Tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 xuất hiện bản thảo một truyện dài có dung lượng khá đồ sộ của cô bé 10 tuổi Đoàn Lữ Thụy Phương. Truyện có 2 phần tương đối độc lập, nên được Ban sơ khảo gợi ý nên tách ra thành 2 chùm truyện mang tên Tôi, bố tôi, và… và Từ những bức thư. Các chùm truyện này đã vinh dự lọt Top 10 Chung khảo.
Mới đọc, cảm thấy truyện mô tả hơi lan man, tự nhiên, thấy gì kể nấy, không có ý tứ rõ ràng. Nhưng đọc kỹ thấy cả 2 chùm truyện đều khá. Chùm Tôi, bố tôi, và... là những mẩu chuyện về gia đình qua góc nhìn của cô bé, dù có vẻ như thấy gì kể nấy, nhưng tổng thể lại toát lên được bầu không khí của một gia đình vô cùng ấm áp. Ông bố thích "cà khịa", không biết tiếng Anh, chơi bóng bàn dở, không biết vẽ… nhưng xâu chuỗi tất cả các tình huống vào lại thấy nổi bật lên hình tượng của một ông bố cực kỳ thú vị. Một ông bố hay cà khịa làm cô bé phát bực nhưng đó cũng chính là một ông bố rất hay ho, rất mực tôn trọng con và chơi với con theo triết lý bình đẳng. Ở đó có mục đích giáo dục sâu xa.
Nhà thơ Đoàn Văn Mật - nguyên mẫu của ông bố cà khịa trong tác phẩm của con gái mình - chia sẻ: "Đối với tôi, không chỉ với Thụy Phương mà cả các em nhỏ xung quanh, tôi chơi đều rất bình đẳng. Tức là tôi chơi với trẻ con giống như khi tôi là trẻ con, chứ tôi không chơi áp đặt theo cách tôi là một người lớn. Bởi vì khi chơi như vậy, chúng sẽ rất dễ chia sẻ và kể những suy nghĩ của chúng cho mình. Cách nói chuyện hằng ngày giữa tôi và con gái giống như 2 người bạn, không có khoảng cách nhiều".
Anh nói thêm: "Ở thành phố, trẻ con thiệt thòi hơn rất nhiều vì các con không có không gian. Chính vì thế, tôi đã cùng con chơi những trò chơi của trẻ con, đọc những cuốn sách của trẻ con, nghe những bài hát của trẻ con, để thấy niềm vui của con cũng là niềm vui của mình...".
Sức tưởng tượng và cả ngôn ngữ văn chương của cô bé 10 tuổi thật đáng khâm phục: Nhìn cánh chim bố vẽ, em cảm thấy nó "muốn bay lên chơi với cánh chim của tôi". Chùm truyện Từ những bức thư cũng rất kỳ lạ. Chẳng hạn, bức thư của chiếc dép bị bỏ đi. Chiếc dép kể, nó được đưa vào nhà máy tái chế, và "...một anh công nhân hỏi: "Em có muốn mất đi trí nhớ không?" Tớ biết, khi mất trí nhớ thì tớ sẽ không còn nhớ bạn nữa nên dứt khoát trả lời: "Không ạ!" Tái chế xong, tớ thành một đôi giày cao gót đen trắng cho trẻ em. Ngày mai, tớ sẽ được bày bán tại một của hàng giày dép. Hôm nay, nhớ bạn và hy vọng bạn sẽ tìm mua được tớ để chúng ta lại có thể chu du cùng nhau" (Ký tên: Đôi dép cũ của bạn).
Giám khảo Lê Linh nhận xét: "Câu chuyện Từ những bức thư có ý tưởng rất độc đáo, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: Việc biết lắng nghe từ những vật tưởng chừng như vô tri sẽ khiến chúng ta sống tốt đẹp hơn với mọi người, mọi vật xung quanh vì ai cũng có tâm hồn. Còn lại là những câu chuyện gia đình được kể rất hồn nhiên, trong sáng với lối viết rất hóm hỉnh, đôi lúc khá lan man nhưng ta vẫn thấy trong đó ẩn chứa tình yêu thương to lớn của cô bé 10 tuổi với gia đình của mình và ngược lại".
"Từ khi còn rất nhỏ, những ngày tháng đầu tiên bước vào cấp 1, cháu đã viết sách rồi, và đã rất thích việc này. Mỗi khi viết xong, cháu cũng nhờ bố mẹ đọc và góp ý. Có những góp ý cháu nghe, nhưng cũng có những góp ý cháu thấy chưa cần thiết phải thay đổi. Thật ra gia đình chúng tôi rất tôn trọng sự sáng tạo hay tất cả những cảm nhận của trẻ em" - nhà thơ Lữ Mai, mẹ của tác giả nhí Đoàn Lữ Thụy Phương.
Trước lễ trao giải của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trò chuyện nhanh với tác giả nhí Đoàn Lữ Thụy Phương.
* Thụy Phương bắt đầu viết 2 cuốn sách này từ khi nào?
- Con bắt đầu viết từ năm 8 tuổi. Và những nguồn cảm hứng của con bắt đầu từ những sự vật xung quanh mình, những câu chuyện với bố mẹ, từ cái cây, từ con sóc, từ ngọn cỏ... Chúng giúp cho con viết ra những mẩu chuyện ngắn như vậy.
* Nhân vật chính trong cuốn sách "Tôi, bố, và..." chính là bố của Thụy Phương. Lý do vì sao Phương lại viết những câu chuyện về bố?
- Bố là người khá gần gũi với con, bố hay bày trò trêu chọc con, từ đó con viết ra những câu chuyện hài hước về bố.
* Trong những câu chuyện về bố, Thụy Phương thích câu chuyện nào nhất?
- Câu chuyện con thích nhất về bố là mẩu chuyện "tấm ngân phiếu nhường nhịn", được con viết vào dịp sinh nhật của bố con.
* Trong quá trình viết sách, bố mẹ đã hỗ trợ Thụy Phương như thế nào?
- Khi viết sách xong, con đều đưa cho bố mẹ đọc và góp ý, nghe những lời khuyên của bố mẹ để sửa cho câu chuyện được hoàn thiện hơn. Bố mẹ hay góp ý cho con về câu từ, tránh bị lặp từ và nên thay thế từ ngữ sao cho chuẩn.
* Cuốn sách còn lại Phương viết về điều gi?
- Con sử dụng trí tưởng tượng của mình để viết những lá thư của các đồ vật như cây bút thất lạc, đôi dép cũ, đám mây, tán cọ… và để viết thư cho chính mình ạ.
* Trong tất cả các câu chuyện mình viết, Thụy Phương ưu tiên yếu tố nào nhất?
- Con ưu tiên yếu tố nhí nhảnh, hài hước. Vì khi viết truyện thiếu nhi, con mong muốn đem lại cho mọi người tiếng cười và sự sảng khoái.
* Cám ơn và chúc Thụy Phương tiếp tục chuyên tâm với sở thích cầm bút của mình!
Lễ trao Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn sẽ diễn ra từ 14h ngày 31/5 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Tài trợ chính: Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải. Đồng tài trợ: Tập đoàn TH (đơn vị sở hữu thương hiệu TH True Milk).
Trải qua 25 năm hình thành và phát triển với sứ mệnh mang lại giá trị cho khách hàng, đối tác, xã hội và phát triển kinh tế đất nước với tinh thần tận tâm phục vụ. Hiện nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) là tập đoàn công nghiệp đa ngành, có các tập đoàn thành viên hoạt động trong những lĩnh vực: Ô tô, nông nghiệp; cơ khí và CNHT; đầu tư và xây dựng; thương mại, dịch vụ và logistics, có tính bổ trợ, tích hợp cao trong từng tập đoàn và giữa các tập đoàn thành viên và THACO.
Tags