Hiện nay, nhiều người dân vẫn có cái nhìn định kiến về chính sách bảo hiểm xã hội. Vậy làm sao để bảo hiểm xã hội trở nên “hấp dẫn” hơn, từ đó không chỉ khuyến khích người dân tham gia tự nguyện mà còn giữ chân họ ở lại với hệ thống an sinh này, yên tâm lao động, sản xuất là bài toán cần lời giải.
Luật Bảo hiểm xã hội cần linh hoạt, đa dạng
Mới đây, tại Hội thảo đối thoại về chính sách bảo hiểm xã hội với cán bộ Công đoàn và người sử dụng lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tới đây cần được tiến hành đồng bộ, toàn diện và “trọn gói”. Theo ông Lê Đình Quảng, hệ thống bảo hiểm xã hội cần được hoàn thiện theo hướng “linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế”. Việc điều chỉnh cách tính lương hưu cần theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Thạc sĩ Đoàn Công Yên, giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên nhưng chưa đủ tuổi để hưởng chế độ hưu trí hằng tháng. Cụ thể, khi họ gặp khó khăn về tài chính, Nhà nước nên có hỗ trợ về tài chính cho người lao động dựa trên quá trình đóng bảo hiểm xã hội của họ. Biện pháp này giúp người lao động giải quyết được khó khăn tạm thời và không cần phải rút bảo hiểm xã hội một lần.
Bên cạnh đó, Nhà nước nên điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng tăng chế độ an sinh xã hội đối với những người phụ thuộc của người lao động, đặc biệt là trẻ em và người già. Điều này vừa giúp giảm khó khăn về kinh tế cho người lao động vừa giúp họ nhận thấy rõ hơn ý nghĩa khi duy trì tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài thay vì rút bảo hiểm xã hội một lần.
Ở góc độ người lao động, chị Lê Thị Huyền (ngụ Quận 4) cho rằng, chính sách bảo hiểm xã hội nên linh hoạt hơn, giảm bớt thời gian đóng bảo hiểm cũng như độ tuổi để được hưởng lương hưu.
“Tại sao người lao động lại rút bảo hiểm xã hội một lần một cách ồ ạt? Các cơ quan chức năng cần tìm đúng những nguyên nhân và giải quyết cái gốc của nguyên nhân đó”, anh Hồ Nguyên Khang (ngụ Quận 7) chia sẻ quan điểm.
Nhiều người lao động đề xuất, Nhà nước cần thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội đồng bộ để vừa có thể thu hút người tham gia tự nguyện vừa hạn chế tình trạng nhận bảo hiểm xã hội một lần. Ngoài ra, các chính sách bảo trợ xã hội đi kèm như được ở nhà ở xã hội, viện dưỡng lão… hay có hệ thống hưu trí hoặc trợ cấp đa tầng cần được bổ sung để khuyến khích người dân.
Hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống
Cùng với những thay đổi trong chính sách, chuyên gia lao động - việc làm cho rằng, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ thiết thực, sát sườn đối với đời sống của người lao động để họ yên tâm lao động sản xuất và tham gia bảo hiểm xã hội. Thực tế, nhiều doanh nghiệp có giải pháp hỗ trợ người lao động của mình ngay cả trong và sau dịch COVID-19.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) đã có nhiều giải pháp giữ chân, hỗ trợ người lao động trong và sau dịch COVID-19. Người lao động tạm ngưng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh được hỗ trợ mức lương tối thiểu vùng. Người lao động mắc COVID-19, điều trị, cách ly đều được tổ chức Công đoàn chăm lo, hỗ trợ. Mới đây, Công ty tặng 1.302 chỉ vàng cho người lao động (mỗi người một chỉ vàng) có thời gian làm việc 15 năm trở lên nhằm tri ân đóng góp của họ cho doanh nghiệp nhân dịp Tháng Công nhân năm 2022.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng vẫn bảo đảm thưởng Tết, tăng lương, cải thiện bữa ăn giữa ca, hỗ trợ chi phí thuê nhà và trợ cấp cho công nhân khó khăn. Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, nguyên Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, việc doanh nghiệp đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo tốt cho công nhân lao động trong thời điểm khó khăn là điều đáng trân trọng. Đây cũng là động thái giữ chân người lao động trong bối cảnh thành phố thiếu hụt nguồn nhân lực do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
- Giải bài toán rút bảo hiểm xã hội một lần: Giải quyết khó khăn trước mắt
- Sớm gỡ vướng thủ tục để F0 được hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội
- Quy định mức đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Không đứng ngoài cuộc, Liên đoàn Lao động thành phố triển khai nhiều chương trình, gói an sinh để chăm lo, hỗ trợ, động viên người lao động, giúp họ có tâm lý vững vàng vượt qua những khó khăn thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điển hình như gói hỗ trợ chăm lo cho hàng trăm ngàn đoàn viên Công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động…bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Song song đó, Liên đoàn Lao động thành phố chỉ đạo Tổ chức tài chính vi mô CEP áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ, chăm lo cho công nhân lao động như hỗ trợ khẩn cấp, giảm lãi suất, miễn lãi, các chương trình CEP chia sẻ yêu thương… để giúp người lao động vượt qua khó khăn trước mắt.
Đặc biệt, trong Tháng Công nhân năm nay, các cấp Công đoàn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo thiết thực, hiệu quả cho người lao động như thăm hỏi, tặng quà công nhân bị tai nạn lao động, trao “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên Công đoàn, công nhân viên chức lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các cấp Công đoàn triển khai hoạt động kết nối, giới thiệu, tạo cơ hội việc làm, học nghề, đảm bảo việc làm bền vững và thu nhập cho đoàn viên Công đoàn, người lao động.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố cho hay, một trong những định hướng lớn trong Tháng Công nhân năm nay là chăm lo cho công nhân viên chức lao động, trong đó đặc biệt chú ý lao động bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. Việc chăm lo không giao chỉ tiêu mà rà soát các đối tượng khó khăn để có hoạt động hỗ trợ thiết thực. Không chỉ Tháng Công nhân, hoạt động chăm lo thực hiện xuyên suốt để người lao động yên tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Thanh Vũ - Đinh Hằng/TTXVN
Tags