Giấc mộng... son

Thứ Tư, 01/10/2014 19:36 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Bé xíu mà gây lắm chuyện, nó là kẻ rủ rê, là cứu tinh sau một đêm mệt mỏi, là động lực cho ngày mới, là nguyên nhân ly dị và trăm thứ khác nữa. Mặc cho người ta say mê hay dè bỉu, nó tồn tại đã 130 năm và chưa hề có dấu hiệu mệt mỏi.  

Nó giúp phụ nữ thu hút mọi ánh mắt xung quanh. Khi thì nó làm cặp môi mọng lên quyến rũ, lúc khác nó để lại dấu trên cổ sơ mi làm tan nát hạnh phúc gia đình. Dĩ nhiên là thỏi son vô can, chỉ có người va chạm vào nó là có vấn đề, hoặc niềm vui, tùy trường hợp.   

Cái thỏi son

Mới thế mà đã 130 năm. Ở triển lãm thế giới EXPO Amsterdam 1883, một nhà sản xuất nước hoa Pháp khiến khách khứa băn khoăn với sản phẩm của mình. Vậy mà chưa bao lâu sau, son môi đã chiếm lĩnh thế giới, thế giới của phái đẹp. Nhắc đến sinh nhật thứ 130 hôm nay kỳ thực không chính xác lắm, vì từ thuở hồng hoang con người đã biết tô môi cho thắm, với cả trăm lý do bên cạnh ý chí muốn làm đẹp.


Môi son quyến rũ

Người Ai Cập, cả đàn ông lẫn đàn bà, dùng khúc sậy vẽ một loại sáp sền sệt từ bột xích-đan (khoáng chất Cinnabarit) có màu đỏ cam lên môi, với niềm tin sẽ giống như thánh thần. Thời Hy Lạp cổ đại thì môi đỏ lại dùng để phân biệt giai tầng trong xã hội: chỉ có gái bán hoa mới dùng son. Còn ở La Mã thì chỉ các phụ nữ quyền quý mới tô môi đỏ để phân biệt với đám hạ dân. Màu đỏ của những thỏi son đầu tiên đã mang hàm ý muốn nổi bật, bất kể trong vẻ đẹp hay chỉ thể hiện quyền lực, gây hấn hoặc đơn giản muốn khêu gợi. “Trông đây! Ta là ta chứ không phải đám hạ tiện xung quanh!”.

Hoàng hậu Elizabeth đệ nhất hồi thế kỷ 16 dùng son chế từ nhựa cây, lòng trắng trứng và... một loại côn trùng giã nhỏ (nhân thể nói thêm, “yên chi trùng” trong tiếng Hán có âm hưởng cao sang, dịch sang tiếng ta chỉ đơn giản là “bọ phấn thoa mặt” hay nôm na mách qué nữa là “rệp son”). Trên nền da nhợt nhạt của bà, màu đỏ vô cùng nổi bật và biến thành tiêu chuẩn sắc đẹp cho cả thế kỷ. Đến thời Rokoko thì khuôn mặt lòe loẹt đã thành đỉnh cao của nghệ thuật thẩm mỹ, cả phái mạnh lẫn phái yếu đều sục vào thùng màu để nhuộm lông mày lông mi, bôi bự phấn son đủ kiểu.

Tommaso Campanella  

... Là một triết gia Ý mà hôm nay hầu như không ai biết tên, nhưng ông từng nổi tiếng với một tiểu luận hồi năm 1602, trong đó ông đòi “tử hình lũ đàn bà trát phấn son lên mặt để hòng làm đẹp”! Nghị viện Anh quốc năm 1770 thì nhân đạo hơn khi ra nghị quyết trừng phạt phụ nữ nào tô môi son để quyến rũ đàn ông, cụ thể là nếu cô dâu tô môi son trong đám cưới thì sau này lễ thành hôn đó có thể bị hủy. Ngay cả giới khoa học cũng chẳng chịu đứng ngoài cuộc tranh luận và đưa ra luận chứng về tác hại của son cho sức khỏe vật lý và tâm lý.     


“Cây gậy phù thủy của thần ái tình” của nữ diễn viên Pháp Sarah Bernhardt

Nữ hoàng Nga Ekaterina đệ nhị nghe lời ngự y và quay sang với biện pháp làm đẹp tự nhiên, nói theo cách hôm nay là “thân thiện với môi trường” - bà sai các thị nữ mút hoặc cắn khẽ vào môi mình cho thắm lên! Nhất định sẽ có người tiếc rẻ, giá mà phương pháp này còn được truyền đến hôm nay...

Cách mạng Pháp 1789-1799, vốn được coi là biến cố nặng nề nhất trong lịch sử châu Âu cận đại, cũng để lại hệ quả cho công nghệ trang điểm dung nhan: ai thoa son phấn, sẽ bị coi là thuộc về giai cấp tư sản, và trong trường hợp bất lợi nhất sẽ được điệu lên máy chém!       

Một thế kỷ sau, phái đẹp có thể thở phào. Nhà sản xuất nước hoa không phải lo rơi đầu khi trưng bày phát kiến của mình ở Amsterdam (Hà Lan). Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan, hiếm ai có cảm tình với cái thỏi “saucisse“ (xúc xích) nhẽo nhoẹt mà đắt đỏ nọ. Cứu tinh xuất hiện dưới cái tên Sarah Bernhardt, một nữ diễn viên Pháp; bà dựng đứng nó lên để trao cho danh hiệu “cây gậy phù thủy của thần ái tình” và công khai tô môi trước bàn dân thiên hạ đầy vẻ khêu gợi. Và không thể khác: vụ xì-căng-đan đầy nhục dục đó đã khiến thỏi son nổi tiếng.


Ca sĩ Christina Aguilera trong một cuộc liên hoan ở Beverly Hills 

Đầu những năm 1990

... Hãng mỹ phẩm Guerlain nhét mẩu “xúc xích” đó vào một ống bạc tráng men cực kỳ tiện dụng, phát minh này được coi là cú đột phá quan trọng nhất trong sự nghiệp son phấn, chỉ có thể sánh với sáng tạo của Maybelline - loại son không nhòe.

Kể từ đó, son môi rũ bỏ được tai tiếng lẳng lơ để trở thành biểu tượng cho quyền tự quyết và sự giải phóng phụ nữ theo đúng tinh thần thời đại. Cũng vào thời ấy xuất hiện lần đầu khái niệm “Suffragette” để chỉ phụ nữ đấu tranh vì nữ quyền. Trong cuộc diễu hành năm 1912 qua New York, các “Suffragette” nhất loạt tô môi đỏ chót.

Thế chiến 2, sự cố lịch sử bi thảm của nhân loại, gắn thêm cho thỏi “xúc xích” công năng ái quốc: màu son không đơn giản chỉ là đỏ mà còn “Victory Red” (đỏ chiến thắng) hay “Patriot Red” (đỏ yêu nước). Năm 1939, khi ngành công nghiệp Anh quốc bắt buộc ngừng sản xuất mỹ phẩm để dồn sức chế tạo quân nhu, nữ công nhân đột ngột giảm tinh thần lao động, khiến Bộ Quốc phòng Anh vội vã tái khởi động dây chuyền làm son. Ở Đức, đế chế Quốc xã lạnh nhạt với mỹ phẩm, coi nó như sự lãng phí vô ích. Liệu có phải một phần vì thế mà phát xít Đức đại bại trước phe Đồng minh năm 1945?

Năm 1949 đánh dấu phát minh mới của người Mỹ: người ta có thể xoay ống son để đẩy thỏi màu lên, và thế là cuộc chinh phục thế giới của nó không còn gì cản nổi - bất chấp làn sóng Hippie thập niên 1960 tôn vinh mặt mộc lẫn sự phản đối thí nghiệm động vật của phe sinh thái, phớt lờ cả khuyến cáo của bác sĩ về hóa chất độc hại trong đó.

Hôm nay son không còn chỉ là son, mà là sản phẩm công nghệ cao. Nó chứa polymere bảo đảm dai bền, hạt tạo hiệu ứng lấp lánh, hoặc cả những hóa chất bảo đảm cho mỗi lần mím môi lại ra một màu mới! Có trời biết công nghiệp mỹ phẩm sẽ còn phát minh thêm gì nữa. Thay vì ban đầu chỉ có sắc đỏ, tím, nâu, hôm nay son tỏa những màu mà phái đẹp cũng phải đem theo từ điển để tra trước khi mua: Dance Floor Rouge, Rum Kiss, Walk the Catwalk Brown, Pink in the Limo, Strawbaby, Deep Love, Film Noir...

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›