Từ đầu tháng 2 đến nay, Khu liên hiệp xử lý rác thải Xuân Sơn (bãi rác Xuân Sơn) không tiếp nhận rác do một số người dân thôn Hiệu Lực (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) chặn xe chở rác, không cho vào bãi. Nguyên nhân là do người dân phản đối chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng mở rộng bãi rác này.
Theo quy định, các kiến nghị của người dân về chính sách đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng cần có thời gian nghiên cứu, xin ý kiến cấp có thẩm quyền để vận dụng phù hợp, theo trình tự, tuân thủ quy định của pháp luật. Do vậy, không thể lấy lý do chưa được giải quyết do thiếu căn cứ pháp lý để người dân tập trung đông người, cản trở việc xử lý rác, ảnh hưởng đến môi trường chung.
Theo quyết định đã được phê duyệt, gần như toàn bộ thôn Hiệu Lực nằm trong diện giải phóng mặt bằng “Dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500 m) của bãi chôn lấp rác thải Xuân Sơn (5,6 ha) kết hợp trồng cây xanh tạo hành lang cách ly”.
Sau năm 2017, đây là lần thứ hai, người dân thôn Hiệu Lực nhận quyết định về đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng bãi rác Xuân Sơn. Ông Nguyễn Văn Liên (sinh năm 1963) cho biết, gia đình ông được bố mẹ cho ra ở riêng trên mảnh đất 2.668 m2 thuộc xóm Rừng Chạc (thôn Hiệu Lực) từ năm 1987. Ông đã xây nhiều hạng mục công trình trên diện tích đất này. Theo bản kiểm đếm tài sản, gia đình ông có 99 hạng mục công trình nhưng đáng kể nhất là ngôi nhà 3 tầng, diện tích 180 m2/tầng. Theo phương án dự thảo của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì, ông được hỗ trợ, đền bù cả đất, vườn và tài sản công trình, cây trồng trên đất là 2,47 tỷ đồng. Ông Liên cho biết thêm, khi giải phóng mặt bằng, một số công trình trên đất của gia đình ông bị áp mức “không được hỗ trợ” vì cho rằng không hợp pháp do xây dựng sau năm 2014.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Xuân Bài (sinh năm 1967) cho biết, để thực hiện dự án bãi rác Xuân Sơn, lần này, gia đình bà nhận được quyết định thu hồi toàn bộ 3.680 m2 đất ở và vườn; sau lần thu hồi năm 2017. Trên diện tích đất kể trên, gia đình bà có xây dựng nhiều công trình bằng gạch, bê tông cốt thép phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi. Tuy nhiên, theo phương án được lập, gia đình bà có một số công trình thuộc diện “không được đền bù” mà chỉ được hỗ trợ do xây dựng sau năm 2014. Tổng giá trị đền bù, hỗ trợ đất, tài sản trên đất của gia đình bà được hơn 1,477 tỷ đồng.
Chưa thấy hợp lý với phương án đền bù, hỗ trợ về công trình, vật kiến trúc trên đất, 21 hộ dân ở thôn Hiệu Lực đã làm đơn kiến nghị gửi cấp có thẩm quyền. Các hộ dân cho rằng, đơn giá đền bù chưa được như năm 2017 khi cùng triển khai dự án này. Theo đó, các hộ dân trên đề nghị, cơ quan chức năng thực hiện theo Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND ngày 14/10/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc ban hành giá xây dựng mới nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố.
Khi phóng viên làm việc với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Ba Vì về các kiến nghị của người dân, ông Đỗ Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, chia sẻ với đề nghị của người dân nhưng Trung tâm căn cứ vào các văn bản hiện hành liên quan, đặc biệt là Quyết định số 10/2010/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để xây dựng đơn giá đền bù, hỗ trợ cho người dân thôn Hiệu Lực. Trong Quyết định nêu rõ: Công trình xây dựng trước ngày 15/10/1993 hỗ trợ 80% theo đơn giá xây mới; công trình xây dựng từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004 hỗ trợ 50% theo đơn giá xây mới; công trình xây dựng từ ngày 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014 hỗ trợ 10% theo đơn giá xây mới; công trình xây dựng sau ngày 1/7/2014 không được hỗ trợ. Như vậy, phương án dự thảo đền bù, hỗ trợ cho người dân của thôn Hiệu Lực được Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Ba Vì lập với tổng kinh phí là hơn 16 tỷ đồng.
Để tháo gỡ cho dự án, Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì đã có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc xin hỗ trợ khác đối với công trình, vật kiến trúc trên đất của 21 hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng. Theo Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì, các cơ quan chức năng xây dựng phương án đền bù, hỗ trợ cho người dân trên cơ sở của pháp luật. Khi chưa thấy thỏa đáng, người dân có thể kiếu nại, tổ chức kiện ra tòa hành chính nhằm bảo vệ quyền lợi theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người dân cần bàn giao ngay mặt bằng cho cơ quan chức năng theo đúng quy định để triển khai dự án.
Ông Nguyễn Bá Chỉ, Trưởng thôn Hiệu Lực cho biết, trong khi chờ cấp trên xem xét, trước mắt, chính quyền thôn thực hiện tuyên truyền, vận động người dân đồng tình với chủ trương của Nhà nước về giải phóng mặt bằng, đề cao tính thượng tôn pháp luật; tạo điều kiện để xe đưa rác vào bãi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường vì sự phát triển chung của thành phố.
Tags