(Thethaovanhoa.vn) - Shaman với nhiều biểu hiện khác nhau là hình thái tín ngưỡng nguyên thủy sớm nhất của lịch sử loài người. Những dấu vết shaman ấy còn tồn tại ẩn khuất như những "điềm thiêng, dấu lạ" trong các di tích, di vật từ thời tiền sử cách đây hàng ngàn năm.
Hãy khảo sát các dấu thiêng này trên hình mặt người/thú trên vách hang Đồng Nội; Hiện tượng ngôi mộ em bé Quỳ Chử khoảng 14-15 tuổi, đầu to, tàn tật, đeo vòng chuỗi xương hình răng nanh thú; Hình ảnh những người có kích cỡ và hành vi bất thường trong các cảnh lễ hội mô tả trên trống, thạp đồng Đông Sơn; Những hiện vật Đông Sơn có thể thuộc bộ dụng cụ thầy cúng shaman.
Ở Việt Nam, từ lâu đã có nhiều nhà nghiên cứu cũng bắt đầu quan tâm đến hiện tượng tín ngưỡng nguyên thủy này. Viện Dân tộc học, Viện Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cũng đã không bỏ quên phạm trù nghiên cứu này, tuy rằng chưa có nhiều thành tựu, trong khi Viện Văn hóa dân gian (nay là Viện Nghiên cứu văn hóa) đã có những thành tựu nghiên cứu mang tính đột phá, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của cố Giáo sư, Viện trưởng Ngô Đức Thịnh.
Tôi bắt đầu nhận tham gia đề tài nghiên cứu tín ngưỡng nguyên thủy Việt Nam từ năm 2008 với tiếp cận đầu tiên về các bằng chứng “Nữ thần” ở Việt Nam nhằm lý giải tục thờ Mẫu thịnh hành trong suốt bề dày lịch sử dân tộc. Năm 2010 tôi được mời tham dự Hội nghị quốc tế về Shaman học tại Warsaw (Ba Lan) với tham luận Some Evidences of Shamanism in Prehistory of Vietnam (Một số chứng cứ về Shaman trong Tiền sử Việt Nam).
Cho đến nay, với nhận thức đày đủ hơn về shaman học, tôi đã góp nhặt được rất nhiều hiện tượng shaman từ các tư liệu khảo cổ học Việt Nam.
Hình mặt người/thú trên vách hang Đồng Nội
Khi phát hiện các hình này, M. Colani đã hình dung ngay ra quang cảnh lễ shaman của người Hòa Bình - một nhận xét khoa học rất phổ biến khi đó để giải thích những phát hiện bích họa hang động ở vùng Nam Pháp, Tây Ban Nha. Gần đây, một mặt tôi không nghi ngờ hoạt động mang tính shaman của các bức khắc Đồng Nội, mặt khác so sánh mở rộng để xác định niên đại Đông Sơn chứ không phải Hòa Bình cho các hình khắc đó và gắn chúng với làn sóng di chuyển về phía Nam của những người Tây Âu trước và cuối thời Âu Lạc tôn thờ thần bất tử với hai sừng trên đầu.
Hiện tượng ngôi mộ em bé Quỳ Chử
Em bé khoảng 14-15 tuổi, đầu to, tàn tật đeo vòng chuỗi xương hình răng nanh thú. Đó là ngôi mộ số M18 đợt khai quật Quỳ Chử 1978 do tôi tiến hành. Ngôi mộ có niên đại khoảng 2.500 - 2.700 năm cách ngày nay. Bộ xương còn nguyên vẹn cho thấy em bé như một người bị liệt toàn thân, tứ chi không phát triển. Việc em bé vẫn sống cho đến chừng đó tuổi và lại là ngôi mộ duy nhất được đeo chuỗi vòng tạo bởi 12 răng nanh thú xuyên lỗ, làm bằng xương động vật cho thấy một vị trí xã hội bất thường của em.
Tại khu mộ Quỳ Chử, hiện tượng xếp sắp lại xương người của những mộ chôn trước phát hiện trong quá trình đào huyệt mộ lên trên xác người mới chết khá phổ biến, cho thấy nhận thức về xương người và ý thức tôn trọng xương của những người chết trước lần đầu tiên được xác nhận ở Việt Nam. Rất có thể em bé đại diện cho một quyền năng thần bí nào đó của cộng đồng cư dân Đông Sơn ở Quỳ Chử.
Hình ảnh những người có kích cỡ và hành vi bất thường
Hình ảnh những người này tìm thấy trong các cảnh lễ hội mô tả trên trống, thạp đồng Đông Sơn. Đã có nhiều người nhận thấy hình một người nhỏ hơn hẳn những người khác đi đầu hoặc đi sau cùng trong đoàn vũ công nhảy múa trước nhà sàn mái cong trên các trống, thạp đỉnh cao thuộc phong cách Ngọc Lũ và giả định họ là shaman - thầy cúng Đông Sơn.
Quan sát các nghi lễ hiện còn ở các nhóm dân tộc miền núi Việt Nam cũng như trên thế giới thì nhận xét đó hoàn toàn có cơ sở. Nghi lễ cúng thần linh thường do một thầy cúng tiến hành với sự hỗ trợ của nhiều “hầu đồng” khác.
Trong những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Tây Nguyên của sưu tập CQK ở California, chúng tôi phát hiện một số hình trang trí lạ trên tang, thân trống. Đó là những người đứng, nhảy múa trên lưng bò như những shaman. Những hình này được củng cố bởi cảnh người cầm quạt đứng múa trên lưng voi bên cạnh người ngồi thổi khèn, khiêng trống… dựng cột cây nêu buộc và giết trâu bò tế thần ở những trống thuộc nhóm đỉnh cao Tây Âu của sưu tập Mai Xuân Trường (Hà Nội) và Karim Gussenmayer (Bỉ).
- Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (kỳ 15): Tiến tới 90 năm vinh danh toàn cầu Văn hóa Hòa Bình
- Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (kỳ 14): Làng thủ lĩnh và ngôi mộ của thủ lĩnh thời Hùng Vương
- Kể chuyện lịch sử từ trong lòng đất (kỳ 13): Bí ẩn hình người quỳ trên hòn đá cuội phủ mộ thời Trần
Những hiện vật Đông Sơn có thể thuộc bộ dụng cụ thầy cúng shaman
Chỉ khi nhìn một cách hệ thống về hiện tượng shaman trong thời Đông Sơn, chúng tôi mới nhận ra một số đồ đồng không thể có chức năng thông dụng thường ngày mà chỉ dành riêng cho một lễ nghi nào đó.
Ví dụ phát hiện gần đây về chiếc cốc có 2 tay cầm kéo dài. Tôi đã thử dùng 1 trong số chiếc cốc như vậy trong sưu tập CQK để uống. Rất dễ nhận ra sự bất tiện của nó, nhưng để bưng, dâng thì lại rất thuận tiện và trang trọng. Tính chất lễ nghi của loại hiện vật này còn thể hiện ở sự hiếm hoi của chúng và ở các mô tả trên tượng cán dao găm và các hình trang trí trên trống, tấm che ngực Đông Sơn.
Những chiếc muôi đồng lớn hình gáo quả bầu chia đoạn trang trí như con thuyền đã từng thấy ở bảo tàng Singapore, Nhà hàng Trống đồng (Hà Nội), sưu tập CQK (California, USA) không thể là những muôi dùng trong ăn uống mà chỉ có thể dùng trong nghi lễ.
Phát hiện của chúng tôi về những đai trán bằng đồng và cây “quyền trượng” cũng có nhiều khả năng gắn với thủ lĩnh, nhưng cũng không loại trừ khả năng gắn với hoạt động của các shaman Đông Sơn.
Trong số đồ đồng lễ nhạc chúng tôi ngờ rằng một số chuông, trong đó gồm cả những chuông hình trống và một số trống kích thước nhỏ nhưng trang trí rất cầu kỳ (sưu tập Mai Xuân Trường) thuộc bộ gõ dành cho nghi lễ shaman. Điều này được khẳng định, khi trên đôi chuông Đông Sơn phát hiện ở Cốc Lếu (Lào Cai) có dòng chữ đúc cùng với chuông: “Trừ họa phát cát phúc”.
***
Như vậy, cho đến nay, những bằng chứng shaman tiền sử mới thấy rõ ở giai đoạn Đông Sơn. Trước đó, chúng tôi quan tâm đến những con thú đất sét nung ở Đồng Đậu và những cụm gốm vỡ đổ thành khu ở Xóm Rền. Liệu chăng có những nghi lễ tâm linh nào đó diễn ra ở Đồng Đậu cách nay 3.200 năm gắn với các con thú gốm nhỏ có thể dùng biểu trưng cho hiến tế bên cạnh những con vật hiến tế thực?
Các đồng gốm vỡ ở Xóm Rền có niên đại sớm hơn một chút (khoảng 3.500 năm) khá tập trung, gây một cảm giác như đã bị đập hiến thần thánh sau một nghi lễ nào đó, tương tự hiện tượng đã từng gặp ở Kim Sa, Tam Tinh Đôi (Tứ Xuyên, Trung Quốc).
Chứng cứ shaman trong các nền văn hóa xưa hơn như Đa Bút, Hòa Bình còn rất mờ nhạt. Tuy vậy, tôi tin rằng, ít nhất từ thời văn hóa Hòa Bình đã có một hình thái tín ngưỡng nguyên thủy nào đó tồn tại với sự phổ biến sử dụng khoáng màu vàng, đỏ cho các mộ táng và đồ vật.
(Còn tiếp)
TS Nguyễn Việt
Tags