(Thethaovanhoa.vn) - Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên gây “khó chịu” với người yêu thể thao TP.HCM trong buổi tối 13/10, đó là việc trận đấu đơn nam giữa Hoàng Thiên gặp Huang Liang Chi (Đài Loan, Trung Quốc) và cuộc đối đầu đầy duyên nợ giữa Việt Nam và Thái Lan tại vòng loại World Cup 2018 đều diễn ra vào lúc 19h.
Bình thường người hâm mộ thể thao sẽ dành sự lựa chọn ưu tiên cho bóng đá, nhưng trong buổi tối hôm đó, đã có hàng nghìn khán giả TP.HCM chọn đến CLB Lan Anh xem quần vợt thay vì bóng đá.
Sức hút của Hoàng Nam, Hoàng Thiên
Anh Nam (quận 10) cho biết: “Dù rất yêu bóng đá nhưng tôi quyết định đến sân xem quần vợt để cổ vũ cho Hoàng Nam và Hoàng Thiên, những tay vợt mà tôi chỉ thấy trên báo chí, Internet, hiếm khi được theo dõi thi đấu ngoài đời. Bóng đá thì quanh năm lúc nào mà chẳng có, trong khi lâu lắm rồi quần vợt đỉnh cao mới quay lại Việt Nam”.
Việc lựa chọn xem các tài năng quần vợt Việt Nam thi đấu hay ĐTQG tranh tài cũng là một sự phân vân lớn với nhiều người, nhưng đối với các khán giả thông minh, họ vẫn biết cách điều phối sao cho hợp lý. Một phần không nhỏ các khán giả tại sân trung tâm CLB Lan Anh đã lựa chọn cách “vẹn cả đôi đường” khi vừa xem quần vợt vừa theo dõi kết quả trận bóng đá giữa Việt Nam và Thái Lan qua điện thoại thông minh.
Anh Thành (quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Hiếm khi được xem các tay vợt Việt Nam thi đấu tại một giải đấu đẳng cấp như thế này, nếu không trực tiếp theo dõi thì thật là tiếc. Vì thế, tôi và vợ quyết định đến sân xem Hoàng Nam, Hoàng Thiên thi đấu. Còn bóng đá thì có thể theo dõi kết quả qua điện thoại”.
20h, thời điểm trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn chưa kết thúc cũng như cuộc đối đầu được mong chờ nhất giữa Hoàng Nam và James Duckworth chưa diễn ra nhưng lúc này, từng đoàn người kéo đến lấp kín sân trung tâm Lan Anh.
Phần lớn họ là những người bỏ bóng đá (Việt Nam đang bị dẫn bàn) để đến xem quần vợt. Trong số này có bạn Thanh Tuấn (sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng TP.HCM), người đã bỏ hiệp 2 trận Việt Nam – Thái Lan để kịp đến sân.
Thanh Tuấn nói: “Tôi là một CĐV của Hoàng Nam từ khi Nam vô địch đôi Wimbledon trẻ, nhưng chưa một lần được tận mắt chứng kiến cậu ấy thi đấu. Tôi đã bỏ hiệp 2 của ĐTQG để kịp chạy xe từ quận 7 đến đây với mong muốn một lần tận mắt chứng kiến Nam thi đấu”.
Bóng đá luôn là sự lựa chọn số 1 của rất nhiều người nhưng không phải ngẫu nhiên mà không ít người từ bỏ niềm đam mê này để đến với quần vợt. Điều này đã cho thấy sức hút cực lớn của 2 cái tên Hoàng Nam và Hoàng Thiên.
Dĩ nhiên, cũng dễ hiểu bởi Nam và Thiên đều là những tay vợt hàng đầu của Việt Nam nhưng lại rất ít thi đấu tại TP.HCM, đặc biệt là Hoàng Nam. Từ khi nổi lên sau thành tích giành HCV tại Đại hội thể thao trẻ châu Á 2013 và đặc biệt chức vô địch đôi Wimbledon trẻ 2015, CĐV chỉ biết Hoàng Nam qua báo chí, truyền hình, rất ít khi được tận mắt xem anh thi đấu.
Sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả nhà đã giúp Hoàng Nam, Hoàng Thiên thi đấu kiên cường trước các đối thủ mạnh. Dưới sân, 2 tay vợt 9x cũng biết “đáp lễ” bằng những pha bóng hay và đẳng cấp làm khán giả phấn khích.
Sau trận đấu, Nam và Thiên còn cảm ơn khán giả bằng những món quà từ đồ thi đấu, hay những lời cảm ơn không ngớt với các CĐV đã tạo hưng phấn cho mình.
Phe vé cũng “vào cuộc”
CLB Lan Anh những ngày qua đã chứng điều rất hiếm xảy ra từ trước tới giờ, đó là tình trạng phe vé hoạt động. Tại TP.HCM, thông thường điều này chỉ xảy ra ở những trận bóng đá nhưng với quần vợt thì có lẽ lần gần nhất cũng đã cách đây 10 năm, cũng ở giải này.
Chị Lan, một người dân sống hơn 15 năm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), cho biết: “Tôi sống ở gần đây cũng khá lâu nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy bán vé chợ đen ở một giải quần vợt. Tôi thấy trên TV bóng đá mới có điều này nhưng không ngờ quần vợt cũng có”.
Trước khi diễn ra 2 trận đấu của Hoàng Nam và Hoàng Thiên, không biết có thực sự “sốt” vé hay không mà có khá nhiều dân phe vé đã tìm hỏi mua lại vé của những người chưa vào sân, thậm chí là mua lại vé mời.
Theo người quản lý sân Lan Anh, ở những ngày trước đó dù cũng có các tay vợt Việt Nam thi đấu từ vòng loại hay kể cả những trận đấu có sự hiện hiện những hạt giống hàng đầu nhưng khán giả cũng không đến sân đông lắm, chỉ khi có sự xuất hiện của Hoàng Nam và Hoàng Thiên thì mới đông như thế này.
Qua đây mới thấy, không phải do giải thuộc Challenger Tour đẳng cấp, cũng không phải tên tuổi của các hạt giống mà chính nhờ hiệu ứng từ Hoàng Nam và Hoàng Thiên mới là nguyên nhân chính “kéo” người hâm mộ đến sân.
Cũng vì rất lâu mới được chứng kiến quần vợt đỉnh cao nên nhiều CĐV đến sân Lan Anh xem những trận đấu của Hoàng Nam và Hoàng Thiên mới đây đã không ít lần bị “hớ”. Đơn cử trong trận đấu của Hoàng Nam và James Duckworth, nhiều CĐV đã không ổn định chỗ ngồi mà đi lại trên khán đài đã khiến James khó chịu và dừng trận đấu đến khi khán giả đó ngồi xuống, James mới bắt đầu pha bóng. Khi pha bóng chưa kết thúc, nhiều CĐV tán thưởng bằng tràng vỗ tay cũng không nhận được sự đồng tình của tay vợt người Australia vì nó ảnh hưởng tới sự tập trung. Trước đó, 2 VĐV Nhật Bản trong trận so tài với Hoàng Nam và Nagal đã dừng trận đấu vì điện thoại của một phóng viên ảnh đứng cạnh VĐV đó vô tình đổ chuông. Xem Vietnam Open, nhiều CĐV cũng không khỏi không thích thú với công nghệ đo vận tốc pha bóng của các tay vợt trên bảng điện tử 4 góc khán đài. Sự chuyên nghiệp còn được thể hiện ở những người nhặt bóng, đội ngũ phục vụ hay chiếc khăn cho VĐV lau mồ hôi. Trước mỗi trận so tài, một thành viên của BTC đều đến tận nơi trao cho mỗi VĐV 2 chiếc khăn. |
Bình Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags