(Thethaovanhoa.vn) - Từ chợ Mơ đi về... phố cổ, từ một bức tranh cổ động của quá khứ đến một tác phẩm nghệ thuật được tái hiện lại trong bối cảnh đương đại, đó là một chuỗi những hành động và ý tưởng nối tiếp nhau mà cộng đồng những người làm nghệ thuật đã tự nguyện đưa ra để “giải cứu” và phát huy giá trị tác phẩm của cố họa sĩ Trường Sinh. Những ý tưởng này đã được đề cử Giải Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội của Giải Bùi Xuân Phái lần 13 - 2020.
1. Tất cả được bắt đầu từ thời điểm gần cuối năm 2019, khi một số ngôi nhà gần chợ Mơ (ngã tư Bạch Mai - Minh Khai) bắt đầu được phá dỡ để mở rộng đường vành đai 2. Và dư luận liên tục nhắc tới 2 bức tranh cổ động nằm trên mặt tường chợ Mơ, vốn cũng thuộc phần diện tích đã được quy hoạch phá dỡ trong dự án.
Trong 2 bức tranh, một bức là tranh ghép gốm với hình ảnh một phụ nữ mặc áo dài như đang bay lên cạnh Tháp Rùa. Bức thứ hai là một phù điêu đắp nổi với các nhân vật được thể hiện tinh thần đoàn kết công – nông - trí. Tất cả đều được thực hiện bởi cố họa sĩ Trường Sinh - một chuyên gia về tranh cổ động - vào các năm 1981 và 1982, nghĩa là khoảng gần 40 năm trước đây.
Rất nhiều chuyên gia về điêu khắc và đô thị đã lập tức bày tỏ sự băn khoăn trước khả năng này. Đó không chỉ là câu chuyện về cảm giác tiếc nuối trước sự mất đi của 2 bức tranh vốn là vật chứng của một giai đoạn lịch sử - cả về phong cách, chất liệu, ý tưởng và những cột mốc thời gian đi cùng.
Xa hơn, như các phân tích, bên cạnh những ràng buộc khi phục vụ mục tiêu tuyên truyền, bản thân các bức tranh này cũng chính là những tác phẩm nghệ thuật, gửi kèm theo sự bay bổng và trong trẻo, với những giấc mơ rất duyên dáng và lãng mạn của người Hà Nội trong thời kỳ gian khó.
Trong vô vàn những ý kiến chia sẻ về câu chuyện ấy, không ai có thể bỏ qua một cái tên: Martin Rama, Giám đốc Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ông chính là người từng giành giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2014 của báo Thể thao &Văn hóa với cuốn sách ảnh Hà Nội, một chốn rong chơi của mình.
“Chỉ trong một vài mét vuông, tranh tường của họa sĩ Trường Sinh cô đọng cả một giai đoạn quan trọng trong lịch sử thành phố” - ông nói - “Vì sự kính trọng dành cho thế hệ đi trước và những hy sinh mà họ đã phải chịu đựng, thành phố nên bảo vệ những gì thuộc về lý tưởng và lịch sử của nó”.
Những ý kiến của các chuyên gia và dư luận rồi cũng đi tới kết quả cuối cùng - khi vào tháng 11/2019, ngành quản lý văn hóa Hà Nội khẳng định: 2 bức tranh tường sẽ được di dời nguyên trạng ra khỏi khu vực giải tỏa, tiếp theo sẽ tính đến địa điểm đặt và trưng bày.
2. Câu chuyện không dừng ở đó, khi việc tìm một vị trí khác cho những bức tranh tường của cố họa sĩ Trường Sinh cũng gắn liền với những bài toán mới về không gian và quy hoạch đặc thù.
Vào khoảng tháng 2 năm nay, 2 bức tranh này được lên kế hoạch tháo dỡ. Trong khi bức tranh gốm được gia đình họa sĩ Trường Sinh đứng ra nhận và đưa về lưu giữ tại nhà riêng, thì bức tranh đắp vữa lại có những yêu cầu xử lý phức tạp hơn hẳn khi đã “dính chết” vào phần tường phía sau.
Một lần nữa, các ý tưởng về việc di dời bức tranh đắp vữa này lại được đưa ra bởi giới kiến trúc sư, cũng như những người có chuyên môn về nghệ thuật công cộng. Như phân tích, việc tìm một vị trí thích hợp để đặt “mảng tường” nặng vài tấn, có hình bức tranh cổ động của cố họa sĩ Trường Sinh là điều không đơn giản.
Trong bối cảnh ấy, ý tưởng của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn bỗng được quan tâm đặc biệt. Theo lời Sơn, khi được đề nghị đóng góp ý kiến, anh đã quan sát và thử tìm kiếm một số vị trí để đặt bức tranh này. “Miễn cưỡng, không gian tại một số khu tập thể cũ có thể chọn là nơi đặt tranh. Nhưng làm vậy, giá trị của nó sẽ không còn bao nhiêu” - anh nói.
Từ đó, ý tưởng cuối cùng của họa sĩ này được đưa ra: Bức tranh sẽ được di dời tới đường Trần Nhật Duật, nằm tại vòng xoay phía chân dốc dẫn lên cầu Long Biên, kèm theo đó là việc khôi phục và tồn tại với vai trò mới - một tác phẩm nghệ thuật trong di sản đô thị chứ không chỉ là một bức tranh cổ động như ban đầu.
Được nhiều chuyên gia tán thành, ý tưởng độc đáo ấy đã phần nào trở thành hiện thực: phần tường có bức tranh đắp vữa tại chợ Mơ đã được cắt rời, và hiện di dời tới vị trí này để chờ khôi phục. Đặc biệt, theo Nguyễn Thế Sơn, một phần bị vỡ của bức tranh (trong lúc tháo dỡ) nên được phục dựng với một màu sắc khác, có thể là đen trắng, để kết nối với phần còn lại và tạo ra một phiên bản khác so với nguyên gốc. “Vết ghép nối ấy sẽ kể lại câu chuyện đã có với bức tranh đặc biệt này” - anh nói.
Theo nhận xét của họa sĩ này, trong những năm gần đây, một trục nghệ thuật đô thị và không gian công cộng đang dần hình thành tại đây, gắn với những nhịp vòm cầu cạn xe lửa dẫn ra cầu Long Biên. Đó là phố nghệ thuật Phùng Hưng và dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đã hoàn thành, là kế hoạch đục thông các vòm cầu đá để làm không gian nghệ thuật mà Hà Nội đang triển khai. Cộng cùng sự xuất hiện của bức tranh cổ động và một phần con đường gốm sứ đang chạy ngang qua, trong tương lai, đó sẽ là một không gian đặc biệt của Hà Nội, nơi du khách có thể đi bộ hoặc đạp xe trên cầu Long Biên để ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật dành cho cộng đồng...
Sơn Tùng
Tags