “bản án” của một số người: “Nó ngáo đá mà!”. Giá như một số người thay vì thờ ơ nhìn và bình luận, hoặc vô cảm thản nhiên đứng quay clip mà phối hợp tích cực với các anh công an, sự thể có thể sẽ khác…
… Tức là, đám đông đứng trên bờ cho rằng, “ngáo đá” nghĩa là đáng chết. Người liên quan tới ma túy không có chỗ đứng trong cộng đồng. Chưa hết, ngay khi công an công bố nguyên nhân ban đầu cái chết của anh G., mạng xã hội lại xuất hiện hàng loạt bài viết phân tích về cái khó của việc cứu người đuối nước. Và rằng, người đã bị ảo giác, muốn chết thì cứu làm gì? Cứu xong người ta lại tự tử cho bằng chết thì thôi(?!). Cứu làm gì để người ta khổ, mình cũng khổ (?!).
Những dòng phân tích lạnh như thể những lưỡi dao đâm vào người quá cố thêm nhiều lần. Trong khi đó, nếu nạn nhân có dính tới ma túy thì người nghiện cũng là con người. Họ cần được hỗ trợ trong thời khắc khốn khó. Đặc biệt, giây phút liên quan tới sinh mạng con người thì không thể đắn đo.
Người viết đã từng gặp và trò chuyện cùng Thượng tá Lê Đức Đoàn, người cứu hàng chục mạng người tự tử trong hơn 10 năm làm nhiệm vụ ở cầu Chương Dương. Triết lý hành động của ông Đoàn rất giản đơn: Không phân tích nhiều, cứu người là trên hết. Thấy người nhảy là nhảy theo lập tức. Cứu được người rồi mới tính tới việc chia sẻ giúp nạn nhân vượt qua bệnh tật, nghiện ngập, hay những vấn đề bức bách khác.
Và, tất cả các trường hợp được ông Đoàn cứu, đã không ai tìm tới cái chết lần nữa. Nhiều gia đình, dịp lễ Tết, vẫn mang quà quê tới cảm ơn ông đã giúp vượt qua những giây phút cam go nhất của cuộc sống. Và, ông Đoàn cũng thừa nhận trong ngày nghỉ hưu rằng “gia tài” lớn nhất mang về “dưỡng già” là tình thương yêu của mình với đồng loại và của đồng loại dành cho mình.
Trong một câu chuyện khác, ngày đầu năm, người dân chen chân tới các chùa lớn để cầu nguyện. Như mọi năm, các chùa được cho là linh thiêng chật kín người tới dâng sao giải hạn.
Trớ trêu, dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật. Đạo Phật quan niệm, tất cả mọi nghiệp của con người đều do hành vi của con người với cộng đồng. Luật nhân - quả bị bóp méo bằng việc “mặc cả” với thánh thần.
Vẫn trong những ngày đầu năm, các lễ hội diễn ra hàng loạt nghi lễ cướp: cướp phết Hiền Quan, cướp hoa tre đền Sóc... Và gần nhất, không có trong bất cứ nghi lễ nào, đó là cướp lộc ngay trên ban thờ Đức Thánh Trần.
Điều này tạo ra vô vàn nghịch lý: người ta hồ như không biết sợ thần linh nhưng tin vào năng lực (cướp) của mình để giành lợi lộc; người ta không thâu nạp kiến thức về tôn giáo nhưng vẫn đi dâng sao giải hạn như bắc một thang thuốc tinh thần; người ta không quan tâm tới giới luật nhưng vẫn giúi vào tay thần Phật vài đồng tiền lẻ những mong được phù hộ…
Quay lại câu chuyện người chết đuối trong sự vô cảm của đồng loại, Đức Phật có dạy: cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp. Giá người ta nghĩ tới việc cứu người sẽ đem về phúc lộc cho gia đình thì có lẽ, thay vì bình thản, người ta sẽ vội vàng dẫm đạp lên nhau để cướp sinh mạng nạn nhân từ tay tử thần!
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Tags