(Thethaovanhoa.vn) - Giá vàng hôm nay, Thethaovanhoa.vn cập nhật những diễn biến mới nhất trên thị trường về giá vàng trong nước và quốc tế.
Giá vàng giảm trước lo ngại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước dẫn tới bi quan về triển vọng kinh tế thế giới.
Chốt phiên giao dịch ngày hôm qua 12/6, giá vàng miếng trong nước được Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu giảm 70.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 47,76 – 48,31 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 48,500 triệu đồng/lượng mua vào và 48,650 triệu đồng/lượng bán ra. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 48,420 triệu đồng/lượng mua vào và 48,790 triệu đồng/lượng bán ra.
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay giảm 12,2 USD xuống 1.721,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 7 trên sàn Comex New York giảm 10,6 USD xuống 1.724,1 USD/ounce.
- Giá vàng hôm nay 12/6 tiếp tục tăng mạnh
- Giá vàng trong nước hôm nay 11/6 có tăng theo thế giới?
- Giá vàng hôm nay 10/6: Bật tăng nhờ chứng khoán?
- Giá vàng hôm nay bật tăng sau chuỗi ngày giảm nhẹ?
Mối lo ngại về một làn sóng dịch bệnh thứ hai đã tăng lên khi các tiểu bang tiếp tục mở cửa trở lại. Trong 3 ngày liên tiếp, Texas đã báo cáo số trường hợp nhập viện Covid-19 tăng cao kỷ lục. 9 quận thuộc California cũng ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin chia sẻ với CNBC rằng, về cơ bản "chúng ta không thể đóng cửa nền kinh tế một lần nữa".
Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy có 1,54 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 6/6. Con số này thấp hơn dự kiến nhưng vẫn gần mức cao kỷ lục, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra tình trạng sa thải lao động hàng loạt trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ.
Thị trường dầu tương lai giảm, trong bối cảnh lo ngại về việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ bị đình trệ. Hợp đồng tương giá dầu WTI giảm 8.2% xuống mức 36,34 USD/thùng. Theo đó, nhà đầu tư đổ xô tìm đến các loại tài sản an toàn hơn như trái phiếu và vàng - đều tăng giá.
Các nhà đầu tư cũng đang đánh giá lại khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Cục dự trữ Liên bang (FED) vừa đưa ra chính sách tiền tệ mới. Các nhà hoạch định chính sách nhất trí giữ lãi suất không đổi, điều cho thấy mức lãi suất sẽ không tăng cho tới năm 2022.
"FED hiểu chúng ta mới đang chỉ trong giai đoạn đầu của phục hồi kinh tế và thực hiện các thay đổi là quá sớm ở thời điểm hiện tại", Charlie Ripley, chiến lược gia đầu tư cấp cao của Allianz Investment Management, chia sẻ.
Ngoài ra, một đồng USD mạnh đã hạn chế vàng tăng giá, bởi nó sẽ làm giá kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Giá vàng thế giới tăng 3% trong tuần qua
Giá vàng kỳ hạn chốt phiên 12/6 giảm nhẹ, do chịu sức ép khi các chỉ số chứng khoán Mỹ lên điểm và đồng USD cùng với lãi suất trái phiếu tăng. Tuy nhiên, những lo ngại về tác động kinh tế khi số ca nhiễm COVID-19 tăng vẫn giúp giá kim loại quý này tăng trong cả tuần.
Giá vàng phiên 11/6 tăng 1,1%, lên mức cao nhất kể từ ngày 1/6, khi chỉ số Dow Jones chốt phiên giảm 7%, trong lúc số ca nhiễm COVID-19 lại tăng và có những lo ngại về tác động về triển vọng kinh tế.
Tuy nhiên, chỉ số USD trên Sàn giao dịch liên lục địa tăng 0,7% đồng thời với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng gần 4 điểm cơ bản, lên 0,69%, làm giảm sức hấp dẫn của tài sản an toàn như vàng.
Chỉ số Dow Jones tăng nhẹ khi thị trường vàng chốt phiên 12/6, trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm. Giá vàng giao tháng Tám chốt phiên giảm 2,5 USD, hay 0,1%, xuống 1.737,3 USD/ounce tại Comex.
Giá vàng vẫn giao dịch ở gần mức cao của phiên là 1.753 USD/ounce, nhưng chịu sức ép sau khi số liệu kinh tế Mỹ được công bố có đôi chút khả quan. Chỉ số lòng tin tiêu dùng tại nước này vào đầu tháng Sáu tăng lên 78,9, so với mức 72,3 trong tháng Năm.
Theo nhà phân tích thị trường Fawad Razaqzada, một yếu tố đã hỗ trợ giá vàng trong tuần qua là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 10/6 đã bác bỏ khả năng tăng lãi suất trong vài năm tới và có thể thực hiện chính sách nới lỏng định lượng trong tương lai gần.
Trong phiên 10/6, giá vàng giao ngay tăng gần 1%, chạm mức cao nhất trong tuần, sau khi Fed giữ cam kết sẽ “xoa dịu” những tổn thương kinh tế do những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Kết thúc phiên này, giá vàng tăng 0,8%, lên 1.728,76 USD/ounce.
Trước đó, giá vàng tăng hơn 1% trong phiên 9/6, khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi các dữ liệu rõ ràng hơn về tình trạng kinh tế và các gói kích thích tiếp theo mà Fed có thể đưa ra trong cuộc họp chính sách. Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 1,2%, lên 1.714,78 USD/ounce.
Cũng nhờ hy vọng về chính sách tiền tệ ôn hòa của Fed, trong phiên giao dịch 8/6, giá vàng thế giới đã tăng sau đợt giảm mạnh.
Giá vàng khép lại tuần qua với mức tăng 3,2%.
Chuyên gia Razaqzada cho rằng giá vàng có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi một số yếu tố như những lo ngại về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai và bất ổn địa chính trị gia tăng.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn thận trọng cho rằng giá vàng sau khi được thúc đẩy nhờ chính sách tiền tệ thì cần động lực mới để bứt ra khỏi biên độ giao dịch ở mức khoảng 1.700 USD/ounce.
Chứng khoán Âu -Mỹ phục hồi trong phiên 12/6
Chứng khoán Phố Wall đã phục hồi khi mở cửa phiên 12/6, lấy lại phần nào số điểm đã mất của ba phiên trước đó, đặc biệt là phiên lao dốc ngày thứ Năm (11/6).
Theo đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones mở cửa ở mức 25.831,52 điểm, tăng 2,8% so với lúc khép phiên trước đó. Chỉ số S&P 500 cũng tăng 2,3% lên 3.071,57 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 2,2% lên 9.703,13 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Âu mở cửa phiên 12/6 cũng ghi nhận mức phục hồi khá cao. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 1,5% lên 6.168,92 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến 1,1% lên 12.095,52 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng ghi thêm 2% so với mức đóng phiên hôm 11/6, lên 4.909,74 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 1,5% lên 3.192,81 điểm.
Chứng khoán thế giới đã phải trải qua phiên tồi tệ nhất kể từ tháng Ba trong phiên 11/6 vì những lo ngại rằng số ca mắc COVID-19 tăng trở lại ở một số bang sẽ đe dọa sự phục hồi kinh tế của Mỹ, sau khi nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đóng cửa để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Song các thị trường sau đó đã bất ngờ hồi phục khi mở đầu phiên 12/6 khi dữ liệu từ Đại học Michigan cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ có sự nhảy vọt đáng ngạc nhiên.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích dự đoán sự biến động sẽ còn "bủa vây" thị trường trong thời gian tới.
Trước đó cùng phiên 12/6, phần lớn thị trường chứng khoán châu Á di xuống trong khi đồng USD mạnh lên, giữa bối cảnh các nhà đầu tư bán tháo mạnh mẽ nhất kể từ tháng 3/2020 do lo ngại về đà phục hồi kinh tế và làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai tại Mỹ.
Khép phiên này, tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,8% xuống 22.305,48 điểm, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong để mất 0,7% xuống đóng phiên ở 24.301,38 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải gần như không đổi, ở mức 2.919,74 điểm.
Thị trường Sydney, Mumbai, Singapore và Bangkok đều giảm với mức giảm trong khoảng 1-2%, riêng thị trường Wellington (New Zealand) và Wellington đều giảm hơn 2%.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 12/6, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 3,85 điểm (0,44%) xuống 863,52 điểm; trong khi chỉ số HNX-Index tăng 0,85 điểm (0,73%) lên 116,91 điểm.
Mỹ: Niềm tin của người tiêu dùng tăng hơn mức kỳ vọng
Kết quả khảo sát được công bố ngày 12/6 của Đại học Michigan cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã bất ngờ tăng lên trong tháng Sáu, trong bối cảnh nhiều bang ở nước này đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa liên quan đến dịch COVID-19 và nhiều người lao động thất nghiệp được quay trở lại làm việc.
Theo khảo sát của Đại học Michigan, chỉ số tâm lý tiêu dùng đã tăng từ 72,3 trong tháng Năm lên 78,9 trong tháng Sáu, khả quan hơn nhiều so với dự đoán trước đó của giới chuyên gia. Bên cạnh đó, chỉ số về tình hình kinh tế hiện tại cũng tăng từ 82,3% hồi tháng Năm lên 87,8% trong tháng Sáu.
Chuyên gia Richard Curtin cho rằng tâm lý tiêu dùng đã ghi nhận tháng tăng thứ hai liên tiếp vào đầu tháng Sáu, nhờ triển vọng tình hình tài chính cá nhân gia tăng và triển vọng kinh tế thuận lợi hơn nhờ việc tái mở cửa.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trong quá trình tái mở cửa, trong đó nhiều bang đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa được ban hành giữa tháng Ba. Việc tái mở cửa nền kinh tế và chương trình hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nghiệp nhỏ được cho là yếu tố giúp gia tăng 2,5 triệu việc làm trong tháng Năm và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 13,3%.
Nhưng cùng lúc đó, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã gia tăng trở lại ở nhiều nơi. Dù người tiêu dùng đang mong đợi tình hình sẽ diễn biến tích cực hơn, nhưng rất ít người dự đoán nền kinh tế sẽ sớm quay trở lại bình thường. Ông Curtin cho biết 2/3 số người tiêu dùng tham gia khảo sát dự đoán sắp tới sẽ là thời gian khó khăn về tài chính cho nền kinh tế nói chung, và gần một nửa dự đoán kinh tế Mỹ sẽ sa sút trong dài hạn.
Chuyên gia Ian Shepherdson của công ty Pantheon Macroeconomics cảnh báo, sự khép lại theo dự kiến vào cuối tháng Bảy này của chương trình trợ cấp thất nghiệp trong gói kích thích kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD của chính phủ có thể sẽ đảo ngược những tiến bộ đã đạt được trong những tuần gần đây.
Nhóm P.V
Tags