Ca khúc 'Dancing On My Own' của Robyn: Nỗi buồn tối thượng

Chủ nhật, 31/10/2021 14:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Dancing On My Own mở đầu với nhịp 4/4 trọng âm đều bản năng, đưa đẩy nhất trong vài thập kỷ qua. Tốc độ hoàn hảo ở khoảng 118 phách trên 1 phút, gần với những gì mà các nhà khoa học cho là nhịp đi ưa thích nhất của con người. Vòng hợp âm I - IV - V lập tức tạo cảm giác quen thuộc, như thể nó đã ở đó ngay từ đầu.

Ca khúc 'Alright' của Kendrick Lamar: Hàng ngàn ngả rẽ từ một tuyệt phẩm

Ca khúc 'Alright' của Kendrick Lamar: Hàng ngàn ngả rẽ từ một tuyệt phẩm

Xuyên suốt "Alright" là những tiếng “dah dah dah” đầy ám ảnh từ giọng của nhà sản xuất Pharrell Williams. “Có thể, đó là tiếng của tổ tiên - những người không bao giờ nhận được công bằng mà họ xứng đáng hưởng” - như nhà phê bình Miles Marshall Lewis nhận định.

Mọi thứ đều nhằm mục đích khiến người nghe mỉm cười và nhảy nhót. Một ca khúc teen pop hoàn hảo! Mọi người đều thích nó. Họ phát ca khúc hàng giờ, bật đi bật lại trên những chuyến đi dài, là điệu nhảy bùng nổ ở mọi bữa tiệc, nhất là tiệc cưới.

Khi trái ngược hòa làm một

Nhưng Dancing On My Own có nhiều hơn thế rất nhiều. Khi ca từ vang lên, khán giả lập tức nhận ra Robyn đã cho họ một cú lừa, thả một miếng mồi lớn rồi giật lại. Trái với sự sôi động hân hoan, đó thật ra là một ca khúc tan nát trái tim: “Họ nói rằng anh đã có người mới/ Cô ta có yêu anh hơn em?/ Bầu trời đen khổng lồ trên thị trấn/ Em biết anh ở đâu, em cá cô ta cũng ở đó”.

Lời hát cũng khiến nhiều người tin rằng đó là thánh ca đồng tính khi Robyn hát: “Em không phải anh chàng anh đưa về nhà”. Điều này có thể là đúng, nhưng Dancing On My Own vẫn chưa dừng lại ở đó khi người ta có thể hân hoan hát nó lúc chán nản trước cuộc đời hay khi cận kề cái chết. Phút tráng lệ huy hoàng cho những người đang hướng tới sự trống trải điêu tàn. Tất cả những cảm xúc xung đột đều gói gọn trong Dancing On My Own. Đó cũng là điều khiến nó trở nên bất hủ.

Chú thích ảnh
Robyn trên bìa đĩa đơn "Dancing On My Own"

Chính bối cảnh ra đời của ca khúc cũng là một sự hòa trộn những thứ đối nghịch.

Vào cuối những năm 1990, khi vẫn còn ở tuổi thiếu niên, Robyn đã có 2 đĩa đơn lọt Top 10 ở Mỹ. Show Me Love Do You Know (What It Takes) đứng cùng hàng trong dòng nhạc teen pop thời đó, âm thanh giống như Backstreet Boys, ‘N Sync và Britney Spears. Nhưng chưa đầy 10 năm sau, Robyn bỏ lại tất cả, lập hãng đĩa riêng, Konichiwa Records, thay đổi hình ảnh và bắt đầu chuyển sang làm nhạc pop góc cạnh hơn.

“Đó là một sự thay đổi lớn với tôi” - Robyn nói với NPR năm 2010, “nhưng tôi thật sự không cảm thấy mình có lựa chọn nào khác. Đối với tôi, đó là điều cuối cùng để thử, trước khi tôi bỏ làng nhạc”.

Và nó đã thành công. Album mang tên Robyn và album sau đó, bộ 3 Body Talk (mà Dancing On My Own là đĩa đơn mở đường), đưa cô lên thành ngôi sao ở châu Âu và được yêu thích tại Mỹ. Thế nhưng, thật ra Robyn không rời bỏ teen pop mà đưa nó vào vùng đối nghịch.

Nhà phê bình âm nhạc Sasha Geffen cho rằng trong trang mới sự nghiệp của mình, Robyn đã thành công bởi cô vẫn còn giữ chất teen pop trong tim, ngay cả khi cô đã chia tay nó. “Cô đã học được cách truyền tải những cảm xúc mãnh liệt của tuổi thiếu niên vào những ca khúc pop người lớn một cách hoàn hảo… điều mà tôi không thể tưởng nổi”.

Ca khúc thất tình sôi động "Dancing On My Own":

Kiêu hãnh trong thất bại

Thời điểm sáng tác Dancing On My Own, Robyn không suy nghĩ gì nhiều ngoài: “Tôi biết mình muốn làm một ca khúc có tên Dancing On My Own. Tôi chỉ không biết tiếp theo thế nào”.

Với ý tưởng về một điệp khúc trong đầu, Robyn đã bắt đầu làm việc với nhà sản xuất người Thụy Điển Patrik Berger - người từng cộng tác với cô ở album trước. Ban đầu, Patrik nhớ ca khúc mang rung cảm acoustic. Phần điệp khúc tới trước và “mọi thứ khác rơi vào đúng vị trí, như thể nó đang tự viết”.

Thế nên, theo Berger, ca từ là phần khó nhất. Mỗi từ trông có vẻ đơn giản lại đều là quá trình chọn lọc, đắn đo dài hơi. “Tôi nghĩ chúng tôi mất vài ngày cho mỗi dòng. Vẫn nhớ chúng tôi nhắn tin cho nhau về ca từ trong nhiều tuần liền. Tôi có cả một cuốn sổ đầy những dòng cắt bỏ” - Berger nhớ lại.

Họ làm cho tới khi chạm được vào cảm giác Eureka của mình.

Phần lời yêu thích của Berger là: “Em biết anh ở đó, em đoán cô ấy quanh đó” bởi nó là “phần tự hủy hoại mình, khi ta biết ta không nên tới đó. Như là gãi vào một vết thương”. Còn với Robyn, đó là câu “Em chỉ muốn nhảy hết đêm”, bởi đó là sự giải tỏa “sự tuyệt vọng, giận dữ và đau buồn”.

Chú thích ảnh
Đồng tác giả - sản xuất Patrik Berger

Kết quả là ca khúc chỉ có 130 từ, một câu chuyện dễ hiểu nhưng mang sức mạnh làm nên biểu tượng. Chuyện kể về một cô gái nghe tin người yêu cũ có người yêu mới. Mọi thứ bỗng tối sầm lại. Cô biết mình thật ngu ngốc nhưng vẫn muốn tới hộp đêm - mà cô biết người yêu cũ cùng bạn gái đang ở đó - để tận mắt chứng kiến.

Trong góc phòng nhảy, cô thấy anh hôn người cũ. Đau đớn tột cùng, cô băng qua sàn nhảy đầy những giày cao gót và mảnh chai vỡ, một mình nhảy cho tới kiệt cùng. Một con phượng hoàng đang bốc cháy, tự hủy diệt mình trong đống lửa, một lần nữa trở về hình hài non nớt trong góc phòng nhảy mà người kia chẳng nhìn thấy, để rồi sẽ huy hoàng một lần nữa.

Giống như trong nhiều bộ phim, ở phút cao trào gào thét nhất, đạo diễn đã để cho mọi âm thanh tắt đi. Nhà âm nhạc học Nate Sloan cho rằng điều kỳ diệu của ca từ nằm ở chính sự thưa thớt của nó. “Có 6 giây im lặng giữa mỗi dòng trong phiên khúc - vốn không có nhiều thời gian để rút bớt. Trong một ca khúc pop, đó là khoảng thời gian dài vô tận”.Như thể Robyn muốn giữ mọi người lại lâu thêm chút nữa trong không gian đó, để có thời gian lồng ghép mọi cảm xúc, câu chuyện, giữa những dòng nhạc.

Với câu chuyện đầy cảm hứng và âm nhạc mang các yếu tố của “nhiều thế giới khác” - như Robyn nói - của “Các ca khúc của Prince, rock ballad thập niên 1980 và nhạc điện tử queer”, Dancing On My Own có sức sống bền bỉ theo thời gian. Ca khúc đã vang lên trong nhiều bộ phim, nhiều cuộc thi, qua giọng của nhiều người (và thậm chí làm nên cả sự nghiệp của nhiều nghệ sĩ như Kelly Clarkson nói) với triết lý trong câu chuyện không thay đổi nhưng luôn hợp thời.

Bạn có thể không phải người đẹp nhất, thông minh nhất, hay nói thẳng, bạn là kẻ thất bại… nhưng cũng chẳng sao! Một ca khúc thất tình nhưng khiến người nghe bỗng cảm thấy bớt lạc lõng, háo hức muốn nhảy vào ngày hôm sau, bữa tiệc tiếp theo, hoặc người yêu tiếp theo. Một bài hát về nỗi cô đơn tột cùng, nhưng vào khoảnh khắc ta nghe nó, ta lập tức cảm thấy bớt cô đơn.

Chẳng thế mà Robyn được tôn vinh như người hùng của “giáo phái” những kẻ tìm thấy sức sống mãnh liệt khi cận kề vực thẳm. Suy cho cùng, đêm tối nhất là trước khi mặt trời mọc.

Vui vẻ ngay cả khi trái tim tan vỡ

“Rolling Stone” bình luận về vị trí No.20 của Dancing On My Own trên BXH 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của như sau:

Nữ hoàng nhạc disco Thụy Điển Robyn đã nắm bắt được tất cả vòng xoáy sung sướng và đau đớn tột độ khi một mình trong góc sàn nhảy, xoay vòng vòng, đánh mất chính mình trong khoảnh khắc của chiến thắng cô độc. “Tôi nghĩ tất cả Dancing On My Own là do tôi suốt ngày ở các hộp đêm, chơi bời và nhảy nhót quá nhiều, thấy mọi người và nghĩ: Họ đang làm gì ở đây?” - cô kể lại sau này.

Viết cùng nhà sản xuất người Stockholm Patrik Berger, ca khúc đưa Robyn lên thành anh hùng riêng một “giáo phái” mang tính biểu tượng. Nhưng nó cũng là khuôn mẫu cho cả một thế hệ nhạc sĩ trẻ, từ Taylor Swift tới Lorde, tìm kiếm loại cocktail ý tưởng long lanh nức nở. “Với tôi, ca khúc này hoàn hảo” - Lorde viết - “Vui vẻ ngay cả khi trái tim tan vỡ”.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›