(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, khi cái Tết Nguyên đán đang nhích tới rất gần, câu chuyện mừng tuổi - lì xì cũng bắt đầu hiện hữu trong suy nghĩ của mỗi người.
Chẳng có gì lạ: khi còn nhỏ, bất cứ ai trong số chúng ta đều nhớ cảm giác mong ngóng và hân hoan chờ đợi những món lì xì từ gia đình, người thân và khách khứa trong dịp Tết. Còn bây giờ, khi đã trưởng thành, đến lượt chúng ta lại chuẩn bị có dịp mừng tuổi cho con em trong gia đình hoặc của bạn bè.
Và, trong bối cảnh mà truyền thống mừng tuổi trẻ em bằng những tờ tiền mới đang cho thấy những nhược điểm của nó ở xã hội hiện đại, hãy cùng nói về câu chuyện “mừng tuổi bằng sách”.
- Giới thiệu phiên bản thứ 3 mới cuốn sách 'Ngôn từ thay đổi tư duy'
- Nhà thơ Trúc Thông: Ở nơi chân trời những cuốn sách
Trước đây, dù không quá phổ biến, việc mua tặng trẻ em những cuốn sách mới vào dịp Tết vẫn xuất hiện ở một số gia đình. Khi ấy, công nghệ giải trí hay mạng Internet chưa phát triển, và mua sách truyện làm quà Tết vẫn là lựa chọn dễ gặp ở các bậc phụ huynh. Để rồi, tới lúc văn hóa đọc có dấu hiệu đi xuống trong giai đoạn hội nhập, một cách tự nhiên, món quà Tết ấy dần... chìm nghỉm giữa vô vàn lựa chọn khác.
Phải mất một thời gian khá dài, xu hướng tặng sách vào dịp Tết mới bắt đầu được hâm nóng lại. Nếu bắt buộc phải chọn một cột mốc điển hình, hẳn nhiều người sẽ nhớ về tạp bút “Sách của con đâu” được Nguyễn Nhật Ánh viết vào năm 2016, như một lời kêu gọi phát triển trào lưu mừng tuổi bằng sách. Với ông, khi màu sắc thực dụng của đồng tiền đã làm xấu tục lì xì truyền thống, chúng ta nên mừng tuổi trẻ em bằng sách - món quà gắn với kho tàng tri thức của nhân loại.
“Thật là tuyệt vời nếu ngày đầu năm mới, vừa nhìn thấy cô chú cậu mợ hay bạn của ba mẹ đến nhà, trẻ con ùa ra, nhao nhao “Sách của con đâu?” thay vì “Tiền lì xì của con đâu?” - nhà văn viết. “Chỉ riêng sự thay đổi đó thôi đã đủ để các bậc phụ huynh mỉm cười, để các nhà văn hóa bớt băn khoăn than thở “văn hóa đọc đang xuống cấp”.
Đi xuống rồi lại... đi lên và được đề xuất “tích hợp” vào tục mừng tuổi truyền thống, dường như câu chuyện về tặng sách ngày Tết cũng gắn với quy luật vận hành của xã hội: Sau thời gian phát triển kinh tế và tiếp thu các yếu tố văn hóa hiện đại, cũng tới lúc chúng ta lại nhận ra sự cần thiết của những giá trị văn hóa truyền thống và cơ bản nhất.
***
Ước mơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (và của vô vàn phụ huynh khác) về việc trẻ em sẽ đòi sách thay cho tiền mừng tuổi, là không xa vời. Nhưng, thay vì bó hẹp trong câu chuyện ở một số gia đình, việc “nhân rộng” ước mơ ấy tới mọi trẻ em chắc chắn sẽ còn phải trải qua một chặng đường dài. Nó cũng giống như lời ao ước có phần lãng mạn mà nhiều chuyên gia từng nhắc tới, rằng đến một ngày, trong những món quà Tết mà người lớn biếu tặng nhau, sách cũng sẽ... lên ngôi.
Bởi, bên cạnh sự chi phối của thói quen và nhu cầu thực tế, sự chuyển đổi đầy tích cực ấy còn phần nào phải phụ thuộc vào chính tư duy của những đơn vị xuất bản. Đó là câu chuyện về hệ thống phát hành đủ mạnh để vươn tới tại mọi địa điểm - đặc biệt là ở những vùng quê xa; là những đầu sách được tổ chức rất bài bản cho mọi lứa tuổi thiếu nhi để phụ huynh dễ dàng lựa chọn. Và thậm chí, nội dung gắn với việc “mừng tuổi” đầu Xuân, cũng như hình thức đẹp, bắt mắt với đầy đủ kiểu dáng của một túi quà hay phong bao lì xì cho những cuốn sách này cũng cần được tính đến.
Thực tế, vài năm gần đây, một số nhà sách cũng đã bước đầu triển khai thực hiện những “túi quà” hay combo sách tặng năm mới theo cách này. Nhưng chừng đó vẫn là khá khiêm tốn, so với giấc mơ của chúng ta về một thị trường đủ lớn cho trào lưu lì xì bằng sách.
Để giấc mơ ấy đến gần hơn, có lẽ, ta hãy chủ động bỏ thời gian để làm một công việc không mấy phức tạp: Chọn một vài cuốn sách, ghi những lời chúc Tết ý nghĩa và tặng cho con trẻ. “Gieo mầm” bằng sự quan tâm và tình yêu thương, quả ngọt cho văn hóa đọc rồi sẽ đến - dù nó không thể là chuyện của một sớm một chiều.
Cúc Đường
Tags