Thuộc thế hệ 9X, Hứa Kim Tuyền đã sở hữu một "gia tài" ca khúc tương đối khủng khi những bài hát của anh đi vào lòng công chúng, thuyết phục được không chỉ khán giả đại chúng, mà còn cả giới làm nghề.
Tại Giải Âm nhạc Cống hiến 2024, Hứa Kim Tuyền đã lọt vào TOP 5 ĐỀ CỬ CHÍNH THỨC, hạng mục Nhạc sĩ của năm. Những ca khúc như Ước mơ của mẹ, Sài Gòn đau lòng quá, 22, Nếu một mai tôi bay lên trời… Hứa Kim Tuyền đã khẳng định được nội lực và "chất" của mình trong lòng khán giả.
Học Taylor Swift về sự chăm chỉ
* Hứa Kim Tuyền nghĩ về âm nhạc như thế nào?
- Âm nhạc giống như lái xe - khi mình càng thả lỏng thì nhạc càng hay, mình càng gồng, càng cố gắng thể hiện, càng cố gắng mở ra cái gì đó thì âm nhạc sẽ càng cứng nhắc.
Đối với tôi, âm nhạc sinh ra là để kết nối. Kết nối nghệ sĩ với khán giả, kết nối khán giả với khán giả, thậm chí là kết nối nghệ sĩ cũng như khán giả với những phần bên trong của chính mình. Âm nhạc là 1 trong những cách dễ kết nối nhất. Nghe một bài hát chỉ tốn 3 - 4 phút, nên ai cũng có thể bỏ thời gian ra nghe nhạc.
Tôi thấy rằng, trên đời này có thể có người không đọc sách, không thích xem phim, nhưng chắc chắn khó có ai không nghe nhạc. Nên âm nhạc có một sức mạnh rất lớn trong việc kết nối mọi người.
Thành ra, khi biết sức mạnh của âm nhạc là như thế, khi bản thân tôi có khả năng dùng sức mạnh đó thì phải dùng sao cho khéo léo, sao cho thể hiện được những điều mình muốn nói, những thông điệp mình muốn gửi đi.
* Anh có chịu ảnh hưởng của ai về âm nhạc không?
- Nhiều lắm. Nói về sự ảnh hưởng thì tất cả những bài hát mình nghe hoặc những nghệ sĩ mình quý đều có sự ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng nếu gọi là nhiều nhất thì có lẽ là Taylor Swift, Ariana Grande, Lady Gaga. Vì đây là những ca sĩ mà tôi nghe rất nhiều.
Âm nhạc của họ và cách họ làm nghề, cách họ xây dựng hình ảnh cho mình đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Đặc biệt là, tôi buộc bản thân phải chăm chỉ. Taylor Swift rất chăm chỉ. Tôi học được sự chăm chỉ, sự nỗ lực và cả khả năng viết lời của Taylor Swift. Lời bài hát của Taylor Swift rất thơ, thậm chí vào lúc mới xuất hiện, cô cũng bị tranh cãi nhiều về phần lời bài hát vì có những phần lời như văn xuôi. Nhưng không sao cả. Đó là phong cách của cô ấy.
Âm nhạc không có một giới hạn nào hết, âm nhạc rất mở. Tôi cảm nhận mình cứ viết những gì mình nghĩ. Có thể hôm nay mọi người không thích, hôm sau mọi người không thích, nhưng 10 - 20 năm nữa, khi mình có một gia tài âm nhạc rồi, mình viết theo kiểu của mình thì những nội dung mình viết ra sẽ thuyết phục được khán giả rằng, "kiểu của tôi là thế". Kiểu của Hứa Kim Tuyền là thế. Giống như cách mà Taylor Swift hiện nay đã thuyết phục được cả thế giới về âm nhạc của cô ấy.
Tôi nghĩ, mình hãy cứ làm những cái mình thấy đúng với mình thôi. Có lúc tôi cũng bị cư dân mạng "chửi", cũng suy nghĩ, nhưng tôi nghĩ mình đã làm đúng với bản thân mình lúc đó nên không việc gì phải ngại. Và tôi cần thời gian để làm nhiều hơn, để thuyết phục khán giả rằng đó là phong cách của tôi. Ban đầu có thể có người không vừa ý, nhưng rồi mọi người sẽ quen, sẽ chấp nhận những đặc trưng của mình.
* Mọi người thường "không thích" anh về điều gì?
- Nhiều lắm. Có những câu, những đoạn trong bài hát của tôi mà mọi người không ưng.
Ví dụ như trong bài Sài Gòn đau lòng quá, một số người tỏ ra ghét đoạn "Tokyo hay Seoul, Paris hay New York/ Đi càng xa, càng không thể quên"; hoặc trong bài Mưa tháng Sáu, nhiều người ghét đoạn "Mưa tháng Sáu, mưa buồn tháng Sáu/ Em chờ tháng Sáu, em đợi tháng Sáu".
Thỉnh thoảng, trong một số bài hát của tôi, có thể có những đoạn mà nhiều người rất ghét, nhưng thường những đoạn đó, tôi lại thích. Tôi đưa vào để ca khúc tạo ra một điều gì đó thú vị, để nó có nét đặc trưng hơn, để không bị cảm giác từ đầu đến cuối êm tai. Tôi nghĩ đấy chính là đặc trưng của mình.
Ban đầu nhiều người có thể cảm thấy nó chưa hay, nhưng từ từ mình sẽ chứng minh được rằng, đó chính là đặc trưng của mình, nghe riết sẽ quen tai và mọi người cũng sẽ đồng tình. Và có thể nhiều người không cần thấy hay, nhưng khi nghe quen sẽ chấp nhận, sẽ thấy cũng được và như thế đã là thành công.
"Mặc dù khi nói chuyện, tôi thường tính toán, suy nghĩ về những câu từ sẽ nói, nhưng riêng khi làm nhạc thì tôi lại thả lỏng, không hề cố vì một điều gì khác" - nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền.
Tôi ghen tị với tình yêu thời ông bà
* Rất nhiều bài hát của Hứa Kim Tuyền đưa ra những thông điệp. Đó là một sự cố ý hoặc vô tình?
- Tôi không hề cố ý. Bản thân tôi khi làm nhạc, thích điều gì sẽ viết cái đấy. Mặc dù khi nói chuyện, tôi thường tính toán, suy nghĩ về những câu từ sẽ nói, nhưng riêng khi làm nhạc thì tôi lại thả lỏng, không hề cố vì một điều gì khác. Một ngày đẹp trời, tôi muốn kể về một cái gì đó thì tôi sẽ ngồi và viết.
Thế nên, sẽ có những lúc tôi đi vào những câu chuyện về gia đình, về xã hội (chẳng hạn như đợt Covid-19, tôi viết cả một album quanh đề tài này). Nhưng có những lúc tôi cảm thấy vui quá, cảm thấy có cảm hứng về tình yêu, tôi sẽ viết về tình yêu. Có những lúc nghe được những album quốc tế quá hay, tôi sẽ có cảm hứng để dấn thân, thử nghiệm làm những điều mới mẻ như thế.
Nói thật, bản thân tôi không đoán được mình có thể làm điều gì tiếp theo.
* Trong gia tài sáng tác của mình, anh yêu quý bài nào một cách đặc biệt nhất?
- Bài đầu tiên chắc chắn phải là Một ngày hay trăm năm. Ra mắt vào năm 2018, đó là 1 trong những bài hát đầu tiên của tôi. Tôi viết cho mối tình của ông ngoại, bà ngoại tôi. Viết bài hát đó, tôi tưởng tượng mình là ông ngoại.
Bà ngoại tôi mất năm 2008, khi đó ông bà đều đã tám mấy tuổi. Sau đó ông ngoại sống đến hơn 100 tuổi. Khi về già, dù đã bị lẫn rồi, nhưng ông ngoại vẫn nói "tao nhớ bả ghê!". "Bả" là bà ngoại. Và tôi cảm thấy đó là một mối tình quá đẹp.
Ông bà ngoại tôi kết hôn từ năm cả 2 chưa đến 20 tuổi. 2 người nắm tay nhau đi qua 2 cuộc kháng chiến, lén nuôi bộ đội, cùng vượt qua bao gian truân… Tôi có cảm giác ghen tị với tình yêu của ông bà mình, vì hai người có thể yêu nhau, đi bên nhau từ trong cái khổ, cái nghèo đến lúc sung sướng, cùng nhau nuôi mười mấy người con...
Tôi có cảm giác, nếu tôi được sinh ra vào thời chiến tranh, tôi sẽ chọn viết về tình yêu thời chiến. Tôi cảm giác đó là những tình yêu quá đẹp mà bây giờ mình không thể tìm thấy. Tôi khẳng định luôn, xung quanh mình không còn một tình yêu nào đẹp như thế nữa. Tôi nghĩ cuộc đời mình cũng không thể tìm được một tình yêu như vậy.
Tình yêu bây giờ rất tội nghiệp vì bị thử thách nhiều từ phía bên trong. Còn tình yêu ngày xưa thì bị thử thách từ phía bên ngoài. Vì bên ngoài quá nhiều sóng gió, nên bên trong người ta càng phải quan tâm, càng kết nối với nhau để cùng vượt qua những sóng gió đó. Còn bây giờ, bên ngoài có sóng gió gì đâu, cơm áo gạo tiền thôi mà. Ngày xưa còn phải đối mặt với sống chết, với những hy sinh nữa. Chính vì thế, bây giờ sẽ là những sóng gió bên trong mỗi con người. Hai thời có những cảm giác quá khác nhau như vậy...
* Vậy nếu có con, anh sẽ nói với chúng thế nào về việc vun đắp tình yêu?
- Sau này, khi có con, tôi sẽ dạy con biết yêu quý loài vật và sẽ cho học nhạc. Vì từ những tình yêu nhỏ sẽ hình thành tình yêu lớn.
Tôi có cảm giác những người yêu quý loài vật từ nhỏ không thể nào là người xấu được. Điều tiên quyết để dạy cho một đứa nhỏ, với tôi, là tình yêu thương.
Còn học nhạc là để biết đồng cảm và biết dịu dàng. Tôi thấy những người học nhạc từ nhỏ thường như vậy. Học nhạc đòi hỏi một sự kiên trì kinh khủng. Tính kiên nhẫn nhờ đó mà sẽ hình thành.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Vài nét về Hứa Kim Tuyền
Sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật, Hứa Kim Tuyền theo học chuyên ngành báo chí và truyền thông tại Đại học Văn Lang và từng là phóng viên mảng giải trí.
Anh bắt đầu rẽ ngang con đường âm nhạc vì chính lời khuyên cuối đời của bố: "Con hãy làm điều con yêu thích". Khi ấy, dù đã bắt đầu học về truyền thông, nhưng anh vẫn giữ đam mê âm nhạc, đi làm báo để có thu nhập đóng tiền học nhạc…
Anh là tác giả của Đại minh tinh, MV lọt vào TOP 5 ĐỀ CỬ CHÍNH THỨC của Giải Âm nhạc Cống hiến 2024; đồng thời anh cũng được đề cử ở hạng mục Nhạc sĩ của năm.
Tags