Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Ludwig Maximilian và Đại học Tübingen (Đức) hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Ai Cập đã thành công trong việc giải mã một số bí mật trong quá trình ướp xác của người Ai Cập cổ đại, cũng như các vật liệu được sử dụng cho quy trình này.
Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, các nhà khoa học đã phân tích các chất hữu cơ còn sót lại bên trong các bình gốm do nhà khảo cổ học quá cố Ramadan B. Hussein phát hiện năm 2018 tại một khu vực tiến hành các nghi lễ mai táng được khai quật ở nghĩa địa Saqqara, cách thủ đô Cairo khoảng 30 km về phía Nam.
Theo Tổng thư ký Hội đồng cổ vật tối cao Ai Cập (SCA) Mostafa Waziri, kết quả nghiên cứu được công bố ngày 1/2 trên tạp chí khoa học Nature cho thấy nhóm nhà khảo cổ của Ai Cập và Đức do ông Hussein đứng đầu đã phát hiện ra tên Ai Cập cổ đại của các chất hữu cơ được sử dụng trong quá trình ướp xác được viết bằng chữ tượng hình trên bề mặt của một số bình gốm.
Ông Waziri cho biết thêm tên của các bộ phận cơ thể được bảo quản cũng được viết lên những đồ gốm này và được phủ các chất liệu hữu cơ trong các giai đoạn khác nhau của quá trình ướp xác.
Nhóm nhà khoa học trên đã nghiên cứu và phân tích phần còn lại của các chất hữu cơ được tìm thấy bên trong các bình gốm với hy vọng mô tả các đặc tính hóa học của chúng. Bằng cách xác định những đặc tính này, họ hy vọng có thể so sánh với các vật liệu được người Ai Cập cổ đại sử dụng để bảo quản cơ thể con người, từ đó khám phá ra các nguyên tắc và bí mật của quá trình ướp xác.
Lần đầu tiên các nhà khoa học có thể xác định 3 khía cạnh của quá trình ướp xác bao gồm vật liệu được sử dụng, tên của nó trong ngôn ngữ Ai Cập cổ đại và các bộ phận cơ thể được phủ vật liệu.
Cũng theo ông Waziri, phát hiện trên góp phần rất lớn vào việc giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về các văn bản cổ xưa nổi tiếng liên quan đến quá trình ướp xác bởi vì lần đầu tiên nhóm nghiên cứu đã xác định được các chữ viết trên bình gốm bằng các đặc điểm hóa học bên trong và do đó xác định chính xác vật liệu thích hợp để ướp từng bộ phận cụ thể trên cơ thể của người quá cố.
Phát hiện này cũng tiết lộ một số vật liệu được sử dụng trong quá trình ướp xác được nhập khẩu từ các khu vực khác của thế giới cổ đại, chẳng hạn như khu vực Địa Trung Hải, rừng mưa nhiệt đới và khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy sự tồn tại của các liên kết thương mại và giao tiếp giữa các khu vực trên với Ai Cập cổ đại.
Liên quan đến phát hiện nêu trên, Phó trưởng phái đoàn khảo cổ Ai Cập - Đức, bà Susanna Beck cho rằng nghiên cứu đã góp phần "hé lộ" rất nhiều kiến thức về các thành phần của vật liệu dùng để ướp xác. Chẳng hạn như chất “antiu” vốn được đề cập thường xuyên khi mô tả các quá trình ướp xác, được dịch ra có nghĩa là "nhựa thơm" hoặc "trầm hương", tuy nhiên kết quả nghiên cứu cho thấy đây là hỗn hợp của dầu từ cây tuyết tùng, cây bách xù, cây bách và mỡ động vật. Theo bà Beck, nghiên cứu này được thực hiện bằng cách sử dụng phương pháp sắc ký khí và phép đo khối phổ trên các vật liệu được phát hiện.
Tags