Sáng 31/1, Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2023 đã diễn ra tại Nhà hát Quân đội, Hà Nội với 05 giải A, 26 giải B, 30 giải C, 27 giải Khuyến khích và 05 chương trình biểu diễn xuất sắc.
Trong số 5 giải A được trao, có 3 giải A thuộc mảng ca khúc, 1 giải A thuộc mảng ca khúc thiếu nhi và 1 giải A hợp xướng. Đặc biệt, 1 tác phẩm đạt giải A Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2023 đã được nhận giải kép của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2023 là Hợp xướng Dáng đứng Ấp Bắc của tác giả Chung Hữu Phú (Bến Tre).
Tại Lễ trao giải, PGS-TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật, cho biết: Giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhằm vinh danh các nhạc sĩ, nghệ sĩ cùng những sáng tạo âm nhạc xuất sắc trên các lĩnh vực: sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình và đào tạo. Qua đó tiếp tục động viên các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình, nhà giáo âm nhạc tiếp tục sáng tạo và cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà nói riêng và nền văn học nghệ thuật của đất nước nói chung.
"Thông qua các giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng là sự tích lũy những thành tích sáng tạo nghệ thuật của mỗi nhạc sĩ, nghệ sĩ làm cơ sở tiến tới những giải thưởng cao hơn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật" - ông khẳng định.
Ở thể loại khí nhạc, một số tổng phổ viết chưa đạt, còn lỗi từ sự hiểu biết về dàn nhạc giao hưởng và tính năng nhạc cụ.
Nhiều hạng mục vắng giải A
Các tác phẩm dự thi năm nay có số lượng tăng hơn năm trước. Trong số 275 tác phẩm của 275 tác giả là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước gửi tham dự, thể loại Thanh nhạc có 209 tác phẩm; ca khúc thiếu nhi có 23 tác phẩm; Giao hưởng có 3 tác phẩm; Thính phòng (Độc tấu - Tứ tấu - Hòa tấu nhạc cụ) có 14 tác phẩm; hợp xướng và Acappella có 6 tác phẩm; Ca khúc nghệ thuật có 4 tác phẩm; Chương trình biểu diễn có 7; và 9 công trình lý luận, gồm sách nghiên cứu, sách biên soạn và sưu tầm, các tập bài báo về âm nhạc.
Tuy nhiên, giải thưởng cao trong các lĩnh vực vẫn chưa có những đột phá khi có khá nhiều mảng âm nhạc thiếu vắng giải A như giao hưởng, thính phòng, ca khúc nghệ thuật, sách chuyên khảo và nghiên cứu, sách biên soạn và báo chí.
Có thể thấy, đây không phải là năm đầu tiên Giải thưởng Âm nhạc có thực trạng này. Bên cạnh đó, các khuyết điểm trong các tác phẩm dự thi cũng được hội đồng nghệ thuật chỉ ra rõ như ở thể loại khí nhạc, một số tổng phổ viết chưa đạt, còn lỗi từ sự hiểu biết về dàn nhạc giao hưởng và tính năng nhạc cụ. Một số tác phẩm phối các bè lỏng, chênh hòa thanh, hoặc xếp bè rỗng, hòa thanh chủ yếu đồng âm.
Các tác phẩm dự thi về thể loại hợp xướng, ca khúc nghệ thuật chủ yếu là đồng ca, nếu là ca khúc có bè giai điệu thì chưa có chủ đề rõ ràng để phát triển; một số tác phẩm cấu trúc không rõ ràng, với lối viết quá cũ, melodi cứng, tiết tấu đơn giản, thiếu cảm xúc (âm nhạc trên máy); một số tác phẩm Acapella chưa phát huy giọng hát của các bè là để hỗ trợ đan xen nhau, thay vào đó là dùng giọng hát thay cho phần đệm của nhạc cụ… Các chương trình biểu diễn nghệ thuật chưa đúng tinh thần chương trình biểu diễn âm nhạc.
Song, nhìn lại mảng khí nhạc, vẫn có những tín hiệu đáng mừng như đã có tác giả trẻ đã mạnh dạn viết theo ngôn ngữ phóng khoáng, kết hợp đa dạng, có động lực sáng tạo, tìm tòi, thể hiện tính độc lập, tự tin. Dù hiệu quả chưa thực sự cao như tác phẩm Divergent (Chamber Orchestra) nhưng đây là tác phẩm khá chắc tay trong bút pháp.
Ngoài ra, một số đề tài có tính dân tộc, đậm nét âm nhạc truyền thống, biết tìm tòi cái mới mẻ, có sự kết hợp khá tốt giữa âm nhạc phương Tây và âm nhạc truyền thống, biết kế thừa nguồn gốc âm nhạc cha ông, tiếp thu một cách có chọn lọc những bút pháp, những thành tựu của âm nhạc thế giới.
Với thể loại ca khúc, vốn là mảng có số lượng tham dự dồi dào, cũng có những "gạch đầu dòng" như: thể hiện được sự đa dạng về đề tài, song vẫn có những mặt hạn chế như còn nhiều sáng tác đi theo lối mòn, phổ thơ chạy theo lời hay mảng ca khúc thiếu nhi chưa được quan tâm sát sao.
Những gương mặt quen
Nhìn vào danh sách các tác giả được giải năm nay, có thể thấy có những gương mặt trẻ đang có độ "phủ sóng" đại chúng như nghệ sĩ Trịnh Minh Hiền, Bùi Hà Miên (giải Chương trình biểu diễn nghệ thuật xuất sắc). Bên cạnh đó cũng có những tác giả đã hoạt động kì cựu trong nghề như nhạc sĩ Văn Thành Nho (giải A - Ca khúc thiếu nhi), Nguyễn Lân Cường (giải B - Ca khúc nghệ thuật), PGS.TS Vũ Tự Lân (Giải B - không có giải A - Lý luận/Sách biên soạn, sưu tầm), nhạc sĩ Trương Quang Lục (giải Khuyến khích - Lý luận/Báo chí), nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu (giải B - không có giải A - Lý luận/Báo chí), nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long (giải C- Lý luận/Báo chí), nhạc sĩ Giáng Son (giải C - Ca khúc), nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (giải B - Hợp xướng).
Nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường - người đã nhận 18 giải thưởng từ Hội nhạc sĩ Việt Nam qua các mùa giải vẫn rất phấn khởi khi lần này, ông tiếp tục được xướng tên ở hạng mục Ca khúc nghệ thuật (Giải B - Không có giải A) với tác phẩm Có lẽ nào lại thế, được phổ thơ của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến.
Chia sẻ với báo Thể thao và Văn hóa tại sự kiện, nhạc sĩ Lân Cường cho biết, viết ca khúc nghệ thuật rất khó vì phải có phần đệm riêng cho piano.
"Vậy mà vô tình gặp được bài thơ Có lẽ nào lại thế trong cả một tập thơ rất dày của nhà thơ Lam Luyến, tôi ngồi vào đàn chơi một mạch những giai điệu cứ tuôn chảy trong đầu ra luôn ca khúc này mà lời thơ không phải sửa một chữ nào" - nhạc sĩ kể - "trong kho tàng sáng tác khoảng 100 ca khúc của mình, tôi chưa có tác phẩm nào viết về tình yêu, trừ bài Đôi mắt em tôi viết cho vợ. Thế nên, đến gặp nhà thơ Lam Luyến, tôi hỏi cô ấy có bài thơ nào không để mình viết một ca khúc (romance). Luyến bảo tôi, cô ấy có nhiều thơ lắm nhưng mọi người cứ bảo đấy là thơ thất tình. Nhưng khi đọc Có lẽ nào lại thế, tôi thấy rất hay và khi sáng tác xong, tôi rất thỏa mãn khi đã viết được một ca khúc romance thực sự".
Cùng với niềm vui nhận giải thưởng, nhạc sĩ Lân Cường còn đưa ra đề xuất: nên chăng cần xuất bản sách cho những tác phẩm đoạt giải thưởng Âm nhạc mỗi 5 năm/lần. Có như vậy, các tác phẩm được giải mới có sức lan tỏa và sống trong đời sống của công chúng rộng rãi hơn.
Những dấu ấn đậm nét năm 2023
Năm 2023, Hội nhạc sĩ Việt Nam đã có những hoạt động mang dấu ấn đậm nét, góp phần vào những thành tựu văn hóa xuất sắc của năm. Tiêu biểu là Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ X (2020 - 2025), nhằm tổng kết công tác nửa đầu nhiệm kỳ và đề ra phương hướng nhiệm vụ công tác từ nay đến hết nhiệm kỳ.
Ngoài ra là các hoạt động sôi nổi như tổ chức thành công Liên hoan Âm nhạc toàn quốc (2 đợt) tại An Giang và Hà Giang; Chương trình nghệ thuật "Đàn Chim Việt" kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn học nghệ thuật tiêu biểu năm 2023; tổ chức các cuộc tọa đàm với các chủ đề bổ ích, thiết thực gắn liền với công tác sáng tác, nghiên cứu, bảo tồn giá trị âm nhạc; các hoạt động tri ân như chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh các nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Trọng Loan, nhạc sĩ Xuân Oanh…
Nhân dịp này, Hội đã trao chứng nhận cho 34 hội viên mới, công bố quyết định thành lập Trung tâm Âm nhạc trẻ và thành lập Ban Đối ngoại Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Tags