(Thethaovanhoa.vn) - Hàng loạt quốc gia châu Âu đưa ra quy định mới gắn việc trình giấy chứng nhận an toàn với COVID-19 (đã tiêm chủng, đã miễn dịch sau khi mắc bệnh hay có xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2) để cho phép người dân tham gia các hoạt động công cộng hay đi làm.
Nhiều nước châu Á nới lỏng thêm các biện pháp để thích ứng lâu dài với dịch bệnh. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chú trọng phát triển kinh tế số để từng bước nối lại hoạt động sản xuất và dịch vụ, đẩy nhanh phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp diễn. Cso thể nói, nổi bật nhất trong bức tranh toàn cảnh thế giới chống dịch 7 ngày qua chính là những nỗ lực tìm kiếm, thử nghiệm và điều chỉnh các kế hoạch, giải pháp để có thể dần khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới, song song với thực hiện mục tiêu kiểm soát tình trạng lây nhiễm.
Những động thái này diễn ra khi các nước trên thế giới đã xác định thích ứng an toàn và lâu dài với dịch bệnh là xu thế khó đảo ngược trước sự xuất hiện ngày càng nhiều các biến thể cũng như tốc độ lây lan nhanh chóng của các biến thể. Mặc dù tốc độ tiêm chủng vaccine đã được đẩy nhanh ở nhiều khu vực, song số ca mắc và tử vong vì COVID-19 trên toàn cầu vẫn ở mức cao. Trong tuần tính đến hết ngày 18/9, chỉ có khu vực châu Á và châu Phi chứng kiến số ca mắc và tử vong giảm mạnh so với tuần trước đó (châu Á lần lượt giảm 11% và 13%; châu Phi là 20% và 13%). Các khu vực châu Âu và Bắc Mỹ số ca mắc mới giảm không đáng kể trong khi số ca tử vong lại tăng so với tuần trước. Thậm chí khu vực châu Đại dương tuần qua số ca mắc và tử vong tăng mạnh.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh tại từng khu vực vẫn có những diễn biến khó lường. Đơn cử như ở châu Á, dù tuần qua số ca mắc và tử vong giảm, song tình hình dịch tại một số nước lại có dấu hiệu phức tạp. Tỉnh Phúc Kiến (Fujian) trở thành điểm nóng trong đợt bùng phát mới nhất tại Trung Quốc, liên tiếp ghi nhận khoảng 50 ca mắc mới mỗi ngày trong tuần qua, khi nước này chuẩn bị đón Tết Trung thu và kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.
Hàn Quốc cũng chứng kiến tình trạng lây nhiễm phức tạp, số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày đã quay lại mốc 2.000 ca.
Campuchia phát hiện 23 học sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 chỉ 2 ngày sau khi đa số các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn thủ đô mở cửa trở lại sau hơn 7 tháng đóng cửa. Lào ngày 18/9 ghi nhận ngày có số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay, 466 ca. Nghiêm trọng nhất là ổ dịch tại một nhà máy may mặc ở thủ đô Viêng Chăn khi có tới 247 công nhân cho kết quả dương tính trong 24 giờ.
Thực tế này đang chứng minh cảnh báo của Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan, cho rằng khả năng cao thế giới sẽ không thể xóa bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2. Cố vấn dịch bệnh hàng đầu của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci, cũng cảnh báo thế giới sẽ phải sống chung với COVID-19 mãi mãi, giống như với bệnh cúm. Điều đó đang khiến các nước phải tìm kiếm những giải pháp phù hợp để vừa chống dịch, vừa khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để COVID-19 làm đứt gãy nền kinh tế, mà trước hết tập trung đảm bảo nguồn lực lao động trong đại dịch.
Tiêm vaccine cho người lao động để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn sống chung với COVID-19 đang được đặc biệt quan tâm. Mỹ, Pháp, Italy là 3 trong số nhiều nước đang áp dụng quy định tiêm chủng hay “thẻ xanh” COVID-19 đối với lực lượng lao động. Các công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất… cũng khuyến khích nhân viên tiêm vaccine, coi đây là giải pháp vừa đảm bảo sức khỏe của người lao động vừa giúp đưa hoạt động sản xuất bình thường trở lại.
- Dịch Covid-19 thế giới đến sáng 19/9: Châu Á là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất
- Vụ 57 trẻ dưới 18 tuổi tiêm vaccine phòng Covid-19: Kỷ luật cảnh cáo Giám đốc Trung tâm Y tế quận
- WHO dự báo thời điểm thế giới có thể chấm dứt đại dịch Covid-19
Mỹ vừa ban hành quy định bắt buộc hầu hết nhân viên nhà nước phải tiêm vaccine ngừa COVID-19, đồng thời yêu cầu tất cả các doanh nghiệp có 100 nhân viên trở lên phải đảm bảo người lao động của họ được tiêm chủng hoặc xét nghiệm mỗi tuần một lần. Các công ty có thể phải đối mặt với hàng nghìn USD tiền phạt cho mỗi nhân viên nếu họ không tuân thủ. Mỹ cũng đang cân nhắc tập trung nâng cao các dịch vụ mầm non, chăm sóc trẻ em để các bậc phụ huynh an tâm làm việc.
Trong khi đó, Hãng hàng không United Airlines của Mỹ đã đặt hạn chót 27/9, yêu cầu toàn bộ nhân viên phải tiêm vaccine phòng COVID-19. Những người không tiêm vaccine sẽ tạm thời nghỉ phép không lương kể từ ngày 2/10.
Italy tuần qua đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) quy định thẻ xanh là bắt buộc đối với tất cả những người lao động. Ngày 16/9, Chính phủ Italy đã phê chuẩn sắc lệnh mới, bắt buộc tất cả các nhân viên công vụ và những người lao động trong khu vực tư nhân tại nơi làm việc phải xuất trình thẻ xanh, bằng chứng về việc người đó đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc phục hồi sau khi mắc COVID-19. Bất kỳ người lao động nào không xuất trình được thẻ xanh sẽ bị đình chỉ làm việc không lương. Những người phớt lờ sắc lệnh trên sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt từ 600-1.500 euro (705-1.175 USD).
Tại châu Á, vốn được xem là “công xưởng” của thế giới, các giải pháp nhằm không làm đứt gãy nguồn nhân lực càng được chú trọng khi tình trạng một số nhà máy ở châu Á ngừng hoạt động đã gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ ngày 17/9, Malaysia cho phép thêm nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động trở lại. Tuy nhiên, ở giai đoạn I, chỉ những doanh nghiệp có toàn bộ người lao động đã được tiêm phòng mới được hoạt động 100% công suất. Các doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động 60% công suất nếu có 40% số nhân viên đã hoàn thành tiêm chủng. Người lao động được chia thành hai nhóm để luân phiên đi làm và nghỉ ngơi theo định kỳ 2 tuần.
Như nhà sản xuất hàng may mặc Asia Brands Berhad, để tuân thủ giới hạn nhân lực hoạt động, công ty đã cho luân phiên ca làm việc của công nhân để đảm bảo tất cả mọi người đều có mặt tại dây chuyền; trong khi những người làm bộ phận hành chính chủ yếu làm việc ở nhà. Asia Brands Berhad cũng thúc đẩy chuyển đổi số bằng cách bắt đầu chuyển sang quy trình tự động hoá dây chuyền sản xuất thay vì phụ thuộc nhiều vào lực lượng lao động.
Thái Lan đã thí điểm mô hình “Hộp cát nhà máy”, theo đó tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2, tiêm vaccine và cách ly công nhân tại các nhà máy để duy trì hoạt động, hạn chế gián đoạn các ngành sản xuất. Chương trình tập trung vào các nhà máy lớn sản xuất những mặt hàng như ôtô, thiết bị điện tử, thực phẩm, thiết bị y tế để xuất khẩu ở những tỉnh công nghiệp trọng điểm. Để tham gia chương trình, nhà máy phải có ít nhất 500 công nhân, một bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở cách ly, và dịch vụ đưa đón nhân viên.
Mô hình của Thái Lan được đánh giá có nhiều nét tương đồng với mô hình "3 tại chỗ" (công nhân sản xuất-ăn-nghỉ tại chỗ), kết hợp “1 cung đường - 2 địa điểm” (người lao động chỉ lưu thông trên 1 cung đường nối 2 địa điểm là nơi làm việc và nơi lưu trú tập trung), đã được triển khai tại nhiều nhà máy, khu công nghiệp ở những địa phương có dịch COVID-19 tại Việt Nam. Philippines đang xem xét áp dụng "bong bóng vaccine" cho nơi làm việc để bảo đảm duy trì lực lượng lao động, đồng thời phong tỏa theo vùng nhằm cho phép doanh nghiệp mở cửa trở lại và hạn chế tình trạng thiếu hụt nhân công lao động.
Nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động nước ngoài do ảnh hưởng của đại dịch, một số nước đã điều chỉnh chính sách liên quan. Australia thông báo triển khai áp dụng một loại thị thực mới dành cho người lao động nước ngoài trong ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp và chế biến thịt. Thị thực sẽ được cấp cho những người lao động nộp đơn từ một loạt các quốc gia thông qua các thỏa thuận song phương giữa Australia với từng nước theo các điều kiện được công bố và thực hiện trong vòng 3 năm sau khi thị thực được áp dụng.
Thái Lan cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu lao động nhập cư trở lại sau khi trả chi phí liên quan đến giám sát COVID-19. Việc làm của các công dân Myanmar, Lào và Campuchia sẽ được đảm bảo theo biên bản ghi nhớ đã ký với các nước tương ứng, như một phần trong nỗ lực lấp đầy khoảng trống tạo ra khi những người lao động trở về nước do dịch COVID-19.
Singapore ngày 17/9 thông báo tiêu chuẩn mới cho khu nhà ở của lao động nhập cư, với mục tiêu giảm nguy cơ lây lan các căn bệnh truyền nhiễm và cải thiện điều kiện sinh hoạt sau khi các cơ sở cư trú này hứng chịu một đợt dịch COVID-19 lớn trong năm 2020. Các tiêu chuẩn mới gồm mật độ có giới hạn, có nhà vệ sinh riêng, thông gió tốt hơn và phân chia các khu vực chung, phòng ở rộng hơn và có wifi. Chính phủ Singapore cũng có kế hoạch xây dựng 2 khu nhà mới cho lao động nước ngoài với ít nhất 12.500 giường sẽ sẵn sàng đưa vào sử dụng sau khoảng 3 năm.
Có thể thấy, trong bối cảnh thế giới chưa thể khống chế tuyệt đối COVID-19, để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, các nước đều đang tập trung thúc đẩy các nỗ lực để không làm đứt gãy nguồn lao động, và tiêm chủng được coi là giải pháp mang tính bền vững. Bên cạnh đó, như nhận định của nhà kinh tế Yeah Kim thuộc Đại học Sunway (Malaysia), trong khi COVID-19 là yếu tố thúc đẩy các nhà sản xuất áp dụng các công nghệ tiết kiệm lao động, các chính phủ có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu này với những “củ cà rốt” lớn hơn như tài chính chi phí thấp, hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển và áp dụng công nghệ mới.
Cùng chung quan điểm, bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng đại dịch khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới và nâng cấp mô hình sản xuất kinh doanh như tự động hóa một số chức năng nhất định, khuyến khích số hóa và sử dụng các nền tảng trực tuyến. Điều này càng phù hợp với những nền kinh tế đang phát triển, nơi tỷ lệ bao phủ vaccine chưa cao. Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53 (AEM 53) diễn ra tuần trước, các nước ASEAN đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy áp dụng mô hình kinh tế số bền vững để có thể giúp khu vực từng bước khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội nhanh chóng và mạnh mẽ hơn. Đó cũng là giải pháp có thể “gỡ khó” cho doanh nghiệp trước “bài toán” nguồn nhân lực trong đại dịch.
Phương Oanh - TTXVN
Tags