(Thethaovanhoa.vn) - Sự nghiệp đặc biệt của Beatles đã “cất cánh” tại Câu lạc bộ Ngôi sao ở Hamburg (Đức) vào ngày 17/8/1960. Đó là nơi các chàng trai đến từ Liverpool của Anh quốc trở thành “Tứ quái” huyền thoại, tạo nên sự cuồng loạn bất cứ nơi đâu họ đặt chân tới sau này.
Thời điểm đó, 5 nhạc sĩ vô danh đến từ Liverpool gồm Pete Best, George Harrison, John Lennon, Paul McCartney và Stuart Sutcliffe đã có những buổi trình diễn đầu tiên tại câu lạc bộ Indra ngay cạnh... khu đèn đỏ Reeperbahn ở Hamburg. Họ thuộc ban nhạc Silver Beatles.
“Ăn mừng” thành công đầu tiên
Thời điểm ấy, Silver Beatles có rất ít hợp đồng biểu diễn ở thành phố quê hương Liverpool. Vì vậy, việc tham gia trình diễn chính thức tại một câu lạc bộ ở thành phố cảng nước Đức là sự kiện mang tính cột mốc đối với ban nhạc.
Sau thời gian trình diễn tại Indra, Silver Beatles đã khuấy động sân khấu tại các câu lạc bộ khác của Hamburg, gồm Kaiserkeller, Top Ten và Câu lạc bộ Ngôi sao (Star Club) - nơi Beatles “ăn mừng” thành công đầu tiên của họ và loại bỏ từ “Silver” ra khỏi tên của ban nhạc. Chưa kể, kiểu tóc “mop-top” (kiểu rối xù) đặc trưng của các thành viên Beatles cũng được hình thành ở Hamburg.
- Paul McCartney nhớ lại chuyện The Beatles từ chối biểu diễn cho một nhóm đặc quyền
- Ca khúc 'The Word' của The Beatles: Khởi nguồn cho triết lý về tình yêu và hòa bình
“Đó là một trong những nơi hoang dã nhưng tuyệt vời nhất” - tay trống Pete Best nhớ lại. Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước chuỗi buổi hòa nhạc đầu tiên tại Hamburg, Pete Best đã bị loại và phải “nhường chỗ” cho tay trống Ringo Starr tài năng hơn.
Ban nhạc từng có những thời điểm lưu lại ở khu đèn đỏ Reeperbahn và các thành viên Beatles vẫn nhớ đến thời điểm đó với những khoản nợ nần trong quán bar, hay việc bị cảnh sát giam giữ vì gây phiền phức cho cộng đồng. Paul McCartney từng kể lại: “Chúng tôi sống ở đằng sau sân khấu, trong một rạp chiếu phim ngay cạnh nhà vệ sinh”.
Thời điểm đó, mỗi thành viên Beatles kiếm được khoảng 30 mark/đêm trong một hợp đồng biểu diễn kéo dài 7 tiếng - cho đến sáng sớm. Vào cuối tuần, họ sẽ chơi thêm một tiếng. Dần dần, màn trình diễn của ban nhạc dài thêm theo từng buổi. Sau mỗi đêm diễn, họ giải khuây bằng bia, thịt viên và... ma túy.
“800 tiếng trong phòng tập” - Paul McCartney từng nói đùa khi kể về những năm tháng ở Hamburg. Đó là khoảng thời gian gắn kết nhất của các thành viên ban nhạc với nhau. Và một huyền thoại âm nhạc cũng ra đời từ đó.
Tại đây John Lennon nói rằng họ chơi bất cứ thứ gì họ có thể nghĩ ra. “Chúng tôi là những nghệ sĩ biểu diễn trong các vũ trường của Hamburg. Và những gì chúng tôi tạo ra thật tuyệt vời”.
Các màn trình diễn của Beatles gây tiếng vang đến mức Horst Fascher, chủ sở hữu của Câu lạc bộ Ngôi sao, đã chú ý đến họ. Ông đặt hàng Beatles trình diễn tại câu lạc bộ của mình. Ở đó các thành viên Beatles học hỏi được nhiều điều khi xem màn diễn trên sân khấu của các ngôi sao khác.
Beatles ngày càng trở nên nổi tiếng và họ đã có bản thu âm đầu tiên với ca sĩ kiêm nhạc sĩ nổi tiếng người Anh Tony Sheridan. Đó là bản thu âm của My Bonnie, bài hát dân gian có thêm yếu tố rock 'n' roll. Sau đó, My Bonnie đã lọt vào vị trí thứ 5 bảng xếp hạng Đức.
Để rồi, vào đêm Giao thừa năm 1962, Beatles có màn diễn cuối cùng tại Câu lạc bộ Ngôi sao. Lúc đó, Beatles đã trở thành những nhạc sĩ với sự nghiệp rực rỡ ở phía trước.
Có rất nhiều huyền thoại về các màn diễn của Beatles tại Câu lạc bộ Indra. Người ta còn nói rằng Paul McCartney đã sử dụng một phần địa chỉ của câu lạc bộ - Grosse Freiheit 64 - trong ca khúc When I'm Sixty-Four.
Dù chuyện này có đúng hay không thì câu lạc bộ Indra bây giờ vẫn quảng bá với khẩu hiệu “Indra - nơi ban nhạc Beatles trình diễn đầu tiên khi tới Đức”.
Tạo cơn sốt trong lần tái xuất
Năm 1966, Beatles trở lại Đức trong niềm hân hoan của rất nhiều người hâm mộ. Suốt 3 ngày lưu diễn của Beatles, giới truyền thông Đức hầu như không nói về bất cứ điều gì khác.
Khi máy bay của Beatles hạ cánh xuống sân bay Munich lúc 12h56’ ngày 23/6/1966, sự hỗn loạn đã xảy ra. 200 cảnh sát cố gắng kiểm soát các fan một cách tuyệt vọng. Các nhà báo xông vào cầu thang. Paul mỉm cười với họ, John đã tìm cách qua đám đông, còn các thành viên khác biến mất giữa biển người.
Người ta còn chụp nhiều bức ảnh ghi lại cảnh người hâm mộ chờ đợi trước khách sạn Bayerischer Hof ở Munich, nơi ban nhạc trú chân. Đám đông la hét trong khi quản lý khách sạn sốt sắng tìm cách đặt phòng cho “Tứ quái”. Sau đó từ cửa sổ phòng khách sạn, bộ tứ nổi tiếng chào đón người hâm mộ đang phấn khích. Đáng nói nữa, John, Paul, George và Ringo đã nhận được một món quà địa phương rất đặc biệt: Lederhosen - chiếc quần da truyền thống của vùng Bavaria.
Trong khi giới trẻ của Đức điên cuồng với Beatles thì thế hệ lớn tuổi hơn lại tỏ ra khó chịu. Giới truyền thông ngạc nhiên trước sự thành công của họ và tờ Münchener Merkur hàng ngày tập trung vào những khiếm khuyết của các thành viên ban nhạc hơn là tài năng của họ.
“John Lennon bị cận, Paul McCartney thuận tay trái, George Harrison với đôi tai to và Ringo Starr với chiếc mũi rất dài” - tờ Münchener Merkur tỏ vẻ nhạo báng về đặc điểm của các ngôi sao.
Beatles đã tổ chức 2 buổi hòa nhạc tại lều xiếc lớn nhất của Munich vào ngày 24/6, làm nức lòng người hâm mộ trong nửa giờ vào buổi chiều và một lần nữa vào buổi tối. Buổi diễn thành công tới mức nhật báo Süddeutsche Zeitung bày tỏ lo lắng về sự vững chãi của mái lều. "Khi guitar bắt đầu chơi những nhịp điệu nặng hơn, bạn nên rời khỏi khu vực này vì những lý do an toàn”.
Thực tế, Vương quốc Anh đã có kinh nghiệm đối phó với hiện tượng cuồng tín của người hâm mộ nhưng nước Đức thì tới thời điểm đó mới “nếm trải”. Nhiều người lớn tuổi đã sốc khi đọc những dòng ghi chép của phóng viên của Main-Echo từ buổi hòa nhạc: “18h56’. Một cô gái 16 tuổi nhảy lên, chạy vài bước về phía sân khấu, ngã xuống sàn và hét lên. Nhân viên y tế túm lấy cô và bế cô ấy ở ngoài”.
Sau 2 màn diễn ở Munich, Beatles tới Essen. Trước đó, thành phố Berlin đã đàm phán với quản lý ban nhạc, nhưng Beatles từ chối chơi ở các địa điểm lớn như sân vận động Olympic hoặc Waldbühne, nơi có sức chứa 69.000 chỗ ngồi và 22.000 chỗ ngồi. Thay vào đó, họ biểu diễn cho 8.000 người hâm mộ tại hội trường nhỏ hơn ở Essen.
Khi Beatles xuất hiện trên sân khấu ở Hamburg, người hâm mộ tuổi vị thành niên phát cuồng trong 25 phút. Tất cả các cô gái đều rên rỉ và la hét khản cả tiếng theo nhịp điệu của thần tượng.
“Đó là sự cuồng loạn lớn nhất từng diễn ra trong hội trường này” - cây bút của tờ Hamburger Morgenpost viết về 2 buổi hòa nhạc của Beatles trước sự cổ vũ của 5.700 người ở Hamburg. Trong khi đó, tờ Bild chỉ ngắn gọn: “Họ la hét. Họ đã khóc. Họ ngã lộn nhào”.
Beatles kết thúc chặng diễn ở Đức sau 6 buổi biểu diễn ngắn trong 3 ngày. Ngày 27/6/1966, hàng ngàn người hâm mộ đã đến sân bay của Hamburg để nói “Auf Wiedersehen” (Tạm biệt. Hẹn gặp lại) và tiễn Beatles sang châu Á lưu diễn.
Beatles bay thẳng đến Tokyo và giới truyền thông Đức thở phào nhẹ nhõm. “Chúng tôi đã sống sót trước sự cuồng nộ Beatles” - một tờ báo của thành phố Baden-Baden viết.
Âm nhạc còn thô sơ Theo Martin King, Giám đốc Bảo tàng Câu chuyện Beatles ở Liverpool: “Thời điểm Beatles tới Hamburg, âm nhạc của họ vẫn còn thô sơ và chưa được định hình. Nhưng thời gian ở Hamburg là một phần quan trọng trong câu chuyện của Beatles”. Đối với thế hệ lớn tuổi hơn, âm nhạc của Beatles khi ấy không có gì khác ngoài sự ồn ào, huyên náo. Nhưng đối với những người trẻ tuổi, nhạc của Beatles được xem là một sự nổi loạn chống lại “một thế giới lý tưởng”. Âm hưởng rock 'n' roll của Beatles, nhịp điệu dậm mạnh và riff guitar đặc biệt được giới trẻ yêu thích và say mê. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags