Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1-2020:
1 giải 'Hiệp sĩ Dế Mèn' và 4 giải 'Khát vọng Dế Mèn' vẫn là quá... ít
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều nay (29/9), tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Số 5 - Lý Thường Kiệt, Hà Nội), Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã tổ chức Lễ trao giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1-2020.
Dưới đây là Báo cáo tổng kết giải thưởng, xin được trân trọng thông tin đến quý độc giả:
Trước hết, thay mặt Hội đồng Giám khảo, tôi xin chúc mừng báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) đã có sáng kiến tổ chức giải thưởng đầy thú vị này. Xin chúc mừng các tác giả đoạt giải. Trong đó có những nhà văn đã rất nổi tiếng, lại có những tác giả lần đầu cầm bút, cầm cọ, có tác giả còn ở lứa tuổi thần tiên. Đặc biệt chúc mừng các bạn đọc khả kính, các em thiếu nhi yêu quý đã có được những món quà đầy ý nghĩa trong dịp Tết Trung Thu năm nay.
Với 1 giải Hiệp sĩ Dế Mèn và 4 giải Khát vọng Dế Mèn, Giải thưởng Dế Mèn lần 1 - 2020 được xem là một vụ mùa bội thu những sáng tác, trình diễn nghệ thuật dành cho các em. Vụ bội thu này tưởng như tương phản với cảm quan chung của mọi người về một bức tranh khá trầm lắng của nghệ thuật thiếu nhi trong nhiều năm qua, nhưng thực chất, nó lại phản ánh rất trung thực bức tranh vừa “có nền lại vừa có đỉnh” của mảng sáng tác này, dù chưa phải là những đỉnh cao xuất chúng.
Theo Quy chế của Giải (đã công bố hồi tháng 5/2020), Giải thưởng Lớn Hiệp sĩ Dế Mèn (Cricket Knight) được trao cho cho sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc nhất năm, có giá trị nổi bật về nội dung và hình thức, và ĐÁNG ĐỂ thiếu nhi thưởng thức.
Với tiêu chí thiên về định tính này, Ban sơ khảo và Hội đồng giám khảo thật sự gặp khó khăn. Hai chữ “Hiệp sĩ” trong hạng mục Giải thưởng Lớn Hiệp sĩ Dế Mèn vô hình trung đã tạo nên sự kỳ vọng quá lớn vào tác giả có tác phẩm được chọn. Trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn giống như sự “tấn phong” một tước hiệu cao quý cho ai đó, đương nhiên công chúng đòi hỏi nhân vật đó phải có tài năng xuất chúng ra sao? Bề dày thành tích thế nào, phẩm cách con người và phẩm cách văn chương phải hoàn thiện đến đâu?
Trước sức ép đó, Ban sơ khảo và Hội đồng Giám khảo nhận thấy rằng, để tìm một tác phẩm xuất chúng hoặc một thần đồng để trao giải Hiệp sĩ Dế Mèn là rất hiếm hoi, dự báo là hạng mục này có thể sẽ phải để trống trong nhiều năm. Đấy là điều rất đáng tiếc.
Chính vì vậy sau phiên họp thứ nhất vào ngày 8/7, Ban tổ chức và Hội đồng Giám khảo quyết định, vẫn giữ tiêu chí quan trọng nhất của Giải Hiệp sĩ Dế Mèn là trao cho “sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc nhất năm, ĐÁNG ĐỂ thiếu nhi thưởng thức”, nhưng nếu không tìm được tác phẩm xuất chúng hoặc thần đồng, thì có thể xét cho những tác giả cũng có tác phẩm xuất sắc trong năm, tuy có thể chưa đạt được mức xuất chúng, nhưng nếu tác giả có bề dày sáng tác cho thiếu nhi và có nhiều hoạt động vì thiếu nhi thì có thể xem như là những “điểm cộng”.
Như vậy là, Giải Hiệp sĩ Dế Mèn, bên cạnh việc tìm kiếm các tác phẩm xuất chúng, các thần đồng trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật thì còn hướng đến những cây bút thành danh, có bề dày sáng tác cho thiếu nhi, với những đỉnh cao trong quá khứ, nhưng vẫn còn rất sung sức, vẫn có sáng tác hay trình diễn mới ở mức xuất sắc trong năm xét giải. Những tác giả đó xứng đáng được tôn vinh.
Năm nay, dù không gửi dự thi nhưng 2 tác phẩm Chuyện của anh em nhà Mem và Kya (Nguyễn Quang Thiều) và Làm bạn với bầu trời (Nguyễn Nhật Ánh) vẫn được các thành viên Ban sơ khảo phát hiện và bình xét với số phiếu rất cao tại vòng sơ khảo và chung khảo.
Không ai còn nghi ngờ gì về cụm từ “Hiệp sĩ của tuổi thơ” mà PGS-TS Ngô Văn Giá đã nhận định về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với tư cách là tác giả của hàng chục đầu sách, thu hút một số lượng lớn độc giả thiếu nhi. Ở tác phẩm mới này, như tên của nó Làm bạn với bầu trời, là một ngụ ý làm nên cái tứ của truyện. Trong một tình thế cụ thể, cậu bé Tèo bị bệnh, suốt ngày nằm bên cửa sổ, ngắm bầu trời, trăng sao, hoa cỏ, muôn loài. Nhưng vượt thoát ý nghĩa cụ thể, hình ảnh bầu trời chính là vương quốc của bầy tiên, của cao xanh, của sự thanh sạch, của mộng mơ và khát vọng… Sự mộng mơ có khi giúp con người chiến thắng được bệnh tật, vượt qua những cám dỗ tầm thường, hướng tới những điều tử tế và cao quý. Những thứ tầm thường, độc ác của đời sống bụi bặm hàng ngày không có khả năng giết chết được những mộng mơ. Mộng mơ làm nên ý nghĩa của mỗi đời người. Mộng mơ được quyền tồn tại…
PGS-TS Ngô Văn Giá đã nhận xét trong bài viết dành cho Ban tổ chức Giải Dế Mèn rằng: Nguyễn Nhật Ánh vẫn bảo toàn được một tâm hồn trẻ thơ vô nhiễm; và nhờ thứ năng lượng ấy, ánh sáng ấy, các trang văn trong lành, lương thiện và mơ mộng của anh sẽ còn nối dài thêm mãi”.
Không thuộc top những tác phẩm xuất sắc nhất cuả Nguyễn Nhật Ánh như: Cho tôi một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Ngồi khóc trên cây, Lá nằm trong lá, Tôi là Bêtô, nhưng Làm bạn với bầu trời vẫn rất hấp dẫn, với không khí mơ màng, cổ tích như phong cách quen thuộc của tác giả. Với điểm cộng từ bề dày sáng tác, cùng với thành công nhất định của Làm bạn với bầu trời, Nguyễn Nhật Ánh đã đoạt giải Hiệp sĩ Dế Mèn năm nay.
Còn Chuyện của anh em nhà Mem và Kya của Nguyễn Quang Thiều thì chỉ vẻn vẹn có vài ngàn chữ, như một cuốn cuốn nhật ký nhỏ của gia đình, và ban đầu, tác giả cũng chỉ định in hơn trăm cuốn để làm quà cho hai cháu nội ngoại của mình, nhưng tác giả Con quỷ gỗ đã gây kinh ngạc cho Ban sơ khảo, Hội đồng Giám khảo. Những mẩu chuyện nhỏ nhưng kỳ lạ bởi dấu ấn của "chủ nghĩa hiện thực huyền ảo", khi hai đứa trẻ, vừa mới ra đời đã có tiếng nói riêng của chúng - tiếng khóc - mà người lớn không hiểu, và chính bởi thế, nên hai đứa bé đó đã phải tuyển thư ký - là ông nội mình, là một nhà thơ nổi tiếng, cũng bởi chỉ có nhà thơ mới có thể làm “thông ngôn” cho tuổi thơ, cho tiếng khóc của chúng...
Từ góc nhìn đó, các mẩu chuyện được xâu chuỗi lại. Về bản chất, mỗi mẩu chuyện, mỗi tình huống ấy chỉ là những trang nhật ký dễ thương như rất nhiều ông bố bà mẹ vẫn ghi chép về con cái họ từ khi chào đời, nhưng tác giả đã nâng lên thành những bài thơ văn xuôi với tính triết lý sâu sắc, với hơi thở nhân văn đến cùng tận về sự sống vừa tươi mới vừa trường cửu qua mỗi thế hệ, mỗi dòng họ, mỗi quê hương, và cho cả toàn cầu…
Một cuốn sách dí dỏm, vui tươi, không thiếu tiếng cười và những liên tưởng ngộ nghĩnh trẻ thơ mà không kém phần sâu sắc, nhưng bên trong nó còn ẩn sâu bóng dáng của một nhà duy mỹ khổng lồ. Cuốn sách không chỉ truyền cảm hứng cho các ông bố bà mẹ, mà đọc xong người ta còn muốn được làm… ông nội, ông ngoại, để làm bạn với những đứa cháu nội cháu ngoại bé nhỏ của gia đình mình, dòng tộc mình.
Phút cuối cùng, nhà văn Nguyễn Quang Thiều (ngoài cùng bên phải) đã có tâm thư xin rút tên khỏi Giải thưởng. Ảnh: Hòa Nguyễn - TTVH
Nhà nhà văn Nguyễn Quang Thiều không gửi tác phẩm dự thi, và từ khi được biết Ban sơ khảo có đề cử cuốn sách của mình, ông một mực xin rút khỏi các vòng chấm chọn. Lý do cũng dễ hiểu: Nhà văn Nguyễn Quang Thiều là một thành viên Hội đồng Giám khảo, và là một thành viên rất tích cực. Sau khi đối chiếu với Quy chế Giải thưởng Dế Mèn, Ban sơ khảo và tập thể Hội đồng Giám khảo nhận thấy việc chấm giải cho tác phẩm này không hề vi phạm thể lệ và thuyết phục tác giả rằng nếu tác phẩm thực sự tốt, thì Giải có trách nhiệm phải xem xét, đánh giá một cách công bằng. Nếu chỉ vì yếu tố tác giả mà vội loại tác phẩm hay ra thì thiệt thòi lại chính là bạn đọc và các em thiếu nhi.
Chuyện của anh em nhà Mem và Kya có thể chưa phải là kiệt tác so với Con quỷ gỗ hay Bí mật hồ cá thần… - những đỉnh cao trong quá khứ của chính tác giả - nhưng nó lạ lùng và tràn đầy cảm hứng. Và nếu lấy bề dày sáng tác cho thiếu nhi của tác giả làm điểm cộng thì Nguyễn Quang Thiều hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Hiệp sĩ Dế Mèn.
Tuy nhiên, phút cuối cùng, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã có tâm thư xin rút tên khỏi Giải thưởng. Ta hãy nghe nhà văn giãi bày: "Có thể giải thưởng Dế Mèn năm nay chưa hẳn trọn vẹn, nhưng tôi muốn nó trọn vẹn theo một nghĩa khác. Đó là thái độ của người chấm giải, sự uy tín và là bước đệm cho những mùa giải tiếp theo. Tôi rút khỏi giải là một thái độ để chúng tôi tôn trọng giải đó cao hơn nữa. Chuyện của anh em nhà Mem và Kya được đón nhận đối với tôi đã là một niềm hạnh phúc. Tôi cũng thấy hạnh phúc và vô tư khi rút khỏi giải thưởng. Và càng hạnh phúc hơn khi tôi - chúng ta đang nỗ lực từng ngày vì một nền văn học cho trẻ em, vì quyền lợi trẻ em tại Việt Nam”.
Và như vậy giải thưởng năm nay chỉ có duy nhất 1 Hiệp sĩ Dế Mèn được trao cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Tác giả Nguyễn Nhật Ánh người đoạt Giải "Hiệp sĩ Dế mèn" giao lưu cùng khán giả. Ảnh: Hòa Nguyễn - TTVH
4 giải Khát vọng Dế Mèn không phải là nhiều khi chia đều cho 1 truyện dài (Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm của Cao Khải An, 12 tuổi); 1 chùm tranh chủ đề Covid-19 của Nguyễn Đới Chung Anh (10 tuổi); 1 tập truyện ngắn (Mộng giang hồ của Nguyễn Chí Ngoan) và 1 chùm ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm là một bản thảo (chưa xuất bản) của Cao Khải An (12 tuổi), một tác giả còn rất mới, quê ở Cà Mau. Và cũng gần như nhan đề của nó, tập truyện gồm những mẩu chuyện nhỏ khôi hài, đôi khi rất… lơ tơ mơ về những chuyện xảy ra quanh mình:
“Sanh ở trong Thùng Rác,
có kèm theo một tờ giấy,
ghi là sanh vào ngày 25 tháng 1 năm 2009,
và con được ba má nhặt về,
tắm một ký xà bông còn chưa hết hôi thúi”
(Truyền thuyết của bà ngoại)
Đây là cách cậu bé tự giới thiệu về mình ở đầu tập truyện. Điểm rất mạnh và gây bất ngờ ở cậu bé 12 tuổi này là vốn sống dồi dào, chữ nghĩa phong phú, chất Nam Bộ đậm đà. Khi bà ngoại đã mất, cậu bé cảm thấy: “Đúng là bà ngoại còn sống thật. Ở trong cái tính hay quên của mẹ, trong cái cây ngoại trồng, trong gương mặt của dì Út. Hay ở trong mấy món ăn mà mợ Ba nấu đãi cả nhà, món nào cũng mang hương vị đậm đà đặc trưng của bà ngoại”.
Một đoạn văn mang đầy tinh thần Thiền.
Việc một chú bé sáng tác theo kiểu hiện thực, tức là bắt rễ vào trong đời sống của chính mình để viết là một xu hướng đáng khuyến khích trong bối cảnh mà nhiều tác giả thiếu nhi viết văn theo xu hướng giả tưởng. Đáng nói, đây gần như là tác phẩm đầu tay của cậu bé. Khải An bảo rằng, những ngày nghỉ học do dịch bệnh cậu đã lục tung tủ sách của gia đình đọc những quyển mà mình nghĩ rằng nó đáng đọc. Đọc liên miên cho đến khi nảy ra ý định viết ra những câu chuyện đang diễu hành trong đầu mình.
“Xóm Đồi Rơm ở đâu ta? Hỏi vậy là bởi chỉ vừa mới dạo một vòng trong xóm thì đã nhận ra cảnh trí này quen thuộc lắm, từ Bắp chuyên nghề ăn mơ - cái đứa mà tôi có lần dẫn vào khu vườn hoang trong xóm để nhặt nhạnh những gì còn sót lại của khu vườn, đứa mà đến bầy muỗi đói cũng không thèm chích trong khi tôi bị chúng bu như vãi trấu; cho đến tụi bạn của nó… tất cả đều quen, cứ như tôi từng là một trong những đứa trẻ của xóm Đồi Rơm ấy, cùng chung một giấc mơ, chỉ có điều bây giờ tôi trót tỉnh. Rồi bao ngờ ngợ lập tức tan biến khi tôi tóm được già Đặt Đi - ông già mà tôi có không ít lần trêu ghẹo và bù khú cùng, chính lúc ấy, thói quen xác tín lập tức trỗi dậy và trước mắt tôi hiện ra gương mặt một cậu bé trắng trẻo với đôi má phúng phính ngồi trước chiếc đàn dương cầm và dạo cho tôi biết giai điệu của Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ” - nhà văn Lê Minh Nhựt (Cà Mau) nhận xét. Là người có quen biết với gia đình cậu bé, anh cũng là một trong những người đầu tiên được đọc tác phẩm này trước khi được gửi dự thi.
Cao Khải An (giữa) nhận giải Khát vọng Dế Mèn. Ảnh: Hòa Nguyễn - TTVH
Trong khi tập truyện ngắn Mộng giang hồ của Nguyễn Chí Ngoan - một giáo viên tiểu học ở Kiên Giang - lại rất đặc sắc và có nghề. Mộng giang hồ có dung lượng tương đối mỏng, song là một tập truyện khá hoàn chỉnh và có sức nặng để trình làng văn cho một cây bút vẫn còn khá mới. Nó cho thấy đề tài đời sống “nhỏ” của các số phận người bình thường trong xã hội vẫn còn nhiều đất để khai thác, nhất là cuộc sống của trẻ thơ và lứa thiếu niên ở các làng quê.
Xét về vai trò một tác phẩm tham dự cuộc thi, tập truyện ngắn này có thể coi là một phát hiện. Có thể thoạt đầu đọc sẽ thấy kết cấu các truyện hơi lỏng, thậm chí những cái kết bỏ lửng, song một khi đã bắt được mạch và giọng thì người đọc có khả năng bị cuốn hút hoàn toàn. Bản thảo gồm 7 truyện ngắn, xoay quanh những số phận con người nhiều thất bại ở làng quê - những thực trạng diễn ra tàn phá nông thôn, ảnh hưởng đến cuộc sống những đứa trẻ vắng bóng cha hay mẹ, chúng tìm tình cảm từ làng xóm. Nhân vật trung tâm thường là cô bé nghèo ở nông thôn với cá tính dữ dội nhưng tràn đầy tình yêu thương. Khi tìm về những mối quan hệ cộng đồng nhiều nét chất phác, tinh thần tập truyện gợi nên những bùi ngùi và cảm thông. Điều này gợi đến tập Ngọn đèn không tắt hoặc những tác phẩm thời kỳ đầu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, hay một tác giả Nam Bộ khác là Võ Diệu Thanh, những tác giả đã xác lập tên tuổi bằng mảng đề tài này.
Nguyễn Chí Ngoan cho biết: “Phần lớn các sáng tác trong tập truyện ngắn Mộng giang hồ được tôi viết trong những ngày giãn cách xã hội, khi nhìn vào đâu cũng thấy lẻ loi. Bất chợt tôi nhớ tuổi thơ mình da diết, những ký ức ngày xưa cứ ùa về, thôi thúc tôi phải viết cái gì đó cho tháng ngày đã qua”… “Phần lớn các sáng tác của tôi đều là viết về số phận của những con người ở vùng nông thôn miền Tây heo hút mà tôi từng chứng kiến. Những câu chuyện của họ cứ ám ảnh trong đầu tôi mà chẳng thể nào dứt ra được. Thế là tôi viết. Có thể tôi chưa thật sự khắc họa được hết chân dung của họ thông qua trang viết của mình. Nhưng tôi vui vì mình đã mang họ đến được với độc giả, khóc cười cùng họ. Có những câu chuyện tôi chứng kiến có cái kết rất bi thảm nhưng khi viết đến đoạn kết tôi không “nỡ” lòng để nhân vật mình phải chịu như thế. Hay có câu chuyện rất nhiều năm sau tôi vẫn chưa từng gặp lại họ, không biết sau lần gặp cuối cùng đó, họ đã tan vào đâu giữa biển người mênh mông”.
Cho dẫu những điều chưa như ý, về sự hoàn chỉnh của một tập truyện cho một tác giả vùng nông thôn Nam Bộ, Mộng giang hồ đem lại một hy vọng khá ấm áp về khả năng ảnh hưởng của văn chương trong cuộc sống. Ở một không gian đương đại, văn chương và đề tài thiếu niên trong đời sống thực với đủ sắc thái vui buồn vẫn có sức lan tỏa trước sự lấn át của các phương tiện điện tử và thế giới ảo.
Tác giả Nguyễn Chí Ngoan nhận giải Khát vọng Dế Mèn. Ảnh Hòa Nguyễn - TTVH
Vượt lên trên những bức tranh mang tính tuyên truyền, cổ động về chủ đề phòng chóng Covid-19; cũng rất khác so với những bức tranh “ngây thơ có phần ngây ngô” của thiếu nhi; Những bức tranh về Covid-19 của cô bé 10 tuổi Nguyễn Đới Chung Anh là một góc nhìn vừa hồn nhiên vừa dữ dội về sự hỗn loạn cũng như sự kiên cường của thế giới trong đại dịch.
Tuy mới 10 tuổi nhưng truyện tranh của Chung Anh có sự chững chạc và phức tạp về bố cục, tạo hình, cách lồng ghép câu chuyện và cả khả năng liên tưởng.
Hội đồng Giám khảo có biết sự nổi tiếng của những bức tranh này trên truyền thông trong nước và quốc tế, nhưng có thể nói rằng, chúng tôi rất ít bị chi phối bởi sự nổi tiếng đó. Nhưng chúng tôi cũng không thể không ngưỡng mộ về “nghệ thuật kiên cường” của Nguyễn Đới Chung Anh, khi nghe em chia sẻ về lý do ra đời của bộ tranh: “Đó là do những ngày đầu tiên sau khi nghỉ Tết, con đã không được đến trường vì dịch bệnh. Con đã rất lo lắng sau khi nghe các tin tức trên ti vi, và con đã vẽ ra giấy những gì con nghĩ đến. Đó là câu chuyện ở những đất nước đầu tiên có Covid-19. Các bạn nhỏ ở nước đó cũng bị ảnh hưởng như chúng con. Lúc đầu con vẽ 1 rồi 2, rồi 3 bức... con không nghĩ đến bây giờ con đã có 14 bức tranh nói về đại dịch này”.
“Con đã vẽ những điều tốt đẹp mà chúng ta thấy giữa đại dịch, mỗi một lòng tốt tỏa sáng như những chiếc bóng đèn. Và khi lòng tốt khớp vào với nhau, xã hội sẽ chuyển động tốt hơn, ánh sáng lòng tốt sẽ soi sáng những ngày tháng tăm tối của đại dịch. Con mong không chỉ trong chiến dịch, cũng không chỉ khi có dịch bệnh, mà ngay cả khi những ngày bình thường, lòng tốt sẽ còn mãi” - cô bé nói.
Không biết rồi đây Chung Anh có tiếp tục theo đuổi con đường hội họa hay không, nhưng cứ dấn bước, em sẽ là một tín hiệu đáng trông chờ của giới mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Lê Linh và họa sĩ Thành Chương trao giải Khát vọng Dế Mèn cho họa sĩ nhí Nguyễn Đới Chung Anh. Ảnh: Hòa Nguyễn - TTVH
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (sinh năm 1983), nổi tiếng với hàng loạt ca khúc nhạc trẻ trữ tình, nổi bật là Nhật ký của mẹ (Đề cử Giải Âm nhạc Cống hiến 2013) nhưng từ khoảng 2012, anh bất ngờ rẽ sang tập trung sáng tác cho thiếu nhi khi trông nom cô cháu gái nhỏ tuổi. Anh đã sáng tác 300 bài hát cho thiếu nhi thì có đến hơn 100 bài đã phát hành, hơn 10 bài được phổ biến rộng rãi và quen thuộc, nằm trên cửa miệng của các bé, được bật thường xuyên tại các trường tiểu học, mầm non, các khu vui chơi thiếu nhi, các trung tâm mua sắm và 5 bài được đưa vào sách giáo khoa. Ban sơ khảo đề cử chùm tác phẩm sáng tác từ 2019 đến nay của Nguyễn Văn Chung gồm 11 bài dưới đây, trong đó 8 bài đã thu âm, 4 bài cuối cùng có bản nhạc:
Chúng con cảm ơn cô, Mỗi ngày học là một ngày vui, Bảng chữ cái, Cẩn thận khi qua đường, Ai cũng cần có một người thầy, Tiếng Việt thiêng liêng, Yêu sao hai tiếng thân thương gia đình, Không đâu bằng nhà mình, Rửa tay nào, Tự bảo vệ chính mình, Lời Bác mãi còn đây, Các loại xe.
Sự gần gũi, mộc mạc trong cách lựa chọn đề tài và lời ca khúc là điều dễ dàng nhận thấy trong các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Phần lớn, các bài hát đều có tiết tấu hiện đại, ca từ đơn giản nhưng có ý nghĩa và không kém phần sâu sắc.
Anh quan niệm, nếu ai đó nghĩ rằng, viết nhạc thiếu nhi là đơn giản, dễ dàng thì chắc chắn là sai lầm. Vì rõ ràng các bé thiếu nhi bây giờ rất khác chúng ta ngày xưa, các bé giỏi hơn, thông minh hơn, tiếp cận với nhiều nguồn thông tin hơn nên gu thẩm mỹ âm nhạc và độ cảm thụ cũng cao hơn, nhiều lựa chọn hơn các thể loại âm nhạc. Vì thế chúng ta cũng phải thích nghi, học hỏi và tiếp cận nhiều hơn để có thể có được tư duy chính xác khi viết nhạc thiếu nhi. Không còn là những bài hát đơn giản chung chung ngắn gọn như xưa, mà mỗi bài hát phải cùng lúc đáp ứng nhiều tiêu chí khác nhau: Có tiết tấu hiện đại, ngôn ngữ chân thật và cũng phải gần gũi với đời sống của chúng. Nội dung phải đúng với những gì chúng đang quan tâm, hình ảnh cũng phải đầy màu sắc, đủ thu hút và tạo sự thú vị. Bên cạnh đó, thông điệp bài học ý nghĩa phải được lồng ghép nhẹ nhàng, khéo léo, không hô hào sáo rỗng... Tất cả điều đó cần được nghiên cứu một cách cẩn thận và khoa học trước khi đặt bút viết một bài hát thiếu nhi với nguồn cảm xúc sẵn có.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (giữa) nhận giải Khát vọng Dế Mèn. Ảnh: Hòa Nguyễn - TTVH
“Khi tôi quyết định viết nhạc thiếu nhi, nghĩa là tôi đã quyết định xây dựng môi trường xung quanh các bé để luôn luôn có nguồn ý tưởng và cảm xúc dồi dào để viết. Vì thế tôi mới mở những lớp dạy thanh nhạc cho các bé thiếu nhi từ 4 - 12 tuổi. Quả thật, sau khi mở lớp, mỗi ngày tôi đều như được sống cùng trong thế giới trẻ thơ của các con, nói những điều các con hay nói, lắng nghe những điều các con quan tâm, nhìn thế giới cũng bằng đôi mắt của các con, chơi đùa với chúng, dạy dỗ chúng, tâm sự với chúng... Mỗi ngày đều có được rất nhiều ý tưởng và chủ đề cho những bài hát thiếu nhi. Hầu như viết mãi không hết, rõ ràng, thế giới tuổi thơ thật nhiều sắc màu và có quá nhiều điều thú vị, tôi muốn ghi lại hết tất cả những gì các con yêu thích quan tâm”.
1 giải Hiệp sĩ Dế Mèn và 4 giải Khát vọng Dế Mèn được trao trong mùa giải đầu tiên vẫn là quá ít so với mong muốn của Hội đồng Giám khảo, khi từ hơn 100 tác phẩm dự thi, chúng tôi đã chọn được 12 tác phẩm rất tốt vào vòng cuối cùng. Những tác phẩm ấy đều rất xứng đáng được trao giải, nhưng thật tiếc là số lượng giải buộc phải tiết chế. Một lần nữa xin chúc mừng báo Thể thao và Văn hóa, chúc mừng các tác giả đoạt giải và chúc mừng tất cả chúng ta.
T/M HỘI ĐỒNG GIÁM KHẢO
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG
TRẦN ĐĂNG KHOA