Giải hạng Nhất quốc gia 2024/25 chưa đá đã nóng, khi chiều qua (19/8), lãnh đạo CLB Định Hướng Phú Nhuận thông báo quyết định không dự giải, dù đã giành quyền lên hạng. Ngoài Định Hướng Phú Nhuận, Đồng Nai, Long An và Khánh Hòa cũng để ngỏ khả năng tham dự giải.
Đây cũng là 1 trongg những lý do khiến Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã không thể bốc thăm và xếp lịch thi đấu giải hạng Nhất và Cúp quốc gia 2024/25 cùng thời gian với V-League. Khi đó, 4 CLB chưa đăng ký thi đấu là Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An và Định Hướng Phú Nhuận.
VPF đã quyết định gia hạn thời hạn cho 4 CLB suy nghĩ, trả lời với VPF vào chiều qua (19/8) nhưng đến thời hạn chót, chỉ có 2 CLB trả lời và cho biết không thể tham dự giải đấu là Long An và Định Hướng Phú Nhuận.
Cả hai CLB này đều gặp vấn đề về tổ chức và kinh phí hoạt động. CLB Long An bị các nhà tài trợ trả về cho tỉnh vì không thể hoạt động do thiếu kinh phí.
Tỉnh Long An cũng đã tổ chức họp về vấn đề nuôi đội bóng nhưng điều này là không thể. Long An chính thức xin bỏ giải hạng Nhất 2024/25. Nếu trở lại, CLB từng 2 lần vô địch V-League này sẽ phải chơi từ giải hạng Ba.
Định Hướng Phú Nhuận cũng từng đánh tiếng sẽ đổi tên thành Thành Phố Thủ Đức. Tuy nhiên, thực tế không diễn ra. Định Hướng Phú Nhuận xác định không thể tìm được đường ra để hoạt động tốt nếu chơi ở giải hạng Nhất mùa tới do đó, xin không dự giải. Điều khó tin là CLB này cũng không bán suất chơi hạng Nhất của mình cho CLB khác như thông tin trước đó.
Đồng Nai cũng không đăng ký tham gia mùa giải hạng Nhất sắp tới. Lãnh đạo CLB Đồng Nai không thông báo về kế hoạch chuẩn bị cho mùa bóng mới đến tập thể đội bóng. Nhiều khả năng Đồng Nai cũng sẽ rút khỏi giải hạng Nhất 2024/25.
CLB Khánh Hoà dường như cũng không thể tìm được đường ra. Có tin, Khánh Hòa cũng đang làm văn bản xin rút lui và CLB này có thể chỉ bắt đầu lại từ giải hạng Ba thời gian tới.
Giải hạng Nhất Quốc gia 2024/25 dự kiến có 12 đội tranh tài nhưng bây giờ gần như chỉ còn 8 CLB tham dự.
Trước đó, BCH VFF đã nêu mục tiêu tăng số đội dự giải hạng Nhất mùa 2025/26 lên thành 14 CLB như V-League nhưng kế hoạch này đứng trước nguy cơ phá sản.
Như vậy, kể từ giải hạng Nhất 2012 có 14 đội tham dự, đã 11 năm qua hệ thống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là mô hình kim tự tháp ngược, khi đỉnh (số đội V-League) lại to hơn chân đế (số đội hạng Nhất).
Nguyên nhân thường là sau khi không trụ nổi ở V-League thì đội bóng cũng biến mất hoặc bản thân các đội hạng Nhất không kham nổi kinh phí nên tự giải thể. Tiếng là "V-League 2" nhưng sân chơi chuyên nghiệp hạng Nhất liên tục teo tóp, mùa giải 2017 thậm chí chỉ còn 7 đội, rồi 8, 10 và nhiều nhất trong 12 năm qua là 12 đội (mùa giải 2020).
Rõ ràng, chưa đá, giải hạng Nhất đã xảy ra vô vàn biến động. Bên cạnh các "hiện tượng" Thanh Niên TP.HCM, Trường Tươi Bình Phước rầm rộ "chiêu binh mãi mã" cầu thủ từ giải hạng trên, phần lớn CLB còn lại đều gặp khó khăn về kinh phí.
Trước đó, từ tháng 6 năm nay, CLB Bà Rịa-Vũng Tàu gửi công văn đến UBND tỉnh về việc không tham dự mùa giải 2024/2025. Sau đó, CLB này quyết định tiếp tục tham dự giải với lực lượng từ học viện đôn lên.
Theo kế hoạch, ngày 29/10, trái bóng của giải hạng Nhất quốc gia sẽ được lăn đi. Có nghĩa còn khoảng 2 tháng nữa cho các CLB chuẩn bị. Trong bối cảnh nhà tài trợ như… lá mùa thu, dự báo khó khăn không chỉ đến với các CLB nêu trên mà còn "lây lan" đến nhiều CLB khác.
Mục tiêu tạo ra "chân đế" cho các giải bóng đá chuyên nghiệp của VFF có nguy cơ phá sản từ trong trứng nước, bởi cái gốc của vấn đề là một nền bóng đá quá thiếu tính ổn định. Mang tiếng chuyên nghiệp nhưng lên xuống theo phong trào tùy thuộc vào "túi tiền" của các "ông bầu" và "sức khỏe" của nhà tài trợ.
"Phần thưởng" lớn nhất của giải hạng Nhất không phải là số tiền thưởng, mà là suất lên hạng. Bởi lẽ, so với kinh phí đầu tư mỗi năm cho một đội bóng, chỉ là CLB hạng Nhất thôi, cũng đã gấp mấy mươi lần tiền thưởng cho ngôi vô địch.
Hạng Nhất chưa đá đã "nóng" theo kiểu chặng đừng, đã rối ren như thế, không biết có kịp "gỡ" trước ngày bóng lăn hay không?
Tags