(Thethaovanhoa.vn) - Liên tiếp trong vòng một tháng qua, dư luận Hàn Quốc không khỏi bàng hoàng trước các vụ tự tử của những ngôi sao ca nhạc được giới trẻ mến mộ tại quốc gia này. Những vụ việc này càng làm "nóng" thêm các cuộc thảo luận về tình trạng công kích đời sống cá nhân và bắt nạt trên mạng mà những ngôi sao trẻ dễ tổn thương đang phải chịu đựng và tại sao những hành động này vẫn xảy ra mà không có hình phạt.
Hôm 24/11, ca sĩ Goo Hara, cựu thành viên nổi tiếng của nhóm nhạc KARA và được công chúng ưu ái với biệt danh "Búp bê xứ Hàn", được tìm thấy tử vong tại nhà riêng, nghi do tự tử. Những ghi chép mà cô để lại đều thể hiện sự thất vọng về cuộc sống bản thân.
Cô là một trong các nạn nhân của nhưng chỉ trích ác ý trên mạng nhằm vào đời sống riêng tư của các nghệ sĩ. Bản thân cô từng lên tiếng về tình trạng này sau lần tự tử bất thành hồi tháng 5 vừa qua. May mắn thoát khỏi cái chết, cô đã đứng lên kêu gọi cộng đồng chung tay chống lại tình trạng bắt nạt trên mạng nhưng những áp lực cuối cùng đã khiến cô phải đầu hàng và ra đi ở độ tuổi 28.
Trước đó chưa đầy một tháng, nữ ca sĩ Sulli, cựu thành viên nhóm nhạc thần tượng nữ f(x), cũng đã lựa chọn tự vẫn để kết thúc cuộc đời ở độ tuổi 25 như một cách thoát khỏi nỗi ám ảnh bị cộng đồng mạng soi mói đời sống riêng tư.
Cảnh sát Hàn Quốc coi bạo lực mạng là một tội nghiêm trọng và đã triển khai chương trình giáo dục cộng đồng về loại hình tội phạm này, cũng như cách để tránh trở thành nạn nhân hay thủ phạm của các cuộc tấn công trên mạng. Cảnh sát cho biết số cáo buộc liên quan tới loại tội phạm này đã tăng lên gần 150.000 vụ trong năm 2018 nhưng đây mới chỉ là một phần rất nhỏ của thực tế.
Cho tới nay, vẫn chưa có cơ quan nào giúp đỡ các nạn nhân của loại tội phạm đang ngày càng gia tăng tại quốc gia từng được biết đến là nơi có tỷ lệ tiếp cận Internet cao nhất trên thế giới. Chuyên gia nghiên cứu tội phạm mạng của Cảnh sát Seoul, Jeon Min-su cho rằng không giống như khi bị tổn thương về thể chất, nạn nhân có thể tìm gặp bác sĩ để được điều trị, những nạn nhân chịu tổn tương vì bạo lực mạng hiện vẫn chưa có nơi hỗ trợ.
- Bản tin Kpop: Tại sao BTS 'trắng tay' tại AAAs 2019, Goo Hara từng tham gia vạch trần tội lỗi của Jung Joon Young?
- AAA 2019: Dàn sao Kpop đã bắt đầu AAA 2019 tại Mỹ Đình
- Bản tin Kpop: Những điểm chung giữa Goo Hara và Sulli trước khi tìm đến cái chết, BTS viết tiếp lịch sử trên đất Mỹ
Nền âm nhạc Hàn Quốc đang ngày càng trở nên phổ biến tại châu Á nhưng vẫn còn những góc khuất chưa được làm sáng tỏ với hàng loạt bê bối tổ chức đánh bạc, mại dâm bị phanh phui trong thời gian qua. Những bê bối đó phần nào hé lộ một bầu không khí đầy áp lực, cạm bẫy và cả những tủi hờn mà các nghệ sĩ trẻ tại quốc gia này phải đối mặt trên con đường xây dựng sự nghiệp. Cùng với những áp lực trong ngành, sự vô cảm của đám đông "cộng đồng mạng" đã đẩy không ít nghệ sĩ tới bước đường cùng.
Tư vấn viên Kwon Young-chan, người từng là nạn nhân của nạn bạo hành trực tuyến, cho rằng những thủ phạm thường bắt đầu tới những bình luận nhẹ nhàng nhưng lại khơi mào cho một cuộc tranh cãi trước khi trở thành một "đòn giáng" mạnh với nạn nhân. Cuộc sống cá nhân của các ngôi sao luôn đứng trước nguy cơ bị tác động bởi những thông tin đồn đoán và những vụ tấn công cá nhân trực tuyến.
Xã hội Hàn Quốc cũng đang đi tìm câu trả lời cho bài toán này khi ngày càng nhiều người lên tiếng. Nghĩ sĩ Park Sun-sook, một cựu phát ngôn viên của tổng thống, người từng đưa vấn đề tấn công mạng ra dư luận vào năm 1998, mong muốn thúc đẩy luật cho phép mọi người yêu cầu các trang web gỡ bỏ những bình luận giả mạo hoặc ác ý. Bà cho rằng các ngôi sao trẻ đang không được bảo vệ trước vấn nạn này và đã đến lúc luật pháp và xã hội đứng ra bảo vệ cho họ.
Lê Ánh - TTXVN
Tags