(Thethaovanhoa.vn) - Người hùng, lãng mạn hay loạn óc? Người ta tìm được xác của Christopher McCandless ở vùng Alaska hoang dã. Trước đó McCandless có một cuộc hành trình dài hai năm ngang dọc Hoa Kỳ - để tìm tự do?
1992
Đây là thời điểm mà lắm người đã quên hẳn khái niệm hippie, vốn để chỉ một phong trào thanh niên đi tìm cuộc sống tràn ngập tình yêu và hòa bình theo hình dung riêng của mình. Cũng đã khá mờ nhạt một Bob Dylan với Blowin’ In The Wind “Đại bác phải được bắn bao nhiêu lần, trước khi nó bị cấm vĩnh viễn? Mạng sống phải tước đi bao nhiêu cho đủ trước khi người ta biết đã có quá nhiều người chết?”. Nhưng ngày ấy cũng như mãi mãi về sau, cuộc đời luôn sặc sỡ đủ màu nhờ những người bơi ngược dòng, bởi không có gì nhàm chán hay man rợ hơn một xã hội đều bước như duyệt binh. Họ không làm gì phương hại đến ai, không ganh đua với thời cuộc, chỉ muốn sống theo ý mình.
Một trong những kẻ xa lánh dòng chảy chính của cuộc đời như thế tên là Christopher McCandless, người California. Khi người ta tìm thấy xác anh trong chiếc xe bus bỏ quên hoen gỉ trên một ngọn đồi cạnh tuyến Stampede Trail, anh mới sống 24 năm trên thế gian này. Sườn xe gắn mảnh giấy với mấy dòng nguệch ngoạc: “Cứu tôi với!”.
Mọi trợ giúp đều quá muộn. McCandless đã đi tìm và tìm thấy sự cô đơn thanh thản.
Đương đầu với thiên nhiên
Nhưng số phận của anh làm lay động hàng triệu người trên thế giới. Báo, sách, phim tài liệu và phim truyện tranh nhau đưa tin về chuyến đi xuyên 15 tiểu bang Mỹ của anh. Nhiều nhạc phẩm về con người phiêu lưu ấy ra đời. Một số đại học đưa tiểu sử McCandless vào phần tài liệu đọc bắt buộc. Chiếc xe bus, nơi McCandless từ giã cuộc đời, nay trở thành đích hành hương của đông đảo người hâm mộ từ khắp thế giới.
Trong chiếc xe ấy đã chấm dứt một chuyến du hành được khởi đầu trước đó hai năm ở Atlanta. Tháng 6/1990, sau khi tốt nghiệp đại học, một chàng trai 22 tuổi khoác ba lô ra đi. Toàn bộ tiền tiết kiệm của mình, McCandless gửi tặng một tổ chức từ thiện. Cả gia đình anh không được báo một lời nào.
McCandless là người tôn thờ Lev Tolstoy, Jack London và Henry David Thoreau, những nhân sĩ phản đối xã hội tư bản mà các đại biểu của nó luôn hiện diện trong nhà anh: McCandless luôn xung khắc với cha mẹ vì cho rằng họ tôn thờ vật chất và sống đạo đức giả. Cuộc đào thoát khỏi môi trường đó có lẽ là lựa chọn duy nhất. McCandless viết nhật ký và chụp ảnh trên mỗi chặng đường. Những bức ảnh chụp cùng dân lang thang, thợ săn, hippie, nông dân… và nhật ký chứa chan yêu đời: “Điều thực sự quan trọng là những kinh nghiệm và niềm vui tột bậc chan chứa trong lòng khi được tận hưởng từng chân tơ kẽ tóc của cuộc sống. Ơn Chúa, cuộc đời quá đẹp, ơn Chúa!”.
Là một người hoàn toàn ngây thơ và thiếu kinh nghiệm, đã vài lần anh may mắn thoát khỏi nanh vuốt thần chết. McCandless kiếm sống bằng công việc ở các quán ăn nhanh và nông trại, không trụ lại nơi nào quá hai tháng. Anh luôn trao đổi thư từ với những người đã gặp, chỉ không khi nào liên lạc với gia đình mình. “Tôi luôn hiểu vì sao cậu ấy bỏ đi”, chị gái McCandless kể lại hôm nay.
Tay không đi ra thế giới
Tháng 2/1991, nhật ký của McCandless ghi lại: “Phải chăng ta vẫn là Alex của ngày khởi hành 1990? Thiếu ăn và gian khổ trên đường đã lấy đi 12 kg trọng lượng. Nhưng tâm trạng thì tuyệt đỉnh”.
Sau hai năm lặn lội trên mọi ngả đường, McCandless đến với thiên nhiên hoang dã của Alaska, nơi anh mong đợi sẽ tìm được cuộc sống như ở dạng khởi thủy trong trẻo của nó. Anh không đem theo la bàn, bản đồ hay một cây rìu. Hầu như anh không có trang bị gì ngoài một khẩu súng nhỏ và chiếc ba lô đựng hơn một chục quyển sách khi bước chân vào thế giới mà ngoài thợ săn có lẽ ít người ham thích. McCandless tự đi tìm mảnh đất lạ của riêng mình, không được đánh dấu trên bản đồ nào. Để sống sót ở xứ thù nghịch ấy, McCandless phải đi săn bắn sóc, nhím và hái dâu dại trong rừng. Đói bụng là tình trạng thường trực. Anh gầy rộc đi và bắt đầu tìm đường rút lui.
Nhưng những con đường mùa Đông ngập tuyết giờ đã biến thành hàng trăm con suối chảy xiết. Sông Teklanika hồi tháng 4 anh còn dễ dàng lội qua, giờ đây tải đầy nước tuyết tan và trở thành thảm họa định mệnh cho McCandless. Anh tuyệt vọng quay về và ghi vào nhật ký: “Không thể qua sông. Cô đơn và sợ hãi”.
Trong mắt người đời
Giá mà McCandless có bản đồ trong tay thì anh chỉ cần đi ngược dòng sông chừng 10 dặm, sẽ gặp một dây tời để bám vào qua sông. Cho đến nay nhiều người trách McCandless uổng công chống chọi với thiên nhiên cũng như ấp ủ một tinh thần lãng mạn ngớ ngẩn. Những người hâm mộ McCandless thì tôn vinh anh như một anh hùng khai sơn phá thạch, dám cô đơn đi tìm mảnh đất không người cuối cùng của lục địa Bắc Mỹ, họ khâm phục ý chí sắt đá và lý tưởng không thể bị bẻ gãy của anh. Jon Krakauer trong cuốn best-seller về cuộc đời McCandless, nói: “McCandless không phải là một kẻ mộng du nào đó, anh muốn sống, sống một cách mãnh liệt như có thể, và biết phải sống để làm gì”.
Ngày 30/7/1992 McCandless ghi nhật ký: “Cực kỳ yếu. Hầu như không đi nổi. Sắp chết đói”.
Sáu ngày sau: “Tôi đã ở đây tròn 100 ngày! Không thể chối là cái chết đang đến. Không đủ sức đi khỏi đây. Không săn được thú rừng nào”.
12/8: “Dâu xanh tuyệt đẹp!”.
18/8, ngày thứ 113 từ khi đặt chân đến Alaska...
Rồi nhật ký chấm dứt.
Tháng 9, khi một thợ săn nai tìm thấy McCandless trong xe bus thì xác anh chỉ nặng có 33 kg. Bên cạnh đó là vài cuộn phim chưa tráng. Trong bức ảnh cuối cùng, anh giơ một tờ giấy vào ống kính: “Tôi đã sống hạnh phúc và cảm ơn Chúa tận đáy lòng. Vĩnh biệt tất cả. Chúa phù hộ mọi người!”.
Chiếc xe bus hoen gỉ vẫn còn đó, mỗi năm hàng ngàn người lặn lội tới đây để thăm nơi ở trong bốn tháng cuối đời McCandless. Trong xe chi chít những dòng lưu niệm. Có lẽ dòng ấn tượng nhất do chính tay Christopher McCandless rạch lên một miếng gỗ: “Trên đường trốn chất độc của nền văn minh, anh ta đã một mình xuyên qua đất nước, để biến mất trong xứ hoang dã”.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags