(Thethaovanhoa.vn) - Khi TT&VH Cuối tuần đặt một câu hỏi với nhạc sĩ Phương Uyên, rằng “Với một giải thưởng như MTV EMA, theo chị, nó có ý nghĩa như thế nào với nhạc Việt thời buổi hiện tại?” thì chị đã trả lời “Quan trọng chứ! Đó chính là sự chấp nhận, rằng bạn không lạc hậu”.
Đó là một câu trả lời rất hay nhưng chỉ mới một vế. Bởi nhiều năm gần đây MTV đang lạc hậu với chính những giá trị của mình.“MTV à, vâng, trước nó là kênh âm nhạc”
Hơn 30 năm trước, khi mà kênh âm nhạc MTV ra đời và soán ngôi của các ngôi sao ca nhạc trên làn sóng phát thanh, lúc ấy một ca khúc nói lên thực trạng này (Video killed the radio star) đã nhanh chóng thành hit. Nhưng giờ 30 năm sau, chính những kênh âm nhạc như MTV lại đang đối mặt với làn sóng xem nhạc trực tuyến mà YouTube là một đại diện tiêu biểu.
Tờ News.radio mới đây đã không ngại chỉ thẳng tên của hiện tượng đó là Internet Killed The Video Star, một sự soán ngôi thiên niên kỷ và MTV đang ngày càng không biết đối phó ra sao cho hợp lý.
Nếu nhớ lại, vào năm 2013 này, lần đầu tiên danh sách đề cử của giải thưởng MTV ngập tràn internet, cụ thể trên cả 3 mạng xã hội: Twitter, Vine và Instagram, một hướng đi táo bạo và chưa từng thấy của MTV. Một tháng trước khi công bố thì mọi thứ được hâm nóng liên tục trên Twitter với hashtag # RoadToTheVMAs, khi gần tới giờ công bố đề cử thì Instagram và Vine đã ngập tràn thông tin.
Và đó trở thành xu hướng của MTV từ đó đến nay. Điều này sẽ càng giải thích thêm cho việc vì sao các nghệ sĩ châu Á thắng liên tiếp tại hạng mục Best Worldwide Act của MTV EMA khi mà hạng mục này là do fan toàn quyền quyết định.
Dòng chữ “Music Television” đã biến mất khỏi lá cờ của kênh truyền hình MTV
Rõ ràng MTV đang tìm được một cách giải quyết vừa thỏa đáng mà không mất mát nhiều. Càng dựa vào sức mạnh của mạng xã hội sẽ lại càng được chú ý nhiều hơn.
Chẳng ai muốn MTV bị quên lãng nhưng dường như càng đối phó với internet, càng mở các chiến dịch thu hút rầm rộ thì dường như MTV quên rằng, họ đã không còn đơn thuần là một kênh âm nhạc nữa…
Kỷ nguyên MTV, thế hệ MTV, phong cách MTV…, tất cả đang bắt đầu có tóc bạc, tính từ ngày 1/8/1981 khi những cư dân ở Bắc New Jersey (Mỹ) mở tivi và thấy phía phải màn hình có logo MTV kèm theo dòng chữ “Music Television”. Và giờ, khi toàn thế giới mở ti vi sẽ thấy logo MTV đã biến mất dòng chữ “Music Television”.
Đó là một chặng đường rất dài. Trên chặng đường đó người ta thấy những nụ cười, máu và nước mắt. Những nụ cười hân hoan đón nhận những làn gió âm nhạc mới, 24 giờ trong ngày, thấy những giọt nước mắt ngày Michael Jackson qua đời, thấy máu đỏ trong căn phòng mà Kurt Cobain tự sát…
Bây giờ MTV dành phần lớn thời lượng cho các reality-show đua nhau thi thố, dành thời lượng để bàn về chuyện làm mẹ đơn thân hoặc có con ở tuổi 16 là đúng hay sai… MTV quả quyết họ phải thay đổi để theo hướng của thời đại mới. Nhưng (rất nhiều người dùng chữ này với MTV), âm nhạc thời đại nào cũng có công chúng riêng của mình và việc tránh thai nên tham khảo ở kênh truyền hình khác.
Nhà phê bình, chuyên gia kinh tế Martin Gropp, của tờ Economics Newspaper (nhìn bằng góc độ kinh tế chẳng liên quan gì đến âm nhạc) cho rằng “Bây giờ mà nhắc đến chữ MTV thì có nghĩa người nói muốn ám chỉ rằng “Vâng, ngày trước nó là kênh âm nhạc”.
Khi mà bất cứ ai cũng hiểu theo nghĩa đó, thì giá trị kinh tế của MTV đã thật sự xuống dốc, chính âm nhạc mới mang đến lượng công chúng ổ định và lâu dài chứ không phải những chương trình thực tế mà thực tế lại chẳng liên quan gì đến MTV cả”.
Kỉ niệm 10 năm MTV tuyên bố mình là kênh truyền hình âm nhạc hàng đầu. Kỉ niệm 20 năm thì đây vẫn là ông khổng lồ trong ngành âm nhạc truyền hình. Kỉ niệm 30 năm thì dòng chữ huyền thoại kia biến mất.
Tờ Foxnews, vốn viết rất cứng, lần này lại càng cứng hơn khi “chua” rằng “30 là đã đủ”. Âm nhạc làm gì có tính thời gian, nhưng khi chữ “Âm nhạc” mất đi, sẽ là một gánh nặng tuổi tác.
Giấc mơ không còn, biển xưa đã cạn nhưng biển nhân tạo thì có
Ở Việt Nam, khi MTV xuất hiện hơn 20 năm trước nó đã nhen nhúm lên giấc mơ cháy bỏng “bay ra biển lớn” của rất nhiều nghệ sĩ Việt.
Nhạc sĩ Quốc Bảo từng nói rằng “Tôi xem MTV Mỹ, MTV châu Á, tôi mua những MV về xem và tự hỏi sao chỗ này không phải là Mỹ Tâm, chỗ kia không phải là Trần Thu Hà?”
Nhạc sĩ Tuấn Khanh từng bay đi bay về Thái Lan - TP.HCM nhiều lần chỉ để làm sao giúp 2 nhóm nhạc của mình (MTV và Trio 666) được lên sóng MTV châu Á. Thậm chí anh còn nhờ người quen ở Mỹ sắp xếp giúp nhưng vẫn không được.
Ai cũng có khát khao để lên được MTV, như một sự định danh và cũng là cách mở lối ra biển lớn.
Cùng với MTV, rất nhiều nghệ sĩ Việt ôm ấp dệt mộng. Những nghệ sĩ mainstream như Lam Trường, Mỹ Linh, nhóm 5 Dòng Kẻ, Đoan Trang, Mỹ Tâm… từng lên những dự án phát hành album quốc tế hoặc cộng tác với những tên tuổi nổi tiếng của nước ngoài. Tam ca Áo trắng từng có đĩa nhạc phát hành ở Nhật. Ca sĩ Hồng Hạnh cũng vậy, rồi đến Mỹ Linh, Hồ Ngọc Hà cũng xuất hiện ở thị trường Nhật, Mỹ Tâm sang Hàn Quốc, Lam Trường tới Thái Lan, Kasim Hoàng Vũ có clip phát ở MTV Thái Lan…
Ngoài ra, những nhóm nhạc được xem là underground ở Việt Nam cũng tìm đường ra biển, thông qua các cuộc thi quốc tế, từ Facebook, từ các trang web, forum nhạc rock…
Hai nhóm rock Việt, Black Infinity và Winfield từng có mặt tại Top 10 cuộc thi Asean best band do MTV châu Á. Đáng chú ý là nhóm Black Infinity từng được tạp chí rock danh tiếng Metal Hammer khen ngợi và bài The Secret của nhóm cũng xuất hiện trong đĩa Planet Metal của tạp chí này.
Nhưng đó là những câu chuyện của nhiều năm trước bởi giờ đây, những giấc mơ khi xưa gần như đã đóng lại. Ít còn thấy những dự án tham vọng nào của nghệ sĩ Việt mang dáng dáp của một dự án quốc tế.
Ngay nhạc sĩ Phương Uyên, người từng ấp ủ giấc mơ MTV khi xưa đã cho rằng “Chính sự vận hành của MTV Việt Nam đã làm cho những giấc mơ không còn là giấc mơ”. Bởi theo nhạc sĩ Phương Uyên “âm nhạc chưa bao giờ vắng mặt trong đời sống chúng ta, chứng tỏ nó chưa bao giờ hết quan trọng. Với âm nhạc, một là bạn đem tới cho khán giả những gì họ cần, hai là bạn phải đón đầu xu hướng. MTV là một kênh Quốc tế, không những bạn phải tạo được sự hấp dẫn cho người xem trong nước và thấy được sự phát triển của âm nhạc Việt Nam đối với thị trường âm nhạc châu Á mà còn phải biết định hướng, cái đó mới là cái khó chứ không phải đi theo khán giả”.
Nhưng như đã nói ở phần trên, MTV thì lại càng ngày càng lệ thuộc vào khán giả.
Nói như nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, “chính xác là MTV đang hụt hơi, không phải dở đi, mà là có quá nhiều “mặt hàng” hội chợ quá. Và kênh nào cũng EDM, cũng MV sexy. Và kết quả là người ta không còn trông chờ và nghiện MTV như trước kia nữa, vì đã bão hòa”.
Nhạc sĩ này cũng phân tích thêm rằng “Nếu tỉnh táo ra một chút, ta sẽ thấy vấn đề MTV chẳng khác nào các nhãn hàng khác. Việc chọn các gương mặt bản địa được tính toán cẩn thận và nằm trong chiến lược kinh doanh của họ, cốt sao nhãn hàng của họ lan tỏa khắp hang cùng ngõ hẻm toàn cầu. Họ mang biển nhân tạo đến cho mình bơi chứ không phải mình đã thật sự ra biển lớn. Và âm nhạc Việt Nam vẫn mang tính chụp giựt, mất cân đối và không có cái gốc căn bản”.
Thiếu “cái gốc căn bản” là điều mà nhiều người đã nói bởi không thể đem tới sự khác biệt nếu như phần nền lại thiếu trầm trọng.
Nhạc sĩ Nguyên Lê, trong lần trở về Việt Nam để làm đĩa Hanoi Duo với nghệ sĩ Ngô Hồng Quang, đã nói rằng cái thiếu của nghệ sĩ Việt là không biết đem điều gì ra bên ngoài biên giới. Sức mạnh của họ là nhạc dân tộc thì không được nghệ sĩ Việt chú ý. Còn nếu đem những dòng nhạc thịnh hành thì không gây được tò mò bởi họ vẫn ở phía sau rất xa.Và như vậy, giấc mơ chinh phục công chúng bên ngoài biên giới vẫn cứ là một giấc mơ đẹp nhưng ngủ quên đã lâu. Và việc Đông Nhi, nếu như, chinh phục được Best Southeast Asia Act tại MTV EMA lần tới đây, có đánh động được giấc mơ cũ hay chỉ là viên đá rớt nhẹ bên hồ, thì như mọi khi, câu kết của mọi vấn đề vẫn là: Thời gian sẽ trả lời.
Kỳ 1: Đông Nhi đến với MTV EMA: Ai hưởng lợi? xem TẠI ĐÂY
Đón đọc kỳ sau: Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: Tôi từng mơ giấc mơ MTV…
Cung Tuy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags