Giải mã 'Truyện Kiều' từ… nước

Thứ Tư, 01/07/2020 06:56 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Có lẽ dư âm của tọa đàm Tiếng Kiều đồng vọng: Một mơ tưởng nguyên tố do nhà nghiên cứu Nhật Chiêu trình bày mới đây tại Đại học KHXH&NV (12 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM) sẽ còn vang vọng dài lâu trong giới học thuật. Từ Hà Nội vào tham dự, PGS-TS Ngô Văn Giá cho biết buổi tọa đàm đã mang lại những kết quả mới mẻ, thú vị.

Hai góc nhìn mới lạ về 'Truyện Kiều'

Hai góc nhìn mới lạ về 'Truyện Kiều'

16/9 là ngày mất của Nguyễn Du, nhưng gần đây không khí tưởng niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào như đã “nóng” lên với những tọa đàm, hội thảo, trò chuyện… Đặc biệt tuần này có 2 cuộc tọa đàm, thảo luận được xem là 2 góc nhìn lạ về "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, trong đó, buổi tọa đàm với diễn giả là nhà nghiên cứu Nhật Chiêu được xem là tọa đàm rất hàn lâm…

Buổi tọa đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia văn học, nhiều giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên… đến từ các trường đại học.

Nước - một yếu tính của “Truyện Kiều”

Trong văn minh lúa nước, văn hóa và ca dao Việt Nam, nước là một hình ảnh xuyên suốt, chất chứa tinh thần và triết lý sống, cách ứng phó với thiên nhiên, cách đối phó với ngoại xâm, chống sự đồng hóa. Điều này đi vào Truyện Kiều rất tự nhiên, rất tinh tế, chuyên chở được hầu hết các triết lý của Nguyễn Du về thế giới quan, về trăm năm, về tài mệnh, về chữ tâm… Nhật Chiêu dùng mơ tưởng của nước để tương chiếu vào hành trình của Thúy Kiều, từ gặp mộ Đạm Tiên, gặp Kim Trọng, gặp sông Tiền Đường, vào am tu, cho tới hồi gia, đoàn viên…

Trong 4 “nguyên tố gốc” theo quan niệm của triết gia Gaston Bachelard (1884-1962) là đất, khí, lửa và nước, do thời lượng buổi tọa đàm, Nhật Chiêu dành nhiều quan tâm đến trí tưởng tượng vật chất của nước (l'imagination matérielle de l'eau) khi tương chiếu với Truyện Kiều. Tất nhiên, ông cũng đưa ra các thí dụ để thấy rằng trong nhân vật Thúy Kiều có tất cả các nguyên tố vừa nêu. Quan hệ Kiều với Kim Trọng mang tính nước, chảy, động; quan hệ Kiều với Thúc Sinh mang tính chất của đất, thực tiễn; quan hệ Kiều với Từ Hải mang tính chất của gió, gắn liền với gươm đao; quan hệ Kiều với Giác Duyên mang tính lửa, vì lửa là đuốc tuệ...

Gaston Bachelard cho rằng nước là một phức cảm văn hóa (le complexe de culture), Nhật Chiêu thì cho rằng lục bát chính là nước. Đây là thể thơ hiếm hoi thời trung đại mà chỉ một cặp 6/8 cũng đủ đầy, mà mấy ngàn câu như Truyện Kiều cũng đủ đầy, rất uyển chuyển. “Điều tuyệt vời của lục bát là người sáng tạo có thể viết thêm mà không sợ thừa hoặc sai luật như nhiều thể thơ khác trên thế giới thời trung đại. Chính vì vậy mà lục bát tự do như nước, chan hòa và dễ sống chung, chính điều này làm nên sức mạnh và vẻ đẹp” - Nhật Chiêu nói.

Chú thích ảnh
Nhật Chiêu tại tọa đàm “Tiếng Kiều đồng vọng: Một mơ tưởng nguyên tố”. Ảnh: Lưu Phương

Sau buổi tọa đàm, lý giải về sự mới mẻ và thú vị như đã nhận định, nhà phê bình văn học Văn Giá cho biết: “Ông Nhật Chiêu sử dụng các “nguyên tố gốc” như đất, nước, lửa và gió để giải mã văn học; phối hợp với cái nhìn Kinh dịch và cả bói bài Tarot. Tiếp cận như vậy vừa mang tính khoa học, vừa mang tính trực giác, mộng tưởng. Ông lân la, trầm tư vào Kiều, sống thực với Kiều, tức là với văn hóa và tiếng mẹ đẻ; không bị nhốt chặt trong trí năng, duy lý, phát huy được cái ngộ năng, trực giác, nghệ sĩ của nhà nghiên cứu. Đây là một cách đọc Kiều mới, khác những cách đọc khác đã và đang có, làm giàu cho ngành Kiều học hiện nay. Tôi mong nhà nghiên cứu Nhật Chiêu công bố chuyên luận này, sẽ có ích cho khoa học về văn học hiện nay”.

Đọc thơ như thơ

“Đọc thơ thì phải đọc bằng chính nguyên tố thơ ca, chứ đừng đọc bằng các nguyên tố ngoại cảnh khác” - nghe Nhật Chiêu nói, cả khán phòng cười to. Họ cười không phải vì không nắm được ý của câu này, mà vì lâu nay trong phê bình và bình giảng thơ ca, chúng ta đã gán ghép quá nhiều chức năng cho thơ, mà dường như quên đi vẻ đẹp của thơ.

Nhật Chiêu nói rằng ông chia sẻ với Gaston Bachelard về ý chí cái đẹp (la volonté de beau), về khái niệm phiếm mỹ luận (pancalisme) - nếu biết nhìn thì ở đâu cũng đẹp. Nguyễn Du nhìn mọi thứ bằng cái đẹp, ngay cả nhìn bi kịch cũng bằng còn mắt của cái đẹp. Đời Kiều dù lưu lạc, bị vùi dập, nhưng “trăm dơ lấy nước làm sạch”, vẻ đẹp của Kiều cũng không mất đi. “Kiều rằng: Những đấng tài hoa/ Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Còn nếu không biết nhìn, cứ khư khư đọc như là một cuộc đấu tranh chống phong kiến, thì Truyện Kiều sẽ bị thuyên giảm giá trị đi rất nhiều lần.

Chú thích ảnh
Thomas L. Cooksey xếp "Truyện Kiều" vào 10 kiệt tác văn chương phi Tây phương

Không phải ngẫu nhiên mà trong cuốn sách Masterpieces Of Non-Western World Literature (tạm dịch: Kiệt tác văn chương phi Tây phương), Thomas L. Cooksey đã xếp Truyện Kiều ngang hàng với sử thi Mahabharata, với Truyện Genji, với Gita Govinda, với Tây du ký, với The Conference Of The Birds… Nhìn vào danh sách 9 kiệt tác còn lại, chúng ta có thể thấy Thomas L. Cooksey phải đủ cân nhắc và thuyết phục khi chọn Truyện Kiều.

Đã có một số ý kiến cho rằng Truyện Kiều chỉ là bản dịch Kim Vân Kiều truyện, điều ấy quả là ấu trĩ. Có lẽ chính những người như Thomas L. Cooksey đã đọc Truyện Kiều như Truyện Kiều, nhận ra được vẻ đẹp toàn bích nên mới xếp vào sách, còn viết thô cứng như Kim Vân Kiều truyện thì chắc không bao giờ” - Nhật Chiêu nói.

Nhật Chiêu mở đầu cho salon văn học

PGS-TS Lê Quang Trường (Trưởng khoa Khoa Văn học, Đại học KHXH&NV) cho biết: “200 năm trước, Nguyễn Du mất trong một đại dịch lớn (1820), 200 năm sau, cũng trong đại dịch mang tính toàn cầu (Covid-19), khắp nơi lại bàn về Truyện Kiều, bàn về thiên tài Nguyễn Du.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã dùng một cách tiếp cận mới, một lý thuyết mới so với các nhà nghiên cứu trước và với chính ông. Cách tiếp cận ấy là kết quả của một tình yêu Truyện Kiều, yêu tiếng Việt và yêu sự đọc văn chương. Với những buổi nói chuyện như thế, bao giờ ông cũng khơi gợi nơi người tiếp nhận những ý tưởng mới, những nguồn cảm hứng mới và chính ông cũng nảy sinh những vấn đề mới, để chắc chắn rằng sẽ có những buổi nói chuyện tiếp theo.

Từ buổi tọa đàm của Nhật Chiêu, Khoa Văn học sẽ tiếp tục tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề với các diễn giả khác nhau trong chương trình mang tính định kỳ như một salon văn học. Ở đó có thể trao đổi, thảo luận, tiếp nhận và sáng tạo. Hy vọng, tương lai gần, chính chúng ta sẽ có lý luận riêng, lý thuyết riêng trong nghiên cứu văn học Việt Nam nói riêng, phương Đông nói chung, để từ đó gợi ý tiếp cận các lý thuyết sẵn có của phương Tây và phương Đông với tâm thế khác, con mắt khác”.

Văn Bảy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›