(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 31/3, trong buổi họp báo Lễ trao giải Cánh diều (giải thưởng thường niên của Hội điện ảnh VN) 2015 Ban tổ chức công bố sẽ không nhận các phim Việt hóa kịch bản nước ngoài như trường hợp Em là bà nội của anh.
- 'Em là bà nội của anh' lập kỉ lục và vươn ra thị trường thế giới
- Cánh diều 2016 từ chối 'Em là bà nội của anh'
Thiếu sáng tạo?
"Có thể sau này kinh tế của Hội Điện ảnh dồi dào hơn, chúng tôi sẽ mở rộng giải thưởng, nhưng hiện tại thì không khuyến khích các tác phẩm làm lại gần như dập khuôn bản gốc", bà Hồng Ngát nói.
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải giải thích thêm: "Giải thưởng nào có cũng tiêu chí riêng. Vẫn còn những sân chơi khác rộng hơn như LHP Quốc tế Hà Nội mà ELBNCA có thể tham dự".
ELBNCA sản xuất năm 2015, làm lại từ bộ phim Hàn Quốc Miss Granny sản xuất năm 2014. Phiên bản của Việt Nam đã được tập đoàn CJ Entertainment của Hàn Quốc đầu tư sản xuất và phát hành. Lập kỉ lục doanh thu ở Việt Nam (102 tỉ đồng), phim được công chúng đón nhận và phản hồi rất tích cực.
Ngoài ra, ELBNCA đã từng tham gia LHP Việt Nam XIX (diễn ra tháng 12/2015), và được xếp ở Chương trình Toàn cảnh, chứ không được chọn vào Chương trình Phim dự thi.
Sau buổi họp báo Cánh diều 2015, có nhiều ý kiến cho rằng, Ban tổ chức cần xem xét kĩ hơn trường hợp ELBNCA.
Nên chăng loại phim remake?
Em là bà nội của anh là phiên bản của bộ phim Hàn Miss Granny. Điện ảnh thế giới vẫn dùng khái niệm phim remake (làm lại) để gọi tên những bộ phim như thế này.
Trên thế giới, phim remake cũng được xét là một tác phẩm điện ảnh cải biên/chuyển thể, giống như phim có kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học, tác phẩm kịch...
Chị Đặng Hà Phương, Biên tập viên Đài Truyền hình Việt Nam, hiện đang nghiên cứu về điện ảnh Việt Nam chia sẻ băn khoăn: "Tiêu chí của Cánh diều là 'sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực'. Những đặc điểm này trong ELBNCA không thiếu. Quan trọng hơn, có nên mặc định phim remake nghĩa là không có tính dân tộc? Giải Cánh diều vẫn có thể nhận phim này, còn việc thẩm định chất lượng nghệ thuật của phim sẽ do BGK quyết định. Không có lý do gì tạo tiền lệ loại bỏ những phim remake như thế".
Chia sẻ thêm với Thể thao&Văn hóa về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Nam, (giảng viên môn Nghiên cứu Cải biên/Chuyển thể, Đại học KHXH&NV Hà Nội), cho rằng ELBNCA có mức độ Việt hóa khá cao và dễ được người xem chấp nhận.
Rất tiếc, phim lại hạn chế về mặt sáng tạo nghệ thuật. Theo nhiều khán giả Việt Nam và Hàn Quốc đã xem cả hai bản phim, phiên bản Việt làm giống bản gốc đến 90% về cấu trúc - tình tiết, chỉ khác ở điểm là phim đã thay bối cảnh Hàn Quốc bằng bối cảnh Việt Nam.
“Tuy nhiên, bộ phim này vẫn đủ tư cách để dự thi giải Cánh diều. Nhà sản xuất phim đã công khai đây là phim remake, khác với trường hợp không nói rõ nguồn như phim Giao lộ định mệnh đã từng gây tranh cãi là copy phim Shattered trước đây. Do vậy, định rõ bản chất loại hình của phim làm lại ('remake' chứ không phải là 'copy') là một trong những tiền đề quan trọng để xét tư cách phim tham gia dự thi" – TS Nam nói.
Theo ông Nam, các phim remake vẫn tham gia giải Oscar, và đã từng có phim remake đoạt nhiều giải thưởng. Đơn cử The Departed, bộ phim Mỹ làm lại từ bộ phim Vô gian đạo của Hong Kong (Trung Quốc) đã từng giành 4 giải tại Oscar lần thứ 74.
“Thiết nghĩ, Cánh diều nên mở cửa đối với cả những phim remake. Xét từ góc độ nghiên cứu cải biên (adaptation studies - trong đó chuyển thể là một bộ phận), ELBNCA cũng là một cải biên dù mức độ sáng tạo còn hạn chế.
Tuy điện ảnh Việt còn chưa có nhiều phim làm lại (remake), nhưng cần hiểu đúng, công nhận, khuyến khích tăng cường tính sáng tạo và Việt hóa/bản địa hóa, nếu như làm lại từ phim nước ngoài. Tiêu chí căn bản này cần được nhận rõ để tạo tiền đề tốt nhằm đa dạng hóa điện ảnh nước nhà, cũng như động viên cho những sáng tạo điện ảnh tiếp theo" - TS Nam nói.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Tags