(Thethaovanhoa.vn) - Một người đàn ông tự cho ong đốt hàng chục lần; các nhà toán học muốn biết liệu một người đàn ông có thể sinh ra 600 đứa con trai và các nhà hóa học làm sống lại một quả trứng bị luộc chín... Tất cả họ vừa được tôn vinh trong đêm 17/9 (giờ Mỹ) với giải Ig Nobel 2015.
Các giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên và cả những người từng đoạt giải Nobel trên khắp thế giới đã tụ hội ở Đại học Harvard, trong Lễ trao giải Ig Nobel thường niên lần thứ 25 - một giải thưởng khiến người ta cười, sau đó suy ngẫm.
Ong đốt ở đâu đau nhất?
Trong đêm trao giải, hai nhà nghiên cứu Justin Schmidt và Michael Smith tới từ Mỹ đã đoạt giải Ig Nobel Sinh lý học do đã tiến hành nghiên cứu tỉ mẩn về việc ong đốt gây đau thế nào. Smith thường dí những con ong vào các phần cơ thể để chúng đốt ông.
Smith làm như thế 5 lần mỗi ngày và để ong đốt lên 25 vùng cơ thể khác nhau, trong vòng 38 tuần. Cuối cùng ông xếp hạng sự đau đớn theo thang điểm 10, với kết luận rằng người ta không nên để ong đốt vào lỗ mũi và "cậu nhỏ".
Schmidt thì để nhiều loại côn trùng đốt và chấm điểm đau đớn theo thang từ 1 tới 4. Ông phân ra 78 kiểu đau đớn do côn trùng gây ra, kèm theo đánh giá chi tiết. Ví dụ Schmidt nói rằng ong bắp cày gây ra nỗi đau đớn tương tự như dùng tay đập mạnh vào một chiếc cửa xoay. Trong khi đó, vết đốt của ong vàng tạo cảm giác như bị "ai đó dí điếu xì gà đang cháy lên lưỡi". Kiến đầu đạn khiến người bị đốt như "đang đi trên than hồng bỏng cháy, với gót chân bị đóng đinh."
Các nhà nghiên cứu ít phiêu lưu khác cũng giành giải nhờ xem xét giới hạn hoạt động của cơ thể con người. Theo đó, giải Ig Nobel Toán học được trao cho các nhà khoa học Đức và Áo, những người đã nghiên cứu khả năng có nhiều con của Moulay Ismal, vua Morocco sống trong thế kỷ 17.
Lấy cảm hứng từ câu chuyện Moulay Ismail đã làm những người vợ sinh tới 600 đứa con trước khi qua đời ở tuổi 55, họ thấy rằng vị quân vương này sẽ phải "lao động" rất vất vả mới có thể đạt được mục tiêu.
"Moulay sẽ phải quan hệ tình dục từ 1-2 lần mỗi này" - nhà toán học Elisabeth Oberzaucher thuộc nhóm nghiên cứu nhận xét - "Bạn có thể thấy mức độ quan hệ như thế cũng không nhiều lắm. Nhưng nếu hoạt động diễn ra liên tục mỗi ngày, trong suốt cuộc đời một ai đó, thì con số sẽ rất lớn".
Các nhà nghiên cứu từ Đông Âu và Nhật Bản giành giải Ig Nobel Y học do chứng minh lợi ích về mặt y tế của "một nụ hôn cháy bỏng và các hành động thân mật khác".
Các nhà khoa học tới từ hơn một chục nước, gồm Anh, Canada, New Zealand, Mỹ và Trung Quốc giành giải Ig Nobel Chẩn đoán Y khoa khi thấy rằng các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác bệnh viêm ruột thừa cấp tính dựa trên sự đau đớn của ai đó khi xe chở họ chạy qua gờ giảm tốc.
"Hả" là từ xuất hiện trong mọi ngôn ngữ
Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chile giành giải Ig Nobel Sinh học, khi gắn đuôi nhân tạo lên những con gà để nghiên cứu về quá trình tiến hóa của loài khủng long.
Họ thấy rằng trong quá trình tiến hóa thành loài chim, khủng long đã chuyển dần tư thế từ chỗ đứng thẳng tới chỗ hơi cúi thân.
Trong khi đó, các nhà vật lý từ Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) giành giải Ig Nobel Vật lý do tìm ra "định luật của hoạt động bài tiết". Họ đã đo đạc tính toán cẩn thận và thấy rằng gần như mọi loài động vật có vú, không cần biết kích thước thân thể ra sao, đều xả hết bọng đái trong vòng 21 giây (cộng trừ 13 giây).
Nhà nghiên cứu David Hu cho biết trọng lực là yếu tố quyết định trong hiện tượng này. "Vì thế lần tiếp theo khi bạn đang phải chờ ai đó dùng nhà vệ sinh quá lâu, chỉ việc gõ lên cửa rồi nhắc nhở, rằng họ có thể "xả hết van" chỉ trong có 21 giây thôi" - Hu pha trò.
Trên lĩnh vực văn chương, giải Ig Nobel được trao cho 3 nhà nghiên cứu đã phát hiện từ "hả" (huh) hoặc các từ có ý nghĩa tương đương gần như tồn tại trong mọi loại ngôn ngữ của con người.
Trên hạng mục "quản lý", giải Ig Nobel được trao cho một nhóm nghiên cứu tới từ Italy và Mỹ, với phát hiện rằng những đứa trẻ từng trải qua thảm họa thiên nhiên sẽ có xu hướng trở thành các lãnh đạo kinh doanh mạnh mẽ và thích đón nhận rủi ro lớn.
"Điểm mấu chốt của nghiên cứu là thứ gì không giết nổi bạn sẽ biến bạn trở thành người ưa mạo hiểm" - nhà nghiên cứu Gennaro Bernile tuyên bố.
Giải Ig Nobel Hóa học trao cho các nhà nghiên cứu người Mỹ và Australia, đã làm sống lại một phần quả trứng đã luộc, thông qua thiết bị xử lý đặc biệt giúp tháo cuốn protein. Kết quả của nhóm, được xuất bản trên tạp chí ChemBioChem, cho thấy rằng người ta có thể tháo cuốn các chuỗi protein nhanh hơn hàng ngàn lần những phương thức trước đây.
Phát hiện của nhóm về cơ bản không phải để xử lý các quả trứng mà có thể ứng dụng vào nhiều việc, từ cách mạng hóa hoạt động sản xuất thuốc chống ung thư, cho tới thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất phô mai.
Chỉ có ở giải Ig Nobel |
Tường Linh (Theo Live Science, Reuters)
Thể thao & Văn hóa
Tags