Ca sĩ Quang Vĩnh: Người hát nhạc Pháp ở Sài Gòn

Thứ Ba, 02/09/2014 08:04 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Thời đại truyền thông “lạ lùng”: có những giọng hát chỉ sau 1 đêm (The Voice hay Idol, hay đơn giản chỉ là clip quay bằng webcam...) được triệu người biết đến; lại có những giọng ca miệt mài trên sân khấu hàng chục năm, trở thành “món ghiền” của dân mê nhạc, nhưng tên tuổi gần như con số không giữa “ma trận Google”. Quang Vĩnh, giọng ca “chuyên trị” nhạc Pháp ở TP.HCM là một số phận “bên lề truyền thông” như vậy.

Quang Vĩnh tên đầy đủ là Vũ Văn Vĩnh, sinh 1959 tại Sài Gòn. Nếu tính từ năm 1984, khi bắt đầu đi đánh trống thường xuyên cho các ban nhạc và thỉnh thoảng hát thì anh đã có 30 năm gắn bó với ca khúc tiếng Pháp. Xa hơn nữa, khi tham gia ban nhạc ở trường phổ thông, được má sửa từng cách phát âm nhả chữ, Quang Vĩnh đã hát tiếng Pháp hơn 40 năm. 15 năm trở lại đây, đêm nào anh cũng hát tại 2 - 3 tụ điểm, mỗi nơi hát chừng 4 - 5 bài.

Dân đi nghe nhạc ở các bar, vũ trường có “nhạc sống” ở  TP.HCM không xa lạ với tiếng hát đầy đam mê của Quang Vĩnh. Người nghe có thể sẽ bất ngờ khi gặp lại các ca khúc nổi tiếng một thời của Christophe, Art Sullivan, Herve Vilard, Adamo, Jean-François Michael...; rồi cũng dễ dàng yêu cầu các bài đã quá quen thuộc như Maman, Je Ne T’aime Plus, Les Mots Bleus, Si L’amour Existe Encore, Coupable, Adieu Jolie Candy, Les Amoureux Qui Passent...

Vốn liếng của Quang Vĩnh có đến 150 ca khúc nhạc Pháp, chủ yếu thuộc thập niên 1960-1970. “Lý do tôi chọn ca khúc của hai thập niên này vì có quá nhiều bài hay, và vì đa số người nghe của tôi thích, họ tìm thấy kỷ niệm của mình trong đó. Sau năm 1975, kỷ niệm này bị đứt quãng mấy thập niên, nên khi tôi hát bài mới, khán giả nghe khá ơ hờ, thành ra ít được hát”, Quang Vĩnh chia sẻ.

* Tôi có một thắc mắc, vì sao anh không bao giờ nhận mình là ca sĩ, mà chỉ là một nhạc công hát?

- Dù có làm cái nghề này đến ngày nhắm mắt xuôi tay thì tôi cũng chỉ là một nhạc công đi hát, đó là một sự thật khó phủ nhận. Lọ mọ học và chơi nhạc từ nhỏ, trong Trường Phổ thông Pháp - Việt đã vào ban nhạc, hát các bài tiếng Pháp. Từ 1984 - 1985 tôi đi đánh trống trong ban nhạc jazz; từ thập niên 1990 chơi với ban nhạc Buffalo Blue Club (đứng chung với những nghệ sĩ jazz tuyệt vời như Phan Ngọc Hoan, Phan Ngọc Hiếu), với ban của Làng Bình An, rồi ban nhạc của Trần Mạnh Tuấn. Trong thời gian này tôi chỉ “thường xuyên” hát tiếng Pháp nhằm “chữa cháy” khi ca sĩ đến muộn, hay ban nhạc muốn thay đổi không khí. Như vậy mà không gọi là nhạc công hát thì gọi bằng gì?


Ca sĩ Quang Vĩnh trên sân khấu tháng 7/2014. Ảnh: Văn Bảy

* Nhưng nhiều năm trở lại đây chỉ thấy anh ôm guitar trong bộ dạng một ca sĩ (hát là chính), chứ không phải nhạc công?

- Năm 2001, trong lúc đang chờ hợp đồng nhạc công mới thì Bodega Sài Gòn sắp khai trương, ông chủ gọi tôi về hát tiếng Pháp một đêm để góp vui, không ngờ đó là cái đêm đầy cơ duyên, làm tôi chuyển đổi công việc, các tụ điểm mời tới tấp. Có vẻ khán giả khoái nghe tôi hát hơn nghe tôi đánh trống, nên từ đó tôi chuyển nghề luôn, đến nay thì đi hát đều đặn các đêm trong tuần, mỗi đêm hát chừng 3 tụ điểm. Hiện tôi hát thường xuyên cho Carmen, Guitar Gỗ, Napoli, Sixteen Club, Bản Sonate…, thỉnh thoảng đi hát các nơi khác nữa, có khi ra Đà Nẵng hát cả tuần. Thế nhưng tâm thế nhạc công của tôi vẫn không thay đổi. Tôi vừa mua được bộ trống cũ, đã nhận chỉ dẫn cho một hai bạn trẻ, bản thân cũng chăm chỉ tập luyện, biết đâu sau này không còn được kêu hát nữa, tôi sẽ trở về nghề cũ.

* Được biết ba má anh chính là đôi song ca Ngọc Quang - Thanh Nguyên  có tiếng trên đài phát thanh trước năm 1975, em trai anh là pianist Vũ Trọng Hiếu, người hòa âm nhạc jazz rất điệu nghệ, tinh tế. Máu âm nhạc như vậy là có gen rồi, nhưng tại sao anh lại chọn hát tiếng Pháp, mà không phải là tiếng Việt hay tiếng Anh để nhiều người nghe hơn?

- Gia đình bên ngoại tôi nhiều người học trường Tây, lúc nhỏ tôi cũng học Trường Pháp - Việt nên chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, nhạc Pháp. Từ lúc còn bé xíu, ba đã kèm cho tôi về cách hát, cách chơi nhạc sao cho tình cảm, còn má thì kèm cách phát âm tiếng Pháp cho ra chất. Gần đây, khi đi xem tôi hát các bài mới, nếu chỗ nào phát âm không ổn má đều góp ý, điều chỉnh. Má hay dùng câu thành ngữ của Pháp: “Chanter Mieux Que Parler” (Hát hay hơn nói) để răn dạy, còn tôi thì luôn cố gắng để đạt đến điều đó.

Vì vậy, tôi đến với việc hát tiếng Pháp rất tự nhiên, không do cố tình chọn lựa. Như đã kể, do thất nghiệp đánh trống mà thành ca sĩ bất đắc dĩ, rồi gặp may vì số người chuyên hát tiếng Pháp tại TP.HCM không nhiều, nên mới có được việc làm thường xuyên, đủ lo cho hai con trai vào đại học. Cũng thật thà mà khai, nếu không mê tiếng Pháp thì với tuổi tác, nhan sắc và giọng của tôi mà hát tiếng Việt, tiếng Anh thì không trụ nổi 3 tháng đâu, chứ đừng nói giữ được việc, nuôi được con.

* Như vậy là việc hát tiếng Pháp đã đem lại cho anh và gia đình một đời sống tạm ổn, còn danh tiếng thì sao?

- Có người học ngành này ra rồi đi làm nghề khác, tôi máu nhạc từ nhỏ, được sống với nó gần như trọn đời, vậy đã quá hạnh phúc. Tiếng tăm, tiền bạc thì ai mà không muốn, nhưng không phải cứ muốn là được. Lên mạng hay ra đường có thể chẳng mấy người biết tôi là ai, nhưng khi bước lên những tụ điểm có khán giả muốn lắng nghe mình, luôn vỗ tay nồng nhiệt, vậy là quá đủ với một nhạc công đi hát rồi.

Tôi không biết ganh đua, nên nếu có thua thiệt thì cũng ráng chịu, mà có ganh đua cũng chẳng được đâu, lượng người hát và người nghe tiếng Pháp chỉ có vậy, ganh đua để làm gì. Tôi không biết mình sẽ hát đến khi nào, nhưng chắc chắn sẽ cố gắng đến khi nào tuổi tác, sức khỏe hoặc người nghe áp dụng luật đào thải.

Hai ước mơ đều thành hiện thực

Khi danh ca Christophe biểu diễn tại TP.HCM (tháng 11/2013), trong cương vị người biên tập âm nhạc, nhạc sĩ Bảo Chấn kể rằng mình muốn mời Quang Vĩnh tham gia chương trình, phía tổ chức không ai nghi ngờ về khả năng hát tiếng Pháp của anh ấy, chỉ e ngại Quang Vĩnh ít tiếng tăm, nên đã mời một nam ca sĩ khác. Bảo Chấn vẫn thấy tiếc về sự vắng mặt này.

Thế nhưng ngay sau đó, trong một đêm riêng ở Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM, Quang Vĩnh đã được mời đến hát, Christophe ngồi nghe rồi chủ động đến bắt tay chúc mừng. Quang Vĩnh dí dỏm: “Đời tôi có hai ước mơ lãng mạn trước khi chết, đó là được chụp hình dưới chân tháp Eiffel và được sánh vai cùng thần tượng Christophe, nay do cơ duyên tình cờ mà làm được, tôi rất hạnh phúc”.


Năm 2012, Quang Vĩnh đoạt giải nhất cuộc thi Tuyển chọn người hát nhạc Pháp hay nhất ở Việt Nam do Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM và Vatel Saigon tổ chức; anh và vợ được mời đến tham quan nước Pháp trong hai tuần. Trước đó, năm 2008 và 2009, Quang Vĩnh được ca sĩ Nguyễn Đan đại diện mời sang Mỹ hát tiếng Pháp tại Texas, khán giả nghe chủ yếu là người Việt.

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›