Khi đăng thông tin kêu gọi đóng góp tác phẩm - vật phẩm cho chương trình thiện nguyện Vì mái trường cho em, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) hy vọng sẽ có được chừng 50 tác phẩm, vật phẩm trong vòng 10 ngày. Thật bất ngờ, chỉ sau 2 ngày, báo đã nhận được nhiều hơn con số ước muốn. Đa số các nghệ sĩ/ nhà sưu tập đều muốn trẻ em có điều kiện học hành tốt hơn, nên họ dễ dàng chia sẻ với ý tưởng của chương trình.
Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) ra số đầu tiên (21/8/1982 - 21/8/2022), chương trình đấu giá nghệ thuật Vì mái trường cho em đã ra đời, nhằm kết nối với các văn nghệ sĩ, các vị Mạnh thường quân và ngành giáo dục ở các địa phương, để hoàn thiện hơn về cơ sở vật chất cho một số trường/điểm trường ở vùng sâu, vùng xa.
Sau khi đi khảo sát nhiều điểm trường trên cả nước, điểm trường đầu tiên mà báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) dự kiến tu sửa là Huổi Khoang (thuộc Trường Mầm non Hoa Mai Nậm Mằn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La). Theo dự toán ban đầu, việc xây mới một phòng học tại đây, với vật liệu an toàn, đúng yêu cầu là hơn 300 triệu đồng.
Tại sao chủ đạo lại là tranh?
Để làm được điều này, rất cần sự chung tay của cộng đồng yêu nghệ thuật và sự chia sẻ, đóng góp vì cộng đồng. Đây cũng là ý tưởng chính cho việc xin tranh, xin vật phẩm và tổ chức các phiên đấu giá.
“Tại sao lại là tranh? Vì người Việt hiện nay đã khác 5-7 năm trước rất nhiều, khi mà nhu cầu và sở thích chơi tranh nguyên bản đang tăng cao. Hơn nữa, đây là điều chính yếu nhất, các họa sĩ và nhà sưu tập trong lĩnh vực mỹ thuật thường khá hào phóng, thích chia sẻ, nên việc huy động tranh có nhiều thuận lợi hơn các vật phẩm, tác phẩm khác. Và cuối cùng, do chúng tôi có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nhiều năm, nên việc đấu giá cũng sẽ có những thuận lợi nhất định” – nhà báo Văn Bảy, đại diện chương trình thiện nguyện Vì mái trường, cho biết.
Khi đăng tin kêu gọi đóng góp tranh và vật phẩm, chỉ mới 2 ngày, đã có nhiều hơn con số ước muốn, nên Ban tổ chức phải thông báo xin tạm dừng nhận. Anh Văn Bảy lý giải: “Đa số đều muốn trẻ em có điều kiện học hành tốt hơn một chút, nên rất thoải mái trong việc đóng góp, thường trao tặng cả 100% giá bán. Đa số họa sĩ tham gia tặng tranh cũng đang có con đi học tiểu học, phổ thông, nên có lẽ họ dễ dàng chia sẻ với ý tưởng Vì mái trường cho em”.
Tổng số tranh các nghệ sĩ, nhà sưu tập đã gửi đến chương trình là hơn 50 tác phẩm, vật phẩm của gần 50 họa sĩ/ nhà sưu tập gửi tặng. Đa số tác phẩm là của họa sĩ bài bản, chuyên nghiệp, nên dù nhiều phong cách khác nhau, nhưng mỗi bức vẫn đạt giá trị tự thân về nghệ thuật. Trong trường hợp này, chúng ta phải dùng nhiều lăng kính, nhiều thước đo để cân nhắc, vì nhiều phong cách và kỹ thuật khác nhau để đánh giá. Tuy nhiên, trên hết đó là tấm lòng vì cộng đồng của các họa sĩ, nhà sưu tập. Giá trị lớn nhất là sự chia sẻ và thương yêu trẻ em vô điều kiện.
Từ ngày 19 đến ngày 21/5, báo Thể thao và Văn hóa đã tiến hành 3 phiên đấu giá trực tuyến. Tổng kết sơ bộ, phiên 1 đã bán được 8/15 lot (tương đương 53%), phiên 2 bán 11/15 lot (73%), phiên 3 bán 11/15 lot (73%). Nếu nhận đủ tiền, trừ chừng 10% cho chi phí bưu phẩm, khung bo và vài yêu cầu riêng của họa sĩ/ nhà sưu tập, tổng số tiền thu được qua 3 phiên đấu giá là hơn 210 triệu đồng. Số tác phẩm, vật phẩm còn lại sẽ tiếp tục bán và lưu kho báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) để bán tiếp trong các năm tới.
Điều thú vị của tranh là ngoài giá trị nghệ thuật, nó còn giá trị năm tháng, nói nôm na là không sợ cũ, có khi năm này chưa thấy thích, mà mấy năm sau lại thấy rất thích. Ví dụ như trong 3 phiên đã đấu, có các tranh sáng tác khá lâu rồi, của họa sĩ Lê Toàn (sinh 1925, tỉnh Hải Hưng) và Hà Cẩm Tâm (1933-2016), tất cả đều được bán rất nhanh.
Tiếp tục gây quỹ và tìm sự sẻ chia
Phải khẳng định rằng, làm thiện nguyện chưa bao giờ dễ dàng, thậm chí rất gian truân và đôi khi vướng những lùm xùm không đáng có. Anh Văn Bảy cho rằng cách tốt nhất là phải minh bạch mọi con số trên mạng từ đầu đến cuối, để tiện đối chiếu. Tất cả các phiên đấu giá đều công khai.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) cũng dự kiến trao tiền mặt cho điểm trường Huổi Khoang (thuộc Trường Mầm non Hoa Mai Nậm Mằn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La) để họ tự xây dựng, theo thiết kế và dự toán mà BTC đã đối chiếu và thấy khá hợp lý. BTC sẽ thuê giám sát việc xây dựng và kiểm tra chéo về chất lượng công trình.
Nhưng cũng phải thẳng thắn một điều rằng, chỉ khi không làm gì thì mới mong không sai sót và hạn chế được lời ra tiếng vào, còn đã làm thì kiểu gì cũng bị nói này nói nọ. Nhưng, như ông bà ta đã dạy: “Cây ngay không sợ chết đứng”; hoặc “Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành”. “Bi-trí-dũng” nên đi song hành và bổ trợ cho nhau.
Sau 3 phiên đấu giá online, tại Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn tối 31/5 tới đây tại Hà Nội, BTC đã lựa chọn 7 vật phẩm, tác phẩm để đấu giá trực tiếp trên sân khấu. Theo đó, mỗi tác phẩm, vật phẩm đều có giá khởi điểm và giá mua ngay, người tham gia trực tiếp và gián tiếp (từ xa) sẽ đưa ra mức giá đấu, hoặc quyết định mua ngay. BTC sẽ có 3-4 người gọi điện thoại để giúp người ở xa đấu trực tiếp, nhằm tăng sự cập nhật và công bằng giá bán.
Riêng với chiếc xe Vespa được họa sĩ Lê Kinh Tài vẽ lên, đây được coi là một vật phẩm/tác phẩm có giá khởi điểm cao, nên chương trình sẽ mời gọi đấu giá trên mạng từ trước, để kết nối với những người yêu thích, muốn sở hữu.
Khi phiên đấu diễn ra trực tiếp tại Hà Nội, ngoài những người đến dự phiên sẽ đấu, ban tổ chức sẽ gọi điện cho từng người để mời họ chốt giá cuối cùng ngay khi phiên đấu này xảy ra. Thể thức này cũng sẽ áp dụng với các tác phẩm, vật phẩm còn lại trong phiên đấu trực tiếp.
Để có thể duy trì việc sửa trường - xây lớp cho học sinh vùng sâu, vùng xa trong nhiều năm, báo Thể thao và Văn hóa sẽ linh hoạt cách tổ chức chương trình gây quỹ, nhưng mỹ thuật và nghệ thuật vẫn sẽ là một kênh quan trọng mà BTC hướng tới để tìm sự đồng hành, chia sẻ.
7 vật phẩm được đấu giá trực tiếp trên sân khấu tối 31/5: 1. Chiếc áo có đủ chữ ký của Đội tuyển Việt Nam năm 2018, khi vô địch AFF Cup, do hai nhà sưu tập Cao Minh Tuấn và Nguyễn Văn Sỹ tặng. Giá khởi điểm: 50 triệu đồng. Giá mua ngay: 100 triệu đồng. 2. Chiếc áo của cầu thủ Duy Mạnh do chính Duy Mạnh - đại sứ của chương trình Vì mái trường cho em - gửi tặng. Giá khởi điểm: 20 triệu đồng. Giá mua ngay: 40 triệu đồng. 3. Tranh lụa của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, khổ 130cm x 50cm, mực acrylic trên lụa, 2022. Giá khởi điểm: 50 triệu đồng. Giá mua ngay: 90 triệu đồng. 4. Tranh sơn dầu trên toan của họa sĩ Phạm An Hải, khổ 50cm x 40cm, 2021. Giá khởi điểm: 30 triệu đồng. Giá mua ngay: 50 triệu đồng. 5. Tranh sơn dầu của Phạm Duy Quỳnh, khổ 160cm x 110cm, 2021. Giá khởi điểm: 30 triệu đồng. Giá mua ngay: 50 triệu đồng. 6. Đồng hồ nam Ernest Borel GS8380C-221 do hệ thống bán lẻ đồng hồ chính hãng Galle Watch tặng. Giá khởi điểm: 20 triệu đồng. Giá mua ngay: 40 triệu đồng. 7. Chiếc xe Vespa do họa sĩ Lê Kinh Tài vẽ lên. Giá khởi điểm: 200 triệu đồng. Giá mua ngay: 500 triệu đồng. |
Tiểu Phong (ghi)
Tags