Từ chiều tối 31/5, khán phòng tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) đã sớm đầy kín khán giả trong Lễ trao Giải Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 – 2022 và đấu giá nghệ thuật “Vì mái trường cho em” của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
1. Khác với mùa trao giải trước, chỉ tổ chức offline tại trụ sở tòa soạn báo Thể thao và Văn hóa vì lý do dịch Covid-19, lễ trao giải mùa 3 trang trọng, hoành tráng hơn nhiều bởi sự kết hợp nhiều hoạt động trong một, vừa mang tính lễ nghi, vừa mang tính nghệ thuật. Nhưng điểm chung của các hoạt động ấy đều nằm ở hai cái đích: vinh danh những tác giả, tác phẩm xuất sắc của Dế Mèn mùa 3 và vận động quyên góp “Vì mái trường cho em”.
Và, không chỉ có những tác giả tham gia cuộc thi, buổi lễ còn chứng kiến sự xuất hiện của khá nhiều nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ và sự góp mặt của các đơn vị nghệ thuật như dàn nhạc Young Maius Philharmonic, CLB Ngôi sao nhỏ và Nhà hát Tuổi trẻ.
Mới chỉ 3 năm tồn tại, giải thưởng còn non trẻ mang tên Dế Mèn đã tạo được dấu ấn nhất định, với mục tiêu tìm kiếm và tôn vinh các sáng tác, trình diễn nghệ thuật, giải trí xuất sắc “của thiếu nhi” hoặc “vì thiếu nhi”. Như lời Tổng biên tập báo TT&VH Lê Xuân Thành, giải thưởng ấy không phải là một sự kiện đột xuất, nhất thời mà là một một hành trình lâu dài và bền vững.
“Tám tác phẩm lọt vào vòng Chung kết - chấm điểm là những gì xuất sắc nhất của thiếu nhi và vì thiếu nhi trong thời gian qua. Tác giả đoạt giải trong số này xứng đáng là những gương mặt tiêu biểu của nghệ thuật thiếu nhi nước nhà, trong đó thấp thoáng có gương mặt của thần đồng” - Tổng biên tập Lê Xuân Thành khẳng định trong lời phát biểu khai mạc.
Trong những lời chia sẻ trước khi trao giải, nhà thơ Trần Đăng Khoa, chủ tịch Hội đồng giám khảo, nhớ về thời chiến tranh chống Mỹ khi xưa - giai đoạn hoàng kim của những sáng tác dành cho thiếu nhi. Như lời ông, đây là thời kỳ gắn với sự tồn tại của một đội ngũ sáng tác đa dạng và xuất sắc, còn những tác phẩm dành cho thiếu nhi vẫn được coi là mãi là phần tươi thắm, trẻ trung và đáng nhớ nhất của rất nhiều cây bút khác nhau.
“Thiếu nhi ở đâu cũng được yêu mến. Tại Việt Nam, tình cảm ấy lại càng nhiều. Nhưng viết cho trẻ em không đơn giản. Chẳng hạn, bây giờ, chúng ta không thể tìm thấy ngay một đội ngũ đông đảo những tác giả nhí tự viết cho chính mình, kể về thế giới của chính mình như ngày xưa” - nhà thơ chia sẻ - “Trẻ con luôn cần món ăn tinh thần cho các em và tôi đánh giá rất cao tinh thần của báo Thể thao & Văn hóa khi đã huy động sáng tác từ người lớn đến trẻ nhỏ cho thể loại, đề tài này”.
2. Trước lễ trao giải, nhiều thành viên Hội đồng giám khảo đã nhắc tới một tín hiệu vui của năm nay, khi giải thưởng thu hút các tác phẩm của tác giả Việt kiều, hoặc các tác giả, họa sĩ người nước ngoài có nhiều năm gắn bó với Việt Nam và sáng tác hướng tới đối tượng là thiếu nhi Việt Nam.
Và, 2 giải Khát vọng Dế mèn đầu tiên được trao đều thuộc về các trường hợp này: Sách tranh Chiếc dép thất lạc của Geralda De Vos (Bỉ) - Sofia Holt (Thụy Điển) do Kim Ngọc dịch và 2 cuốn truyện dài Emma thảm họa và Biệt đội thám tử của Quyên Gavoye, một chuyên gia người Việt đang sống tại Pháp. Không thể có mặt tại khán phòng, họ đều có những clip chia sẻ gửi tới Hội đồng giám khảo và cử tọa.
Từ Pháp, chị Quyên Gavoye cho biết: “Tôi viết những tác phẩm này ban đầu chỉ với mục đích dành cho các con, giúp các con có thêm những phút giây giải trí, cũng như biết cách xây dựng ước mơ từ những bài học được rút ra trong cuộc sống. Bởi thế, tôi thật sự bất ngờ và cũng chỉ biết gửi lời cám ơn tới giải thưởng vì sự động viên này. Hi vọng, đó cũng là sự khích lệ, để những tác giả khác có thêm những tác phẩm giàu chất lượng dành cho trẻ em của chúng ta”.
Tương tự, cũng từ châu Âu, 2 tác giả của Chiếc dép thất lạc đều bày tỏ sự hào hứng của mình. Bà Geralda De Vos nói: “Tôi xin được cám ơn vì sự trân trọng này. Đó là một giải thưởng có ý nghĩa đặc biệt, khi các bạn cho thấy sự chú ý và quan tâm của xã hội đối với các em nhỏ”. Còn họa sĩ Sofia Holt thì vui vẻ nói thêm: “Đó là phần thưởng thứ hai dành cho tôi. Phần thưởng thứ nhất chính là lời động viên từ bạn bè, khi giúp họ có một chuyến du lịch tới Việt Nam miễn phí qua cuốn truyện tranh này”.
3. Trong khi đó, 2 tác giả nhận giải tiếp theo là Phạm Huy Thông và Nguyễn Hoàng Diệu Thủy lại có những chia sẻ rất nghiêm túc về nghề văn, đặc biệt là mảng sáng tác cho thiếu nhi.
Là biên tập viên lâu năm nhưng mới chỉ “bén duyên” với sáng tác trong thời gian gần đây, Diệu Thủy chia sẻ: “Khi bắt tay vào viết, tôi được truyền cảm hứng rất nhiều từ tuổi thơ của các con mình. Và, tác phẩm cũng khiến tôi bất ngờ khi mình viết xong. Tuổi thơ của trẻ em là một thế giới rất độc đáo, và tôi đã cố gắng thể hiện tất cả mọi suy tư, mộng mơ của tuổi thiếu nhi mà mình có thể hình dung trong đó”.
Còn Phạm Huy Thông nhớ lại lần ra Hà Nội nhận một giải thưởng văn học dành cho thiếu nhi từ 30 năm trước. Thời gian đã làm mọi thứ thay đổi, nhưng sự xúc động của anh khi nhận giải dường như vẫn vẹn nguyên như năm nào. Anh có những lời khá chân thành: “Tôi đã thử sáng tác ở nhiều thể loại, nhưng hóa ra, tôi chỉ có thể đạt được niềm vui và cũng tạm gọi là thành công khi viết về thiếu nhi. Có lẽ, giải thưởng này là một lời nhắc nhở nghiêm túc với tôi, rằng bản thân nên tập trung thời gian và công sức để tiếp tục theo đuổi mang đề tài này…”
- Giải Thiếu nhi Dế mèn: Thấp thoáng bóng dáng thần đồng và định hình cuộc đấu giá nghệ thuật 'dài hơi'
- Thông tin báo chí: Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 3-2022 và đấu giá nghệ thuật 'Vì mái trường cho em'
- Nhà báo Lê Xuân Thành, Trưởng BTC Giải Dế Mèn: Cảm ơn tấm lòng 'vị nghệ thuật' và 'vị nhân sinh' hết mực
Cuối lễ trao giải, sự chú ý của khán giả trong khán phòng tập trung vào An Băng, cô bé 9 tuổi ở Hà Nội, tác giả của chùm 4 truyện ngắn. Ít nói và bẽn lẽn, An Băng vẫn khiến độc giả hào hứng và vui thích, khi trả lời rất thành thật với giám khảo Trần Đăng Khoa rằng em lớn lên chỉ muốn nghiên cứu thiên văn học, thay vì mơ trở thành một nhà văn sau giải thưởng lần này.
Bản thân, sự trong trẻo và hồn nhiên ấy đã là đủ để người ta hiểu về sự vô tư cần thiết của những tác giả nhí trên trang viết. Nó giống như lời chia sẻ rất chân thành của mẹ cô bé trước khán giả: “Bận mưu sinh, tôi đã bỏ qua khá nhiều khoảnh khắc quý giá của An Băng trong cuộc sống hàng ngày. Để rồi, bây giờ tôi nhận ra: Trẻ con là sự cứu rỗi của chúng ta, khiến chúng ta yêu đời và sống trong lành hơn trước những u ám từ bệnh dịch và cuộc sống hàng ngày”.
Trao 5 giải Khát vọng Dế Mèn Không có giải Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight); từ Top 8 tác phẩm lọt vào Vòng Chung kết - chấm điểm, Hội đồng giám khảo đã thảo luận và cho điểm, chọn 5 tác phẩm điểm cao nhất để trao 5 giải Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire), trị giá: 10.000.000 VND/giải, cho (xếp theo thứ tự A, B, C tên tác phẩm): 1. Biệt đội thám tử và Emma thảm họa (2 truyện dài của Quyên Gavoye, NXB Kim Đồng) 2. Cơ Bản là Cơ Bản (truyện dài, Phạm Huy Thông, NXB Kim Đồng) 3. Đu đưa trên ngọn cây bàng (bản thảo truyện dài, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy) 4. Bản thảo chùm truyện ngắn của Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi) 5. Chiếc dép thất lạc (sách tranh; Tác giả: Geralda De Vos (Bỉ) - Sofia Holt (Thụy Điển), dịch: Kim Ngọc; NXB Kim Đồng) Từ mùa giải năm nay, nhóm các nhà tài trợ IDG Capital Vietnam, METAIN Co-Investment Platform và Tinh Vân-Histaff, Dược Hà Nam chung tiền thưởng dành cho các tác giả nhí 100 triệu/năm, tài trợ trong 5 năm thành 500 triệu. Nếu số tiền dùng làm giải thưởng cho các tác giả nhí còn thừa thì dùng cho các mục đích khác như học bổng, xuất bản sách… Tại buổi lễ trao giải, nhóm tài trợ đã tưởng thưởng 10 triệu cho ê-kíp thực hiện bộ sách tranh 7 tập Covid trong mắt trẻ thơ (Lời: Thanh Tâm; Tranh: Thuần Nhiên - Hoàng Phương - Khôi Nguyên - Sinh Hùng - Nguyên An - Tú Uyên - Gia Linh - Trọng Hiếu; Chuyển ngữ: Thuần Nhiên - Sinh Hùng - Hoàng Phú - Hoàng Long) do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành. Đồng thời nhân đôi số tiền thưởng cho cô bé Nguyễn Vũ An Băng (9 tuổi) lên thành 20 triệu đồng. |
Cúc Đường
Tags