(Thethaovanhoa.vn) - Có câu nói nổi tiếng rằng cần 2 người để làm nên một điệu tango. Tức là bất chấp những bất đồng tưởng chừng không thể vượt qua, chỉ cần ngồi xuống bên nhau, vấn đề có thể được giải quyết. Nếu ngày đấy Willie Mitchell không tranh cãi tới cùng với Al Green, giai điệu hòa hợp của thế kỷ Let’s Stay Together đã không thể ra đời.
Một bên hoài nghi tới cùng còn một bên chắc chắn ngay từ giây đầu tiên. Cùng nhau, họ đã tác hợp cho không biết bao cặp đôi trên thế giới.
Cuộc chiến không khoan nhượng
Trước khi Al Green trở thành một trong những giọng ca êm ái nhất thời đại của mình, ông đã phải vật lộn tìm kiếm sự chú ý trong giới âm nhạc “chó-ăn-chó” (tức là làm mọi thứ để thành công). Từ nhỏ, ông đã được dạy hát và có kinh nghiệm biểu diễn khi là thành viên của nhóm nhạc phúc âm gia đình - nhưng Green lại bị đuổi ra khỏi nhà ở tuổi 20. Ông chuyển ra ngoài ở với người bạn gái làm mại dâm và bắt đầu nhóm nhạc riêng, The Soul Mates.
Họ ghi được một hit nhỏ vào năm 1967 là Back Up Train nhưng không may, nó lại là ca khúc khiến Green khốn đốn nhiều năm. Số là đi đâu, mọi người cũng chỉ yêu cầu Back Up Train khiến Green chán nản và rời khỏi nhóm. Nhưng hit nhỏ này lại là cầu nối mang tới một mối quan hệ lớn.
Trong một lần đi lưu diễn, Green thấy trong một tụ điểm nhỏ huyền thoại trống Willie Mitchell. Đêm đó, anh đã lấy “bộ đồ vía” Back Up Main để cố gây chú ý tới Mitchell. Sự thật, Mitchell chẳng quan tâm tới hit nhỏ này nhưng lại thấy có gì đó ấn tượng trong giọng hát của Green và do đó, đồng ý làm nhà sản xuất của Green.
Thế nhưng chính Green lại hoài nghi khi Mitchell đưa cho ông bản mix thô giai điệu vừa phát triển với Al Jackson. Tùy theo nguồn tin, rằng Green chỉ mất từ 5 tới 15 phút để viết xong nhạc cho ca khúc sau này là Let’s Stay Together. Nhưng dù men lửa đã nhen lên, Green vẫn cảm thấy không muốn thu âm nó. Họ cãi vã với nhau suốt 2 ngày trước khi Green hạ cố cất giọng hát thiên đường của mình. Có lẽ vì miễn cưỡng, Green đã không cho Mitchell cái mà nhà sản xuất muốn.
Ở trong phòng thu, họ cũng giằng co ra trò. Theo Mitchell, họ mất hàng trăm giờ thu âm vì Green cứ luôn hỏi: “Anh muốn gì hả?” còn Mitchell thì khăng khăng: “Tôi muốn anh”. Green giận sôi tới mức gào lên: “Tôi đang làm nổ tung phòng thu đây” còn Mitchell cố dập lửa: “Không, cứ hát đi”. Green nghĩ ông cần nhiều cơ bắp để hát Let’s Stay Together còn Mitchell thì ngược lại: “Đừng cố xử lý bài hát, Al. Cứ thuận theo tự nhiên. Cứ để nó rỉ ra - thế đấy”.
“Tôi muốn có giọng hát vàng này nhưng cậu ấy lại cứ đưa cho tôi giọng một người khác. Đó là lý do tại sao chúng tôi cứ phải làm đi làm lại hết lần này tới lần khác” - Michell nhớ lại. Và thế là, lần thứ hai, Mitchell phải kiên nhẫn, chiến đấu hết mình.
Để lấy thêm cảm hứng, họ đã mời cả những hàng xóm nghèo bê tha tới làm khán giả. Mitchell muốn Green có khán giả khi thu âm bởi: “Đôi khi, khi anh hát về một điều gì đó, nếu nhìn vào mọi người, anh có thể nặng lòng với ca khúc hơn. Anh sẽ ngạc nhiên vì những gì chiếu rọi từ đó. Những thứ anh thấy ngấm vào hồn anh”.
Và cuối cùng, khi Green cũng nắm được đúng tinh thần của ca khúc, Mitchell sung sướng thốt lên: “Đúng điều này rồi!”.
Ấy thế mà, ngay cả khi đã có được bản ưng ý, Al Green vẫn lấn cấn không chắc ca khúc có thật sự tuyệt hay không. Ông không tin nó sẽ thành hit. Let’s Stay Together còn suýt không được phát hành vì Green ghét âm thanh “mỏng” trong giọng giả thanh của mình. Lần này, tất nhiên, lại cũng chính Mitchell thuyết phục Green rằng ca khúc “có phép thuật trong đó”.
Những cú rẽ
Let’s Stay Together nằm trong album cùng tên năm 1972 của Green. Phát hành như đĩa đơn năm 1971, Let’s Stay Together đứng No.1 Billboard Hot 100, nằm trên BXH 16 tuần và còn đứng đầu BXH R&B trong 9 tuần. Đây là album đầu tiên đạt chứng chỉ vàng của Green, nâng tầm vị trí của ông trong nhạc soul.
Thành công của Let’s Stay Together không phải là bất ngờ khi ai có thể cưỡng lại một miếng bánh ngọt ngào tới vậy? Nó như lời thề ước trước bàn thờ. Rằng chúng ta đã yêu thương nhau từ lâu để có thể bình tĩnh và hợp lý mà nói rằng mối quan hệ này nên được gắn kết mãi mãi. Dù tương lai ra sao, tốt hay xấu, vui hay buồn, anh cũng muốn bên nàng. Có bao cặp đôi chia tay rồi quay lại thật phiền hà, còn anh sẽ chẳng bao giờ vậy. Được ở cạnh nàng là tất cả những gì anh muốn.
Không chỉ là ca khúc đã tác hợp cho bao cặp đôi tới tận bây giờ, Green và Mitchell đã chuyển nhạc soul sang một hướng đi mới với Let’s Stay Together. Trước đó, ở thập niên 1960 - thời kỳ hoàng kim của soul - dòng nhạc này ngập tràn những tiếng la hét, giậm chân kiểu R&B. Nó như được đẩy tới giới hạn. Và giờ, sự ngọt ngào của Green lên ngôi.
Từ đà của Let’s Stay Together, trong 2 năm tiếp theo, ông ghi âm thêm 7 đĩa đơn với Mitchell, mỗi lần bán được cả triệu bản. Chính Mitchell là người đã giúp Green buông bỏ những gào rú trong lòng để có thể thư thái thả mình trong soul.
- Ca khúc 'Permission To Dance': Thêm một 'chú ngựa thành Troy' của BTS?
- The Sex Pistols với ca khúc 'Anarchy In The UK': 'Tôi không ở đây để giải trí'
- Ca khúc 'The Track Of My Tears' của Smokey Robinson: Vết dấu của đau thương tình ái
Let’s Stay Together được xếp thứ 60 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone, được Thư viện Quốc hội Mỹ chọn lưu trữ vì “có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử hay thẩm mỹ”. Bản thân Green được giới thiệu vào Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll năm 1995 như là một trong những nghệ sĩ nhạc soul tài năng nhất. Ông cũng được ví là “Những danh ca soul vĩ đại cuối cùng”. Trong danh sách 100 Nghệ sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại của Rolling Stone, Green đứng thứ 65. Ông giành tới 11 giải Grammy trong sự nghiệp, trong đó có giải Thành tựu trọn đời.
Nhưng trái với sự ngọt ngào hoàn hảo trong âm nhạc, cuộc sống đôi lứa của chính Green lại bi kịch tang thương. Vào ngày 18/10/1974, ngay sau khi Al Green Explores Your Mind phát hành, Mary Woodson White, bạn gái cũ của Green, hành hung ông trước khi tự sát trong nhà ông ở Memphis. Dù White cũng đã kết hôn, bà vẫn thất vọng khi Green từ chối cưới mình. Vào tối đó, White hất chảo dầu đun sôi vào Green khi ông đang tắm khiến ông bị bỏng nặng ở lưng, bụng và cánh tay. Sau đó, White tự bắn vào mình.
Al Green coi vụ việc như một lời cảnh tỉnh để thay đổi cuộc đời. Ông trở thành mục sư được thụ phong ở Memphis vào năm 1976. Trong hòa nhạc năm 1979, Green ngã khỏi sân khấu và suýt nữa đã bị thương nặng. Ông coi tai nạn này là cảnh báo từ Chúa và nỗ lực cống hiến hết mình cho thánh chức. Khi trở lại với nhạc thế tục vào năm 1988, ông lại càng được giới phê bình đánh giá cao hơn.
Giữa vô vàn biến động trong cuộc đời và âm nhạc, chỉ có một điều luôn theo Al Green: Sự đồng hành của Willie Mitchell, cho tận tới khi người bạn vàng này qua đời vào năm 2010. Let’s Stay Together, vốn là ca khúc lứa đôi, nhưng lại giống như một thông điệp tình bạn: “Hãy ở bên nhau”, dù có thế nào.
“Let’s Stay Together” qua giọng ngọt ngào của Al Green:
2 lần cất cánh… Let’s Stay Together còn tạo ra một cú ngoặt lịch sử khác. Đó là sự trở lại của Tina Turner. Sau “kiệt tác trời đày” River Deep - Mountain High, tên tuổi Turner sáng rực trong giới âm nhạc. Thế nhưng, khi ly dị chồng vào năm 1978 vì không chịu nổi cảnh ngược đãi, Turner chỉ có 36 xu đứng tên mình. Đơn thương độc mã hoạt động âm nhạc, Turner vẫn nhận được sự chào đón nhưng phải tới năm 1983, cô mới thật sự tạo nên dấu ấn mới khi hát lại Let’s Stay Together. Chất giọng ma thuật của Turner một lần nữa đưa ca khúc thành hit, thậm chí, có những điểm vượt cả bản gốc. Một ca khúc, 2 lần cất cánh cho những giọng ca vĩ đại bậc nhất lịch sử âm nhạc. Năm 2012, tại sự kiện gây quỹ ở Nhà hát Apollo, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ngẫu hứng hát Let’s Stay Together. Tất nhiên, đó không phải là màn cầu hôn. Nhưng không ai ngỡ ngàng bởi theo thời gian, Let’s Stay Together ở ngưỡng khác: Một phần đẹp của lịch sử thăng trầm. |
Thư Vĩ (tổng hợp)
Tags