Trong phiên giao dịch 18/1, giá vàng thế giới đi xuống, song vẫn trên mức mốc 1.900 USD/ounce, khi các thành viên chủ chốt của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đánh đi tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.
Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.904,84 USD/ounce, sau khi có lúc rơi xuống mức thấp 1.896,32 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tại Mỹ giảm 0,2% và đóng cửa ở mức 1.907 USD/ounce.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường tại RJO Futures, nhận định thị trường đang chuẩn bị cho một đợt điều chỉnh lớn hơn. Theo chuyên gia này, đã có một đợt bán tháo mạnh đối với trái phiếu kỳ hạn 10 năm, khiến lợi suất giảm từ 4% xuống 3%. Bên cạnh đó, giá các kim loại quý đã phục hồi mạnh mẽ. Ông Pavilonis cho rằng giá vàng có thể mất khoảng 150 USD do hoạt động bán ra, song sau đó, hoạt động mua vào sẽ lại được thúc đẩy.
Trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Phố Wall, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, James Bullard cho rằng lãi suất nên được tăng lên trên 5% "càng nhanh càng tốt". Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland Loretta Mester cũng có quan điểm tương tự.
Dù vậy, thị trường vẫn dự báo có 91,6% cơ hội Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng Hai. Lãi suất thấp hơn có xu hướng có lợi cho vàng, khi làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời.
Trong báo cáo công bố ngày 18/1, Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giảm 0,5% trong tháng trước. Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ công bố doanh số bán lẻ tại nước này đã sụt giảm trong tháng thứ hai liên tiếp vào tháng 12/2022. Những số liệu này lạm phát đang "hạ nhiệt", còn người tiêu dùng Mỹ ngày càng thận trọng trước sự bất ổn của nền kinh tế.
Hareesh V, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Geojit Financial Services, cho rằng những lo lắng về suy thoái kinh tế và chính sách tiền tệ của Fed sẽ là chất xúc tác chính cho thị trường giá cả trong tương lai gần.
Giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,8 - 67,62 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tags