Giải cầu lông Việt Nam mở rộng 2014: Cơ hội nào cho các tay vợt chủ nhà?

Thứ Sáu, 29/08/2014 08:15 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/9 tới, Nguyễn Tiến Minh và các đồng đội sẽ bước vào thi đấu tại giải cầu lông Việt Nam Open 2014.

Giải đấu thuộc hệ thống thi đấu Grand Prix của Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF) này vốn là thương hiệu của cầu lông Việt Nam. Dù dự giải với số lượng VĐV khá đông (46), nhưng cơ hội để các tay vợt chủ nhà làm nên bất ngờ là không cao.

Không nhiều hy vọng

Năm 2013, Liên đoàn cầu lông Việt Nam đã có quyết định bất ngờ khi dời thời gian tổ chức giải từ tháng 8 sang tháng 12 với mục đích “phục vụ” cho Tiến Minh, vì khi đó tay vợt số 1 Việt Nam bận thi đấu tại Siêu Cúp các CLB tại Ấn Độ.

Dù vậy, Tiến Minh cũng không thể dự giải vì giải cầu lông Việt Nam Open 2013 diễn ra trùng vào thời điểm anh và các đồng đội thi đấu tại SEA Games 27. Và tất nhiên, khi mà tay vợt số 1 không tham dự thì các đại diện còn lại của chủ nhà đều bị các khách mời áp đảo.

Ngay từ những vòng đấu đầu tiên, các tay vợt Việt Nam đã lần lượt rời giải ở tất cả 5 nội dung tham dự và cuộc chơi trong những ngày tiếp chỉ còn là sự cạnh tranh của các khách mời.

Năm nay, chủ nhà dự giải với 46 tay vợt (chỉ đứng sau Indonesia với 74 tay vợt), tức là hơn năm vừa rồi 14 tay vợt. Dù số lượng có đông hơn nhưng trừ Tiến Minh, các tay vợt chủ nhà lại không được đánh giá cao.

Giải cầu lông Việt Nam Open 2014 diễn ra từ ngày 1 đến 7/9 tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3, TP.HCM) với 272 VĐV đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, thi đấu ở 5 nội dung: Đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ. Tổng giá trị giải thưởng là 50.000 USD, trong đó mỗi chức vô địch ở từng nội dung là 3.750 USD.
Ở nội dung đơn nam, bên cạnh Tiến Minh, Lê Hà Anh và Phạm Cao Cường sẽ góp mặt ở vòng đấu chính. Dù vậy, khả năng tiến sâu giải của 2 tay vợt này là không cao khi Hà Anh và Cao Cường đều sớm phải gặp những hạt giống của giải.

Hà Anh nhiều khả năng sẽ đối đầu với hạt giống số 6 Ng Ka Long (Hong Kong Trung Quốc) ở vòng 2, trong khi Cao Cường sẽ gặp phải thử thách thật sự ở vòng đấu này bởi có thể anh sẽ chạm trán với hạt giống số 2 Sony Dwi Kuncoro (Indonesia).

Cũng ở nội dung này, 2 tay vợt mạnh khác là Nguyễn Hoàng Nam và Bùi Quang Tuấn đều góp mặt, bên cạnh các tay vợt trẻ phải thi đấu từ vòng loại như Nguyễn Đình Tuấn Kiệt, Võ Bảo Thiện, hay Phạm Hồng Nam.

Ở nội dung đơn nữ, cái tên Vũ Thị Trang đương nhiên là niềm hy vọng số 1 của chủ nhà. Tay vợt đang thi đấu ấn tượng tại giải cầu lông VĐTG này được đánh giá là đối thủ có thể tranh chấp cùng các tay vợt mạnh của Malaysia, Indonesia hay Hong Kong.

Dù vậy, thử thách sẽ là không nhỏ cho cô gái Bắc Giang khi chị rơi vào nhánh đấu có sự góp mặt của hạt giống số 6 Li Lian Yang (Malaysia) và đặc biệt là hạt giống số 1 Hsu Ya Ching (Đài Loan Trung Quốc).

Tương tự Trang, tay vợt nữ số 2 Việt Nam Lê Thu Huyền sẽ gặp giống số 8 Iris Wang (Malaysia) tại vòng 2 và nhiều khả năng là hạt giống số 2 Pai Yu Po (Đài Loan) ở tứ kết.

Tiến Minh trở lại

Sau một năm lỡ hẹn, Tiến Minh sẽ tham dự Việt Nam Open với tư cách là hạt giống số 3 đơn nam và là niềm hy vọng số 1 của chủ nhà. Người hâm mộ đang mong chờ Tiến Minh sẽ giữ Cúp ở lại Việt Nam, giống như những gì mà tay vợt này đã làm được ở các năm 2009, 2011 và 2012.

Tuy vậy, khả năng Tiến Minh làm được điều này còn đang bỏ ngỏ. Từ đầu năm đến nay, Tiến Minh thi đấu rất phập phù, thường xuyên bị loại sớm ở các giải đấu lớn. Điều này đã khiến cho tay vợt Việt Nam liên tục bị tụt hạng và bị bật ra khỏi tốp 20 thế giới.

Không những thế, gánh nặng tuổi tác (32 tuổi) cũng ảnh hưởng rất nhiều đến phong độ và thể lực của tay vợt này. Tiến Minh khó lòng duy trì thể lực ổn định và anh thường xuyên thua trước đối thủ trẻ khi phải chơi đôi công hay những trận đấu kéo dài 3 set.

Việc chỉ được xếp hạt giống số 3 đã khiến Tiến Minh rơi vào nhánh đấu không dễ dàng, khi có sự góp mặt của hạt giống số 1 Dionysius Hayom Rumbaka (hạng 24 thế giới), tay vợt người Indonesia đã loại Tiến Minh tại bán kết SEA Games 27. Ngoài ra, thử thách dành cho Tiến Minh có thể là những đối thủ trẻ, có lối đánh khó chịu như Ka Long (Hong Kong), Abdul Latif (Malaysia) và hay Takeshita (Nhật Bản).

Ai sẽ là thủ lĩnh tương lai?

Một đề tài “muôn thuở” vẫn được giới chuyên môn nói đến rất nhiều trong những ngày trước khi Việt Nam Open 2014 khởi tranh là khoảng cách giữa Tiến Minh và phần còn lại. Năm nay Tiến Minh đã 32 tuổi và Việt Nam Open 2014 là một trong những kỳ giải cuối cùng mà tay vợt này góp mặt. Một câu hỏi đặt ra là liệu ở những giải sau, ai sẽ đủ sức làm thủ lĩnh của các tay vợt chủ nhà khi Tiến Minh giải nghệ?

Trước đây có 2 tay vợt từng được kỳ vọng sẽ thay thế được Tiến Minh trong tương lai là Hà Anh và Hoàng Nam. Thế nhưng, sau một thời gian phát triển, cả Hà Anh và Hoàng Nam đều đã chững lại. Ở thời điểm hiện tại, tay vợt trẻ Cao Cường vẫn được giới chuyên môn gọi là “truyền nhân của Tiến Minh” và là người có khả năng lớn nhất để thay thế vị trí của Tiến Minh.

Nói về vấn đề này, bà Huỳnh Ngọc Liên, Phó Chủ tịch Liên đoàn cầu lông TP.HCM cho biết: “Cả Tiến Minh và Cao Cường đều là những tài năng đặc biệt của cầu lông Việt Nam. Nhưng nếu so về vị trí xuất phát, Cao Cường hoàn toàn vượt trội so với Tiến Minh về điều kiện tập luyện, tấp huấn, thi đấu, thể hình, sức mạnh...

Nhưng cái quan trọng nhất mà Cao Cường không làm được như người đàn anh là sự nỗ lực của bản thân, điều này thì không ai có thể cho các em được mà chính bản thân các em phải tự ý thức. Vì thế mà việc Cao Cường có vươn đến tầm của Tiến Minh hay không là do chính bản thân em”.

Bình Minh
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›