Giá vàng kỳ hạn Mỹ nhích nhẹ trong phiên 9/7, nhưng vẫn ghi nhận tuần giảm thứ tư liên tiếp do đồng USD mạnh gây áp lực lên các thị trường hàng hóa.
Theo đó, giá vàng Mỹ giao tháng 8/2022 tăng 2,60 USD (tương đương gần 0,2%) lên chốt ở mức 1.742,30 USD/ounce.
Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn của công ty môi giới đầu tư RJO Futures cho biết giá vàng đã giảm hồi đầu phiên do số liệu việc làm Mỹ mạnh hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, hoạt động mua vào khi giá xuống đã giúp nâng đỡ kim loại quý này phần nào.
Báo cáo lao động mới nhất của Mỹ cho thấy tăng trưởng việc làm tại nước này trong tháng Sáu vượt dự báo, còn tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở gần mức thấp trước đại dịch. Những số liệu tích cực này được coi là chỉ dấu cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn “khỏe mạnh”, từ đó cho phép Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (0,75 điểm phần trăm) một lần nữa tại cuộc họp vào cuối tháng này.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Giới quan sát cho hay vàng đã không thu hút được dòng tiền trú ẩn an toàn mặc dù rủi ro suy thoái ngày càng gia tăng. Đó là do các nhà đầu tư lựa chọn đồng USD, vốn đã tiến lên mức cao nhất trong hai thập kỷ.
Ông Colin Cieszynski, trưởng chiến lược gia thị trường tại công ty quản lý tài sản SIA Wealth Management, nhận định giá vàng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đồng USD mạnh, đặc biệt khi dòng vốn rời khỏi thị trường nước ngoài và tìm kiếm nơi trú ẩn ở Mỹ.
Trong phiên đầu tuần 4/7, giá vàng tăng 0,4% lên 1.809 USD/ounce khi đồng USD suy yếu phần nào, nhưng triển vọng lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này. Sau Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng được dự báo sẽ có động thái nâng lãi suất, trong bối cảnh lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) đã chạm mức cao kỷ lục mới trong tháng Sáu.
Sang phiên 5/7, giá vàng thế giới mất 2,1% xuống 1.763,9 USD/ounce do đồng USD tăng lên mức cao nhất trong gần 20 năm và duy trì ở mức này vì nhà đầu tư lo ngại khả năng xảy ra một cuộc suy thoái.
Vàng thế giới kéo dài đợt bán tháo, từ đó đẩy giá xuống mức thấp nhất trong hơn chín tháng trong phiên giao dịch 6/7. Cụ thể, giá vàng Mỹ giao kỳ hạn giảm 1,6% và đóng phiên ở mức 1.736,5 USD/ounce. Trong khi đó, đồng USD tăng 0,5% lên mức cao nhất 20 năm qua, khiến vàng vốn được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Sang phiên 7/7, số liệu kinh tế kém khả quan đã nâng đỡ giá vàng Mỹ tăng nhẹ 0,18% (3,2 USD) lên chốt phiên ở mức 1.739,7 USD/ounce. Bộ Lao động Mỹ trong cùng ngày công bố số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 2/7 tăng 4.000, lên 235.000, mức cao nhất kể từ tháng 1/2022 và điều này đã hỗ trợ giá vàng.
Với mức tăng 0,2% trong phiên cuối tuần 8/7, giá vàng vẫn giảm 3,3% và kéo dài chuỗi giảm sang tuần thứ tư liên tiếp.
Tính đến thời điểm hiện tại, năm 2022 tỏ ra khá bất lợi đối với các nhà giao dịch trên hầu hết các thị trường ngoại trừ lĩnh vực năng lượng, với việc đồng USD tăng vọt do lạm phát và Fed mạnh tay điều chỉnh lãi suất.
Theo ông Cieszynski, sang tuần tới, biến động của đồng USD có thể tiếp tục là động lực chính cho thị trường vàng. Chuyên gia lưu ý một số báo cáo lạm phát quan trọng được công bố vào tuần sau có thể làm thay đổi thị trường, bao gồm lạm phát của Trung Quốc vào cuối tuần cũng như báo cáo lạm phát giá tiêu dùng và sản xuất của Mỹ trong tuần.
Nhà phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Charted cho biết trong khi giá vàng khó tìm được phương hướng cụ thể khi vừa chịu tác động từ rủi ro lạm phát lẫn suy thoái kinh tế ngày một tăng, thị trường đã quay trở lại tìm tín hiệu từ đồng USD - vốn được hưởng lợi từ dòng chảy trú ẩn an toàn hơn so với vàng.
- Giá vàng châu Á tăng chiều 7/7 do đồng USD giảm nhẹ
- Giá vàng thế giới giảm hơn 2%
- Giá vàng trong nước sáng 5/7 giảm cùng pha với thế giới
Chuyên gia này cũng đánh giá vàng còn dễ bị tác động bởi giá sàn yếu hơn trong bối cảnh nhu cầu yếu theo mùa. Trong giai đoạn tới, vàng có thể đối mặt một mốc hỗ trợ quan trọng là 1.690 USD/ounce.
Chuyên gia Stephen Innes của công ty dịch vụ tài chính SPI Asset Management cho biết, những nhà đầu tư đang hy vọng một số tín hiệu từ Fed có thể cứu vãn giá vàng, giữa bối cảnh thị trường đã chuyển từ nỗi lo lạm phát sang lo ngại suy thoái kinh tế. Đã có hai trong số những quan chức có tiếng nói lớn nhất tại Fed cho biết họ vẫn ủng hộ một đợt tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa vào cuối tháng này, nhưng sau đó sẽ giảm tốc việc điều chỉnh lãi suất.
Ông Carsten Menke, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Next Generation Research tại ngân hàng Julius Baer cho biết trong ngắn hạn, giá vàng dự kiến vẫn được nỗi lo về rủi ro suy thoái hỗ trợ. Sau đợt điều chỉnh gần đây, ông nhận định giá kim loại quý này sẽ được củng cố.
Tuy nhiên, chuyên gia của Julius Baer thừa nhận một sự phục hồi lâu dài ít có khả năng xảy ra nếu như Fed có thể chống lại lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
H.Thủy/TTXVN (Tổng hợp)
Tags