(TT&VH Cuối tuần) - Thẳng thắn, chân tình khi nói về nghề diễn viên, đó luôn luôn là Công Ninh. Vốn là một diễn viên nhiều kinh nghiệm trên sân khấu lẫn điện ảnh, truyền hình, từng tu nghiệp ở Nga; một đạo diễn sân khấu mát tay, đồng thời là giảng viên, Trưởng khoa diễn viên Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, anh có nhiều chuyện để chia sẻ về nghề dễ nổi tiếng nhưng cũng không ít tai tiếng này.
Đừng đổ lỗi cho diễn viên!
* Một số bộ phim được mệnh danh là “thảm họa phim Việt” xuất hiện thời gian qua khiến công luận thực sự bức xúc. Có tờ báo lập hẳn một diễn đàn “hoành tráng” phân tích cái dở của phim Việt. Tôi muốn nghe phân tích của anh về hiện tượng này?
- Theo tôi, những bài phê bình là cần thiết. Cần trong việc cảnh báo những hãng phim làm ẩu, những diễn viên làm ẩu. Thời gian qua, thực tế có nhiều phim yếu, nhiều phim làm quá cẩu thả và cần phải có những bài báo thẳng thắn để người làm phim phải cẩn thận hơn, nghiêm túc hơn trong những sản phẩm tiếp theo; người diễn viên tham gia cũng phải cố gắng hơn, năng động, sáng tạo hơn, chuyên nghiệp hơn để cho ra bộ phim tốt vì khán giả ngày càng khó tính đòi hỏi chất lượng phim ngày càng cao. Giờ đây khán giả có nhiều sự lựa chọn, bật đài này thấy phim dở là bật đài khác. Chất lượng là sự sống còn của các hãng phim, họ phải biết điều đó mà điều chỉnh, nếu không họ sẽ tự đào thải, tự mình giết mình thôi chứ không đợi tới ai giết hết.
Tuy nhiên, cái nào cũng cần có chừng mực, nói vừa đủ để người ta nhận ra khuyết điểm là được rồi, không nên kéo dài, nhiều khi sẽ tạo ra hiệu ứng không mong đợi như độc giả đọc báo xong là hết muốn… coi phim Việt luôn. Không nên lặp lại bài học từ phim “mì ăn liền” ngày trước. Có giai đoạn phim “mì ăn liền” rất ăn khách thì một loạt báo đài phê bình dữ quá để rồi khán giả cũng không thèm coi phim nữa. Điều này rất nguy hiểm vì phải mất một thời gian dài chúng ta mới tìm lại được khán giả coi phim Việt như hôm nay.
* Nhưng quả thật hiện nay phim Việt đang rất được ưu ái song chất lượng không tương xứng với sự chờ đợi của khán giả thì khán giả phải phản ứng thôi. Trong đó, đội ngũ diễn viên bị phàn nàn rất nhiều, những nhận xét kiểu như “diễn vô hồn”, “thoại như trả bài” là rất phổ biến…
- Vấn đề là đạo diễn không nghiêm khắc với diễn viên, nếu đạo diễn khó tính, muôn đời diễn viên cũng không dám diễn kiểu đó, diễn không đạt thì phải quay lại ngay. Trong một bộ phim, vai trò của người đạo diễn rất quan trọng. Đạo diễn có quyền bắt diễn viên làm theo ý muốn của mình, thấy diễn viên diễn sai, diễn chưa tới thì phải sửa, đến khi được mới thôi, đâu thể thấy sao để vậy được.
* Ý anh là, phim hay hoặc dở thì đạo diễn phải bị kêu tên đầu tiên?
- Đúng vậy! Tôi thấy cứ phim dở là nhiều người lại đổ cho diễn viên. Quan trọng là anh đạo diễn kìa, anh phải biết diễn viên mình diễn dở, diễn hay ra sao để sửa chứ. Sao cái gì anh cũng “cho qua, cho qua” để rồi ra phim thì diễn viên lãnh đủ, trong khi anh có quyền đòi hỏi diễn viên phải lột tả được nhân vật theo đúng ý đồ của anh và diễn viên chuyên nghiệp luôn sẵn sàng làm theo chỉ đạo của đạo diễn mà.
* Nhưng diễn viên cũng không hoàn toàn vô can khi có trường hợp nhận 3 vai chính một lượt để rồi khi ra trường quay thì mặc nhầm trang phục, lẫn lộn từ lời thoại phim này sang phim kia…
- Để có một vai diễn không dễ. Bây giờ đúng là có nhiều hãng phim, cứ làm hết phim này đến phim kia, nhưng với nhiều diễn viên, cơ hội chỉ đến một lần, ai được mời cũng phải tranh thủ, tội gì bỏ. Nhưng quan trọng là phải tranh thủ như thế nào... Cũng có trường hợp hơi “ngặt nghèo” như kịch bản không hay, mà đạo diễn cũng không tinh tế lắm, thì diễn viên có phần thiệt thòi. Nhưng nếu diễn viên có bản lĩnh vẫn lật ngược được thế cờ. Anh hoàn toàn có thể góp ý với đạo diễn, trao đổi với bạn diễn, chỉ cần anh chịu đầu tư cho vai diễn là người ta sẵn sàng tạo điều kiện cho mình phát huy.
Chất lượng là sự sống còn của các hãng phim, họ phải biết điều đó mà chỉnh, nếu không sẽ tự mình giết mình chứ không đợi tới ai giết hết.
Tất nhiên, một bộ phim không thể là sản phẩm của một cá nhân đạo diễn hay diễn viên được, nó có nhiều khâu, nhiều yếu tố từ nhà sản xuất, kịch bản, đạo diễn, diễn viên, quay phim… đều phải hoàn chỉnh đồng bộ.
Gươm không mài sao bén?
* Hiện nay, lực lượng diễn viên nòng cốt của các đoàn phim phía Nam chủ yếu xuất thân từ Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, nơi anh đang giảng dạy. Việc đào tạo của trường đóng vai trò như thế nào trong thành công của diễn viên?
- Nhà trường cho các em một nền tảng cơ bản để các em có một khái niệm về nghề nghiệp, có những kỹ thuật cơ bản về nghề nghiệp: trang bị kỹ năng biểu diễn, những kỹ năng giúp người diễn viên có được cảm giác: một cảm giác về tiết tấu, một cảm giác về âm nhạc, một cảm giác về hình thể… để khi thâm nhập nhân vật sẽ sử dụng những kỹ năng đó để hóa thân. Còn lại các em phải tự thân vận động để phát triển, đâu có thể nói khi ra trường là sẽ thành nghệ sĩ chuyên nghiệp hay sẽ nổi tiếng được. Tôi trao cho em “vũ khí” rồi, còn “chiến đấu” như thế nào là việc của em.
* Thực tế hiện nay từ sân khấu đến điện ảnh, truyền hình có một hiện tượng là: những diễn viên không nổi bật về sắc vóc, khả năng diễn xuất lại trội hơn hẳn những “đào đẹp, kép đẹp”?
Cấm sinh viên chạy sô dễ lắm, ai chạy thì đuổi. Nhưng bây giờ nếu cấm kiểu đó chắc gần như không còn ai học vì chạy sô cả trường rồi còn gì!
- Chính tôi trong quá trình giảng dạy cũng thường nói về nghịch lý này để các em rút kinh nghiệm: bản thân các em khi được chọn vào trường là chúng tôi đã ưu ái về thanh sắc và dáng vóc. Các em đã được ưu đãi từ trời, cha mẹ, tạo hóa đã tạo ra các em hình hài đẹp đẽ như vậy. Thế nên đa phần các em lại chủ quan, không chịu rèn luyện như những em khiếm khuyết về hình thể. Những em yếu thế hơn về dáng vóc biết rất khó cạnh tranh trong các vai diễn nên đổ công, đổ sức ra học hành, rèn luyện. Thành thử những em không đẹp, không nổi trội về sắc vóc lại học hành chăm chỉ hơn, tập luyện kỹ lưỡng hơn, tham gia nhiều vai diễn hơn tự động khả năng diễn xuất trội hơn các em quá đẹp. Rõ ràng lắm, nếu không rèn luyện, mài giũa hàng ngày thì kiếm sẽ không bén thôi.
* Từng học tập tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh Leningrad (Liên Xô cũ), anh có áp dụng được kinh nghiệm gì cho việc giảng dạy ở Việt Nam?
- Tôi chưa bao giờ dám áp dụng hết chương trình ở Nga để dạy ở Việt Nam, cùng lắm chỉ được phân nửa thôi. Vì… cực quá! Chương trình học bên kia đòi hỏi người học sinh phải dành hết toàn bộ tâm trí, sức lực, sự sáng tạo trong những năm học ở trường, không được “chạy sô” hay làm chuyện gì bên ngoài mà bị phân tâm trong việc học và rèn luyện ở trường. Còn ở đây thì các em thời gian không có, điều kiện kinh tế cũng không có, phải làm đủ mọi thứ để đi học, mà nhu cầu xã hội cũng chưa cần thiết phải vậy.
Dễ thấy nhất là việc đạo diễn chọn diễn viên ở ta hiện nay còn rất đơn giản. Nếu tôi bắt học miệt mài ở trường, chưa chắc các em chịu học, vì học đơn giản, nhẹ nhàng thôi thì đã được mời vai chính rồi. Bản thân các em thấy ngoài xã hội dễ dàng như vậy nên cũng phần nào chủ quan với việc học trong trường. Tất nhiên với những em không có nội lực thì chỉ được 1, 2 vai thôi, sau đó người ta lại kiếm những diễn viên khác vì diễn quá dở ai dám mời nữa.
* Được biết, để sinh viên tập trung học tập, ở trường cũng có quy định cấm sinh viên tham gia biểu diễn khi còn đi học?
- Không cấm được, phải thích nghi với xã hội thôi. Cấm dễ lắm, ai đi cứ đuổi. Nhưng với yêu cầu xã hội bây giờ nếu cấm kiểu đó chắc gần như không còn ai học vì chạy sô cả trường rồi còn gì, có sô là phải đi thôi. Nói thiệt, nếu thế hệ của chúng tôi cũng nhiều sô như thế thì chắc gì chúng tôi chăm học thế hay cũng “chạy”? Nhưng việc các em chạy sô cũng là một thuận lợi vì nếu các thầy cứ giam hãm các em ở trường 3 năm để cuối cùng ra trường làm mất toàn bộ cơ hội có thể đến với các em khi đang học sao? Như trường hợp của Thanh Thúy (“hiện tượng” ở Bước nhảy hoàn vũ 2011) nếu khắt khe thì làm sao bây giờ có một Thanh Thúy như thế vì em đã nổi tiếng từ hồi học năm 1, năm 2 rồi; nếu khắt khe thì cũng làm sao có Lan Ngọc (Cánh diều Vàng Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho vai Nương, phim Cánh đồng bất tận), cũng “thành sao” từ năm 2... Không thể tước bỏ cơ hội đó của các em, nếu làm vậy chúng tôi như đang gây ra tội lỗi ghê gớm lắm.
Có cơ hội rồi nhưng nắm bắt thế nào là do các em quyết định. Nếu đủ bản lĩnh nắm giữ thì sẽ thành công, bằng không sẽ mất phương hướng, lạc đường. Đó là “con dao hai lưỡi”, quan trọng vẫn ở người học viên sẽ nắm bắt cơ hội như thế nào.
* Vậy không lẽ những sinh viên bên Nga không muốn nắm bắt cơ hội?
- Đó là một môi trường hoàn toàn khác rồi. Bên đó mọi cái đều căn cứ trên nền tảng khoa học, con người được đào tạo đàng hoàng rồi họ mới sử dụng chứ không có nắm bắt kiểu mình như mình, kiểu của mình là… chụp giựt.
* Nhưng chúng ta không thể… chụp giựt mãi được?
- Tất nhiên theo xu hướng chuyên nghiệp thì dần dần chúng ta cũng sẽ tiến tới sự đào tạo bài bản của thế giới. Điện ảnh của mình chỉ đang tập tành chuyên nghiệp, đang chuyển hóa từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp thôi. Phía trước vẫn là một chặng đường dài. Và chúng ta vẫn cần có sự nhận xét, đánh giá nhưng đừng cực đoan, cực đoan sẽ đi vào phiến diện.
* Cảm ơn những chia sẻ thẳng thắn của anh!
Ninh Lộc (thực hiện)