Từ Việt Trì ngang qua Cẩm Phả, rồi xuôi Mỹ Đình... bất kể bóng đá nam hay nữ, chúng ta đã cảm nhận được sức hút của đội tuyển U23 Việt Nam lớn đến đâu, trong những ngày tranh tài SEA Games 31. Và giờ thì đến Thống Nhất, trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam với Afghanistan, cũng sốt...
Đoàn người rồng rắn nối đuôi nhau xếp hàng từ sáng sớm (29/5), mặc dù đến 9h00 cùng ngày, BTC mới mở quầy bán vé bên trong hàng rào sân, từ đường Nguyễn Kim qua Đào Duy Từ. Câu hỏi đặt ra là, người hâm mộ đói bóng đá thực sự, yêu các ĐTQG thực sự, hay đơn thuần chỉ là hiện tượng, chạy theo phong trào?
Nếu đem so sánh bầu không khí cổ động ở Thiên Trường, tại bảng B SEA Games 31, vốn không có U23 Việt Nam tham dự và cả trận bán kết giữa Thái Lan và Indonesia, với các sân bóng còn lại, chúng ta sẽ thấy được cơn khát lớn đến đâu. Không cần biết đội nào đá với đội nào, từ 14h00 chiều, đoàn người đã lũ lượt chen lấn để tìm một chỗ trên khán đài.
Nhưng, Thiên Trường và Cẩm Phả (nơi diễn ra các trận bóng đá nữ), đều không tổ chức bán vé, mà mở cửa miễn phí hoặc phát hành vé mời, đặng dễ kiểm soát. Chúng ta sẽ giải thích ra sao với những cặp vé chợ đen ở Mỹ Đình, trận chung kết Việt Nam - Thái Lan đội lên đến vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng/cặp? Liệu nó có giải thích cho tình yêu? Chưa chắc.
Sức hút của các ĐTQG Việt Nam bắt đầu nóng lên trở lại từ gần chục năm qua, từ thời lứa U19 Học viện HAGL - Arsenal - JMG ra ràng cuối năm 2013, đầu 2014. Nhưng chỉ đến sau cơn đại địa chấn Thường Châu 2018, làng túc cầu nội mới hút khán giả quay lại các khán đài. Nó bao gồm cả các trận đấu của các ĐTQG, lẫn V-League. Đó là điều rất đáng mừng, sau khoảng thời gian dài nguội lạnh.
Khe cửa SVĐ, với bầu không khí cổ động trên các khán đài, chính là thước đo sát sườn cho chất lượng của bóng đá, của các trận đấu và giải đấu. Khán giả chính là đội ngũ nuôi sống bóng đá, chứ không phải túi tiền của các ông bầu. Bằng cách nào để có một sản phẩm bóng đá tử tế để phục vụ khán giả, đấy là trách nhiệm của những người làm bóng đá.
Trở lại với sức hút của các ĐTQG, rõ ràng không tự nhiên đến, mà là sự gầy dựng, tích lũy một thời gian dài mà có được. Nó bao gồm cả biểu đồ thành tích tốt dần lên, với một lối chơi có mảng miếng, bản sắc.
Sân Thống Nhất chỉ có sức chứa khoảng hơn 16 nghìn chỗ ngồi, hơi khiêm tốn so với Mỹ Đình, và nếu nó được lèn kín ở trận giao hữu gặp Afghanistan tới đây, thật cũng là diễm phúc cho thầy trò HLV Park Hang Seo. Nói gì thì nói, Afghanistan không thể tạo nên sức hút như kình địch Thái Lan khi tác chiến với Việt Nam, nên sự quan tâm lớn nhất vẫn là dành cho ĐTQG Việt Nam.
“Có không giữ, mất đừng tìm”. Kéo khán giả trở lại sân bóng là một việc khó, nhưng chúng ta, nền bóng đá và các ĐTQG, giới truyền thông đã làm được, giữ chân họ ở lại, lại là việc khó hơn gấp bội. Quế Ngọc Hải, Quang Hải và đồng đội của các anh phải ý thức cao điều đó. Và nhà điều hành, VFF, càng không được phép cẩu thả trong công tác tổ chức các trận đấu - giải đấu.
Nếu bóng đá đã trở thành một ngành đại công nghiệp không khói hái ra tiền, thì khán giả vừa là khách hàng, vừa là chủ đầu tư. Cần phải chăm sóc họ, bởi chính họ mới đủ sức thu hút nguồn lực, chính họ mới là bộ mặt của giải đấu và của nền bóng đá, quyết định thành bại, hưng vong của nền bóng đá và giải đấu ấy. Nhà tài trợ cũng chính là nhìn lên khán đài mà đầu tư, chứ chưa hẳn là những đôi chân tiền tỷ mà thi đấu vô hồn ở dưới sân.
Thế nên, vẫn phải khẳng định lại một lần nữa, nếu phải ưu tiên những chiếc vé vào sân, thì nên ưu tiên cho CĐV, chứ không phải những người vào xem để giải quyết khâu oai cho việc sở hữu một tấm vé mời, mà chắc chắn không phải do mình bỏ tiền ra mua.
CCKM
Tags