Giá vàng thế giới hầu hết đi lên trong tuần giao dịch ngắn ngày đầu tiên của năm mới, giúp mặt hàng này có tuần tăng giá thứ ba liên tiếp.
Thị trường đóng cửa nghỉ lễ Năm mới vào ngày đầu tuần 2/1 và mở cửa phiên 3/1 với mức tăng, trong bối cảnh Mỹ công bố các số liệu kinh tế trái chiều.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất của Mỹ được điều chỉnh theo mùa do S&P Global công bố đạt 46,2 trong tháng 12/2022, giảm so với 47,7 trong tháng 11/2022, nhưng khá sát với ước tính “chớp nhoáng” được công bố trước đó.
Bộ Thương mại Mỹ báo cáo rằng, chi tiêu xây dựng hàng năm của nước này đã tăng 0,2% lên 1.808 nghìn tỷ USD trong tháng 11/2022 sau khi giảm 0,2% xuống mức 1.803 nghìn tỷ USD trong tháng 10/2022.
Giá vàng thế giới duy trì quanh mức cao gần bảy tháng đạt được vào phiên 4/1, sau khi biên bản cuộc họp gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy tất cả các nhà hoạch định chính sách vẫn cam kết chống lại lạm phát, nhưng nhất trí giảm tốc độ tăng lãi suất vào năm 2023.
Trong biên bản cuộc họp chính sách ngày 13-14/12/2022, các quan chức Fed thừa nhận họ đã đạt được "tiến bộ đáng kể" trong việc kiềm chế lạm phát thông qua tăng lãi suất.
Biên bản chỉ ra rằng các quan chức nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì tính linh hoạt và tùy chọn khi chuyển chính sách sang lập trường hạn chế hơn. Fed có thể quay trở lại mức tăng 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 31/1-1/2, nhưng ngân hàng trung ương này vẫn để ngỏ khả năng lãi suất cuối cùng sẽ lên cao hơn nếu lạm phát vẫn tiếp diễn.
Ông Tai Wong, một nhà giao dịch cấp cao tại công ty môi giới đầu tư Heraeus Precious Metals cho hay giá vàng đang ổn định dù biên bản cuộc họp của Fed nêu rõ rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng và sẽ không có đợt cắt giảm lãi suất nào vào năm 2023 - điều trái với dự kiến và kỳ vọng của thị trường. Thị trường tiếp tục đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong những tháng tới trước khi tạm dừng và để lãi suất ở quanh mức 5%.
Đồng USD mạnh lên đã khiến giá vàng quay đầu giảm trong phiên 5/1, dứt chuỗi bốn phiên phục hồi liên tiếp và đánh dấu phiên đi xuống duy nhất của mặt hàng kim loại quý này trong tuần qua.
Trong phiên cuối tuần ngày 6/1, giá vàng tăng hơn 1%, chạm mức cao nhất trong 7 tháng, do lợi suất trái phiếu Mỹ và đồng USD suy yếu sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ củng cố kỳ vọng về việc Fed bớt quyết liệt hơn trong chiến lược tăng lãi suất.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 1,9% lên 1.867,18 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 13/6/2022. Tính chung cả tuần qua, giá vàng này đã tăng 2,1%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ ngày 2/12/2022.
Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn tăng 1,6% lên 1.869,7 USD/ounce.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, nhận định: “Chúng tôi đã thấy sự cân bằng trong dữ liệu việc làm tháng 12 của Mỹ. Tôi không nghĩ có đủ nhiều thông tin để thay đổi hướng đi của Fed, và rõ ràng thị trường ngày nay tập trung hơn vào ý tưởng Fed đang tiến gần hơn đến việc kết thúc các đợt nâng lãi suất”.
Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 223.000 việc làm trong tháng 12/2022. Ngoài ra, hoạt động ngành dịch vụ tại Mỹ đã giảm lần đầu tiên trong gần 3 năm vào tháng 12/2022, đưa ra bằng chứng cho thấy lạm phát đang giảm.
Góp phần thúc đẩy giá vàng trong phiên này, chỉ số đồng USD lùi 1%, còn lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm xuống gần mức thấp nhất trong gần 2 tuần.
Lãi suất cao làm giảm sức hấp dẫn của vàng như một kênh phòng ngừa lạm phát và làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại quý không sinh lời này.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cao cấp tại Kitco Metals cho biết giá vàng có thể tiếp tục đi ngang hoặc cao hơn trong quý đầu tiên năm 2023, sau khi nhận thấy sự quan tâm mới từ các quỹ phòng hộ vào đầu năm mới.
Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay tăng 2,8% lên 23,87 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 3,1% lên 1.091,12 USD/ouce, còn giá palladium tăng 3,4% lên 1.804,00 USD/ounce.
Tags