Giá vàng trong nước, giá vàng thế giới, giá vàng 9999, tỷ giá ngoại tệ hôm nay 10/8 được Thethaovanhoa.vn liên tục cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường.
tiếp tục cập nhật
Giá vàng trong nước
Giá vàng trong nước rạng sáng hôm nay 10/8 giảm nhẹ với mức giảm từ 50.000 đến 100.000 đồng/ lượng.
Giá vàng SJC đã được điều chỉnh giảm 100.000 đồng ở cả hai chiều. Với mức điều chỉnh này, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 66,2 triệu đồng/lượng mua vào và 67,22 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng SJC tại TP HCM vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Giá vàng thương hiệu DOJI tại khu vực Hà Nội đang là 66,15 triệu đồng/lượng mua vào và 67,15 triệu đồng/ lượng bán ra, giảm 100.000 đồng ở cả hai chiều so với rạng sáng ngày trước đó.
Giá vàng DOJI tại tại TP HCM cũng được điều chỉnh giảm 100.000 đồng xuống còn 66,2 triệu đồng/lượng mua vào và 67,2 triệu đồng/ lượng bán ra.
Giá vàng Phú Quý SJC đang niêm yết mức 66,2 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,2 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng ở chiều mua và 50.000 đồng ở chiều bán.
Giá vàng trong nước biến động nhẹ và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 1.793.5 USD/ounce tương đương gần 50,9 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank chưa thuế phí, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện trên 16 triệu đồng/ lượng.
Giá vàng thế giới đi lên
Giá vàng thế giới đi lên trong phiên giao dịch ngày 9/8, được hỗ trợ bởi đà suy yếu của đồng USD, trong khi những người tham gia thị trường đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ để tìm kiếm những manh mối về lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
- Giá vàng hôm nay 9/8 cập nhật diễn biến mới nhất trên thị trường
- Giá vàng sáng 8/8 tăng 50 nghìn đồng/lượng
Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch COMEX, giá vàng giao ngay tăng 0,4%, lên 1.794,76 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ tăng 0,4%, lên 1.811,40 USD/ounce.
Đồng USD suy yếu làm vàng trở nên bớt đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác. Chỉ số đồng USD (ICE)- thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – hạ 0,3%.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures (Mỹ), nhận định rằng vàng hiện đang được hưởng lợi từ đồng USD suy yếu và tình hình Nga – Ukraine, trong khi sự tập trung vẫn đang hướng về báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ (dự kiến được công bố ngày 10/8).
Một cuộc thăm dò của chi nhánh Fed ở New York vào ngày 8/8 cho thấy, kỳ vọng của người tiêu dùng Mỹ về mức độ lạm phát trong 1 năm và 3 năm tới đã giảm mạnh trong tháng 7/2022.
Gần đây, vàng đã phải đối mặt với áp lực giảm giá khi các ngân hàng trung ương nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát. Kim loại quý được xem là một kênh phòng ngừa lạm phát và bất ổn chính trị, tuy nhiên, lãi suất cao hơn làm kim loại không sinh lời này trở nên kém hấp dẫn hơn.
Trước khi công bố báo cáo lạm phát, các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) dự đoán CPI của Mỹ trong tháng 7 vừa qua sẽ giảm từ 9,1% trong tháng 6 xuống 8,7%.
Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Dave Ramsden cho biết, ngân hàng này có thể sẽ phải nâng lãi suất thêm để giải quyết áp lực lạm phát đang hiện hữu trong nền kinh tế Anh.
Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay giảm 0,9% xuống 20,46 USD/ounce. Giá bạch kim cũng mất 0,6%, xuống 934,02 USD/ounce. Còn giá palladium tăng hơn 1% lên 2.255,54 USD/ounce.
Nhóm P.V
Tags