Sau khi đứng ra thuê căn hộ với giá 13.000 NDT/ tháng, ông Tôn cho 39 người khác thuê lại với giá 700 NDT/người mỗi tháng.
Năm 2021, ban quản lý đô thị tại thành phố Thượng Hải đã nhận được báo cáo về một trường hợp thuê nhà theo nhóm trong một khu dân cư cao cấp ở Huamu, thuộc khu phố mới Phố Đông Thượng Hải. Theo đó, trong ngôi nhà 3 phòng ngủ rộng 90m2 trên tầng 7 của một tòa chung cư có tổng cộng có 39 người sinh sống ở đó. Căn nhà này có đến 16 chiếc giường 2 tầng, thậm chí ở nhà bếp cũng có một chiếc giường đơn.
Chủ của ăn nhà này là một người đàn ông họ Tôn. Người ta phát hiện rằng sau khi thuê căn nhà với giá thuê hàng tháng là 13.000 NDT, ông đã cho 39 người khác cùng thuê lại với giá 700 tệ/người mỗi tháng. Hầu hết những người thuê nhà đều làm việc trong các nhà hàng ăn uống gần đó. Họ thường xuyên đi làm về muộn, nói lớn, hút thuốc... đã làm phiền đến những cư dân khác trong tòa nhà.
Nhận thấy việc cho thuê nhà theo nhóm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nên những người dân gần đó đã đứng ra tố giác. Sau khi nhận được nhiều thông tin phản ánh từ hàng xóm, cảnh sát Thượng Hải đã “thâm nhập” và tiến hành kiểm tra. Những người thuê trọ buộc phải chuyển đi sau đó.
Còn với người cho thuê, ông Tôn bị xử phạt hành chính song chẳng nhằm nhò gì với số tiền mà người này kiếm được. Mỗi tháng ông Tôn thu về khoảng 27.000 NDT từ tiền cho thuê phòng, chưa kể tiền điện, nước, internet. Số tiền người đàn ông này kiếm được là nhờ tận dụng tình trạng “đất chật người đông” ở thành phố. Hơn nữa, giá đất đai đắt đỏ ở những khu vực đông đúc này cũng khiến nhiều người phải cắn răng chịu đựng việc sống khổ sở, chen chúc để có thể tiết kiệm được ít đồng.
Ở Thượng Hải, không chỉ có trường hợp của ông Tôn, mà còn rất nhiều trường hợp khác chưa được phát hiện. Trên thực tế, đằng sau cảnh 39 con người chen chúc trong căn nhà 90m2 vốn là nỗi cay đắng của những người lao động ở tầng đáy xã hội và bài toán mưu sinh trước giá nhà đất cao, tiền thuê nhà đắt đỏ.
Cuộc sống chen chúc: Người cho thuê hưởng lợi, người lao động nghèo khổ sở sống qua ngày
Không phải ai sống ở Thượng Hải cũng đều là giới thượng lưu với mức lương tháng hơn 10.000 NDT và không phải lo cơm ăn áo mặc. Những lao động như nhân viên rửa bát, bồi bàn, công nhân vệ sinh, nhân viên bảo vệ sống tại đây đều đang bất lực trước gánh nặng cuộc đời. Không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, việc nhiều người sống chen chúc trong một không gian nhỏ hẹp cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Do môi trường sống đông đúc và chật chội, các nguy cơ về an toàn điện, nước và lửa cũng như các điều kiện về thông gió, độ ẩm, ánh sáng mặt trời và không khí đều rất đáng lo ngại. Sống trong những căn nhà xập xệ và chật hẹp giữa lòng thành phố phồn hoa, nhiều người dân luôn cảm thấy bất an thế nhưng họ chưa thể dời đi vì nỗi lo mất kế sinh nhai.
Ở những thành phố lớn như Thượng Hải, mọi sản phẩm đều có biến động giá, nhưng giá nhà đất chỉ có thể tăng chứ không thể giảm…39 con người trong trường hợp của ông Tôn bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan, họ muốn rời đi nhưng lại không thể.
Câu chuyện này đã réo lên hồi chuông cảnh báo về những rủi ro khi tình trạng “sống chui”, sống chen chúc ngày càng phổ biến ở thành phố này khi mà nhiều vụ việc thương tâm đã từng xảy ra. Mười năm trước, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại một ngôi nhà thuê được xây dựng trái phép ở Bắc Kinh, khiến 17 người thiệt mạng. Sau đó, cả Trung Quốc đã điều tra và tiến hành “dọn dẹp” những ngôi nhà cho thuê theo nhóm.
Tuy nhiên sau một thập kỷ, số lượng nhà thuê theo nhóm vẫn không giảm mà còn tiếp tục tăng nhanh vì nhiều chủ trọ hám lợi, tiếp tục kinh doanh hình thức này. Nguyên nhân là vì lợi nhuận mà họ nhận được vượt xa so với những rủi ro họ phải hứng chịu khi bị phát hiện. Do đó, sự việc này đến nay vẫn tiếp tục tiếp diễn.
Đa số chúng ta "đốt tiền" vào tiêu sản khiến lương 20 triệu vẫn chẳng dư đồng nào: Học ngay 4 cách làm đầy túi của người Nhật để giàu có hơnTags